Trích tùy bút: Inrasara, “Nhiêu khê “họ” Cham”:
“Nhưng hà cớ Cham lại mang họ Nguyễn, họ Bạch?
Họ Nguyễn, Cham làm quan dưới Triều Nguyễn được nhà này ban phước lành tặng cho cái họ, thì hẳn rồi. Chớ Cham mang họ Bạch thì sao? Thi sĩ Bạch Văn Thanh quê Phan Rang vừa chỉ cho thấy cái bước chân chữ bát bí ẩn của lịch sử.
Lê Văn Duyệt, mà bà con Cham tặng cái biệt hiệu Ông Kadơ (Ông Nân) vừa mất thì triều đình Huế phái ngay người trong đó có quan Bố chánh Bạch Văn Nguyên vào Gia Định kiếm cớ “dẹp loạn”. Kiếm thì thấy. Mười chín tay chân dưới trướng Ông Kadơ bị chém đầu, riêng con nuôi là Lê Văn Khôi bị tống vào ngục chờ ngày chuyển ra Huế báo công. Họ Lê sâu rễ bền gốc tại đất này đâu dễ chịu thua. Phải tính kế lật ngược thế cờ, mà ngọn cờ phải là Lê Văn Khôi – chứ không ai khác.Vừa thoát khỏi lồng, Lê tập hợp binh sĩ, kéo tới trị tội họ Bạch tanh bành.
Lại bỏ sót ba anh em.
Về đâu? Vào Nam chết chắc, ra Huế thì chắc chết – nhại lối nói của Tưởng Năng Tiến! Dẫu sao phải chạy cái đã. Ba anh chạy chạy và chạy . Đến đất nắng Phan Rang thì thấm mệt, tìm đất trống náu thân. Ông cả xuống xóm nhỏ dưới Phan Rang trốn, anh giữa chui vào palei Cham Chakleng ẩn tích, lấy vợ sanh con đẻ cháu. Thằng em út tính xa hơn, ẩn sâu vào làng Cham Bà-ni Văn Lâm, mai danh chối luôn “sắc tộc” Việt dù vẫn giữ họ cha.
Họ Bạch của Cham ra đời theo kiểu cắc cớ ấy, trong đó sinh linh đời thứ năm là Bạch Thanh Chạy cố Trường Ban Ban Biên soạn sách chữ Chăm Ninh Thuận khai sinh dân tộc Cham đích thị là dòng máu họ Bạch xa xôi ấy rơi lại.”
P.S.
Trích ghi chép của Bạch Văn Thanh:
Tôi kể với anh Tùng:
Nhà thờ tổ họ Bạch hiện ở thôn Phước Linh, xã Phú Mỹ, huyện Phú Quang, Huế.
Cái thôn đó nửa thôn là họ Bạch, 3 năm cúng một lần, vào ngày mùng 1 tháng Sáu. Có nhiều chi phái về, dâng hương. Gốc họ Bạch tư Cao Tần cố tổ mình ngoài Bắc, trong 6 họ thời vua Hùng dựng nước, đã có họ Bạch. Rồi đến hồi đi theo Nguyễn Hoàng, xâm lược Chiêm Thành cũng có họ Bạch.
– Chú nghĩ sao mà chú dùng từ đi “xâm lược?- anh Tùng cười hỏi laị tôi, phải nói đi mở cõi mới đúng. Tôi cười, cãi lại:
– Đất người ta có chủ mà, có phải đất hoang vô chủ đâu, mà đi mở cõi…- Tôi tiếp:
Các chi họ Bạch định cư ở Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ban Mê Thuột, Lâm Đồng. Riêng chi Phan Rang không phải ở Huế vào
Ông Cố nội em, từ gia định chạy loạn Lê Văn Khôi ra Phan Rang năm 1833. Anh đọc lại Trần trọng Kim đi…
Gia Long mất, Minh Mạng vốn không ưa Lê Văn Duyệt, vừa lên ngôi đã muốn truất ông. Nhưng Lê Văn Duyệt còn binh tướng trong tay, Minh Mạng phải đợi ông chết cái đã. Vua Minh Mạng bổ nhiệm 3 vị cận thần vào nhậm chức thành Phiên An Gia Định trong đó Bạch Xuân Nguyên làm Bố Chính được mật chỉ lật lại chuyện cũ để khép tội ông. Thế là cả nhà 19 người bị mang ra giữa chợ chém. Riêng Lê Văn Khôi bi bắt giam. Ngờ đâu Khôi vẫn còn nhiều thuộc hạ, cứu thoát, liền kéo đến nhà Bạch trả thù.
Tối 18 tháng 05 năm 1833, Quý Tỵ, những người còn sống sót tháo chạy. Ba ông chạy ra Phan Rang chia ra ba nơi. Ông lớn định cư tại Thuyền cũ Phan Rang, ông thứ nhì ở Mỹ Nghiệp làm nghề đống xe trâu và bán thuốc nam, ông thứ ba lẩn đâu không biết.
Khả năng, cánh họ Bạch người Chăm ở xã Phước Nam bây giờ là cháu chắt của ông này. Ông nội của ông Bạch Thanh Chạy còn nói rằng chúng tôi không phải Chăm đâu, mà là người gốc Việt từ Huế cơ…
Ở Mỹ Nghiệp với người Chăm, cha tôi, bác tôi và hai cô tôi đều nói tiếng Chăm, cho đến năm 1948, Mỹ Nghiệp xảy ra trận cháy lớn, gia đình dòng họ tôi bị cháy mất hết tài sản, cho nên dời về Phú Quý ở cho đến bây giờ. Trước đây dòng họ tôi có 12 cái mã trước làng Mỹ Nghiệp, sau lấy cốt cải táng về Chung Mỹ…