[hay: Tôi đã sống Glang Anak như thế nào?]
Cặp từ “họ”-“mình” ‘uraang/ra – drei’, “họ”-“ta” ‘nhu – ita’ thường xuyên được lặp lại trong Glang Anak. Lặp lại không như một đối trọng để căm thù, triệt tiêu mà để hiểu biết và hóa giải.
Như Nguyễn Du với Kinh Kim Cang, thuộc lòng Glang Anak từ năm lên bốn, và mãi đến hôm nay tôi vẫn còn tụng-đọc Glang Anak, tinh thần Glang Anak thấm vào tận xương tủy tôi, thế nên tôi “sống Glang Anak” không là chuyện lạ.
Xin tuần tự…
1. Với HỌ, làm sao hiểu họ? Và tôi làm gì để “họ” hiểu Cham?
‘Rai drei tha pajiơng rei thong nhu
Ralô ginoong pôic ôh hu, rabrei janưưk mai ka drei’
Đời ta [lỡ] sinh ra cùng thời với họ
Lắm giận nói chẳng được, người ta [lại] mang tội đến cho mình
Bao nhiêu vụ việc xảy tới, nói có được đâu! Nói rõ ra, mọi tội lỗi đổ lên đầu ta thôi. Đó là điều đầu tiên “ta” cần hiểu.
Nghiên cứu thơ Việt để hiểu tâm hồn Việt – tôi từng tuyên thế.
Hiểu, nhưng lẽ nào mãi hãi sợ mà câm lặng? Tôi phải nói, và tôi đã nói.
‘Bbwah kar duix ruup min likei’: Than trách chỉ tội thôi em.
Không “than trách”, mà là nói. Cho sự công bằng và ‘gap urang gap drei’ “vừa người vừa ta”. Có ai thấy tôi cực đoan hay quá khích ở đâu không? Tôi nói để “họ” thấy, khải thị và khai sáng “họ”. Để chính “họ” quay lại giúp ta.
2. Với TA, tôi làm gì?
Tôi cũng chưa hề trách “ta” nữa. Tôi lên tiếng, dù nhìn quanh chẳng thấy ai ‘glang anak lỉnhe likuuk jaang ô hu”. Ngươì cùng thời: Thành Phần, Phú Hẳn, Bá Trung Phụ, Trầm Ngọc Lan… không.
‘Bbwah’ trách – không; ‘bilei’ nói xấu sau lưng, xỏ xiên bóng gió – càng không.
Suốt thi phẩm, Glang Anak thường xuyên lặp từ ‘bilei’ (nói xấu sau lưng). Nếu có “pôic’ (nói) chỉ để dặn là “jôi pôic’ (đừng nói…).
Khởi đầu là LỜI. Vậy,
‘jaang ô pôic prong hatai’: cũng không nói to gan
‘jôi pôic tui hatai’: chớ nói theo tâm [ganh ghét, nóng giận]
‘jôi mưgru tasaup hatai đôm kaphôl’: đừng học đòi tâm xấu ác nói lời vô phép
‘jôi pôic yau ra nao di ngok rabaang’: Chớ nói như người bước trên cầu
‘jôi bilei yau mưng kaal’: đừng chùng lén như người xưa
‘jôi bilei ka uraang’: đừng chùng lén người ta
Bởi ‘bilei uraang sre di drei’: nói xấu người thì lời kia tràn về phía mình.
Tôi hay đùa: Ai thấy Sara nói xấu sinh linh Cham nào đó sau lưng, thì giàu to.
Và có ai thấy Sara chưởi rủa, cương cứng, hay nuôi ý định trả thù ai chưa?
Glang Anak [câu 94]:
‘Ginoong hadôm ppataba…’: Nóng giận đến đâu hãy làm cho nhạt…
thì mọi căng thẳng sẽ tự hóa giải.
3. CÒN SẢN NGHIỆP ‘DRAP’ ÔNG BÀ
Glang Anak dạy cần biết khởi đầu từ cái nhỏ nhất, tôi đã làm gì?
Ngay từ tuổi 15, tôi trì trì “ngô hành dã”…
Lang thang qua các ‘palei’ lượm nhặt từ tục ngữ ca dao ‘panôic yao panôic pađit’ rơi vãi trong dân gian, tìm chép văn bản sử thi ‘akayêt’, trường ca ‘ariya’ trong ‘ciet’ sách gia đình, cho đến mày mò đọc kinh sách ‘agal’ được cất giấu nơi ‘Baganraic’ của các vị chức sắc tôn giáo ‘Halau janưng’.
Để dựng nên lâu đài văn học dân tộc, bộ: Văn học Cham.
Từ đó lan tỏa truyền thống văn hóa Cham ra bên ngoài, qua trăm buổi nói chuyện trong và ngoài nước, như Glang Anak dạy.
4. Cuối cùng, như Glang Anak, tôi tin ‘Pô Yang’ chưa chết!
Đặt trọn vẹn niềm tin vào, và phó mặc đời mình cho Ngài.
Phụ lục [2] SỐNG DƯỜI DẤU HIỆU GLANG ANAK
[hay: Tôi đã mở rộng tư tưởng Glang Anak như thế nào?]
Giữ kho ‘drap’ cho ông bà, đủ chưa? Nhập cuộc Việt Nam, xem đất nước Việt Nam là quốc gia của mình, đã thực sự đủ chưa? Không! Tôi phải mở, và đã mở.
– Qua sáng tạo: Lễ Tẩy trần tháng Tư, Ở nơi ấy [thơ thời cuộc], Chân dung Cát…Qua nhập cuộc văn học Việt: Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo, Song thoại với cái mới, Thơ Việt, hành trình chuyển hướng say, Nhập cuộc về hướng mở, Văn chương tan rã, cùng bộ 5 phê bình & tuyển thơ: Thơ Việt đương đại.
Mở, và truyền lửa cho các cây bút Cham mở, qua Tagalau.
Và gì nữa? Ba trích đoạn quan trọng:
1. “Tôi nghĩ các cán bộ là người dân tộc thiểu số hay người Việt đang công tác ở vùng đồng bào dân tộc, cần nắm vững chính sách dân tộc của Chính phủ. Nắm vững và dũng cảm thực hiện mà không ngại bất kì thế lực nào, miễn mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Như thế, nếu không sợ những điều không đáng sợ, giới trí thức Cham vẫn có thể làm nên nhiều chuyện”
(tạp chí Văn hóa Dân tộc, số 1-2006).
2. “Nhà văn hậu hiện đại là kẻ có thể theo dõi các trào lưu triết học mới nhất trên thế giới đồng lúc vẫn cặm cụi đi điền dã lượm nhặt từng dòng ca dao, từng câu tục ngữ, hay sẵn sàng mở cuộc điều tra nạn trộm cắp gà tại quê nhà để giúp chính quyền địa phương dẹp tệ nạn xã hội”
(Tienve.org, 3-2009).
3. “Chuyện Nam tiến là thật. Đại Việt mở cõi không phải là miền đất hoang, mà là đất có chủ, và chủ nhân ấy đã dựng ở đó nền văn hóa và văn minh phát triển. Chuyện Champa mất về tay Đại Việt, cũng là thật. Việt Nam hôm nay cần nhận ra và nói lên sự thật lịch sử đó… Không phải để khơi dậy tinh thần dân tộc hay tạo sự hiềm khích, mà là để hiểu biết lẫn nhau. Chỉ khi làm được điều đó thôi, chúng ta mới có thể nói đến việc hóa giải lịch sử và hòa giải dân tộc.
Nếu ta giấu đi sự thật lịch sử, đừng nói là sự thật hôm nay, mà là sự thật hôm qua, thì chỉ thiệt hại cho đất nước. Chẳng những ta không nhận diện được sự thật toàn vẹn của lịch sử Việt Nam, mà ta còn lừa dối cả thế hệ con cháu. Và một khi Cham biết mình đang bị lừa dối, thì đòi hỏi họ đặt niềm tin chính quyền, là điều không tưởng ” (RFA, 3-5-2013).
[Tham khảo thêm:
Người Việt “mở cõi”… và thừa hưởng di sản ấy. Dù di sản kia đa phần chỉ còn là phế tích cùng những mảnh vụn, nhưng chúng là vô giá. Nhận chân được điều đó, chúng ta cần học biết cảm tạ bộ phận nhân loại từng tạo dựng nên chúng, để cùng trách nhiệm. Trách nhiệm bảo tồn, không chỉ bản than chúng, mà còn bảo tồn cả môi trường tự nhiên, và không gian văn hóa quanh chúng nữa. Để con cháu ta sau này còn được thụ hưởng lâu dài. Không thể khác (Inrasara.com, 2014).]