DUNG TÚNG [& ĐỒNG LÕA VỚI] SỰ THIẾU MINH BẠCH

1. Một tiểu luận trong tác phẩm lí luận – phê bình, tôi viết: “Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc cho rằng…” được BBT Nhà xuất bản chỉnh lại thành: “Như một nhà phê bình cho rằng…” và đưa Nguyễn Hưng Quốc xuống tận mục… “Sách tham khảo”! Nhạy cảm, nên ta thiếu minh bạch. Là chuyện thường ngày trong thế giới chữ nghĩa Việt Nam. Đạo văn và phi tang, đánh cắp ý tưởng kẻ khác mà không buồn chú thích, còn nhà phê bình kia viết bài phê phán tôi mà không dám nêu tên tôi, cứ [anh hùng] núp mà phán… là thiếu minh bạch. Đến nỗi tôi phải cất công kéo anh chàng ra ban mặt ban ngày để hầu chuyện.

Năm ngoái, đám tang bà nhạc Japrang ở palei Cok, có bác nọ trong buổi trà dư – biết tôi phản đối Dự án ĐHN –, nổ rằng ở chuyến đi tham quan Nhà máy ĐHN Đà Lạt vừa qua, bác đã đăng đàn phát biểu rất oách. Nếu thế, thì oách thật!
Nhưng khi tôi “xin bác cho biết quý danh?”, bác hỏi: “có chi không?” – Ý kiến hay lắm đó, tôi sẽ ghi nó lên trang mạng của tôi”. – Thôi, đừng, đừng cậu nó à… phiền lắm. Có lẽ bác ấy nổ cho oai thôi. Kẻ đi xa về tha hồ nói láo! Có ai ở diễn đàn đó nghe bác nói gì đâu.
Tuần vừa rồi về quê, thời sự palei Boh Dana đang nóng, tôi tạt qua làm cuộc phỏng vấn bỏ túi dăm người để hiểu sự vụ. Bà con sẵn sàng kể, nhưng khi tôi đòi ghi tên đính kèm thì: ôi thôi, chú nó ơi cho tôi xin… Nghĩa là, ta rất sợ minh bạch tên tuổi, sự việc, ý kiến.

Nói chi bà con Cham ở quê, ngay cánh nhà văn vốn được cho là thành phần trí thức ưu tú cũng sợ minh bạch đáo để. Viết bài phê bình Festival Thơ châu Á – Thái Bình Dương đầu năm nay, tôi phone hỏi 7 nhà văn, họ kể lể ôi thôi bao chuyện bức xúc, đến khi tôi đòi ghi ý kiến kia với tên tuổi cụ thể lên mặt báo thì [trần văn] biến!
Ta phê phán trời đất Ban chấp hành, phản biện quyết liệt Chủ tịch Hội Nhà văn mà không dám ra mặt trên báo chí, là sao? Sợ minh bạch, bởi có thể đó là lời nói láo, bày ra để xuyên tạc người khác. Còn nếu đó là thật mà không dám nói, là sợ vạ vào mình, là hèn – chứ không có từ nào khác xứng danh hơn.

2. Năm ngoái [chuyện kể rồi] trong buổi tửu hậu, bạn thơ Trầm Ngọc Lan hỏi tôi bao nhiêu tuổi Đảng, tôi nói mình có Đảng chi mô.
– Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ mà không Đảng viên sao?
Vui thế chứ. Tôi có giãi bày sơ qua rồi, nghĩ bạn còn bán tín, thế nên tôi đã phải minh bạch nó trên website, và FB. Chuyện mới đây còn vui hơn nữa. Cô em Hoàng Lương ở Phan Rí rất ư là thật thà:
– Anh Sara năm nay mấy mươi tuổi Đảng rồi nhỉ? – Có đâu!
– Thật vậy sao? Thế anh làm to ở Trung ương mà không Đảng à? – Chức gì mô!
– Người như anh mà không chức sao? – Anh còn chả có lương bổng, còn chưa có bằng cử nhân lận túi nữa là…
– Thế anh làm gì sống? [câu hỏi khiến tôi muốn cười vỡ bụng]
– Anh làm th[u]ơ…
Cô nàng ngơ ngác, tôi tiếp: Anh làm thuê, bằng viết báo, thuyết trình, sửa bài…
Ngộ nhận thế, nên tôi phải minh bạch [bố cáo] lần nữa cho bà con biết. Bởi tôi có thể dối một, hai người, chứ tôi không thể láo cả làng trên mạng được.

3. Xã hội hôm nay – kẻ dưới sợ vạ vào mình nên không dám minh bạch; kẻ trên thì tạo điều kiện, bao che, đồng lõa… với sự thiếu minh bạch.
Lập dự án [và…] thiếu minh bạch, Nhà nước bật đèn xanh cho tham ô móc ngoặc, qua đó cán bộ thành bầy sâu lũng loạn đất nước. Xét kết nạp Hội viên thiếu minh bạch, Hội Nhà văn dễ dung túng tiêu cực kéo uy tín Hội xuống thấp hơn bao giờ. Phán xét ai đó thiếu minh bach [không dám trực diện đối tượng], cá nhân kia không là gì hơn người hèn chỉ có thể đánh lừa kẻ nhẹ dạ ngu ngốc.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *