Đậu Viết Hương: Nét độc đáo của văn hóa Chăm

Báo Tiền Giang, 4-2014

TienGiang01

Đúng 23 giờ ngày 03/04/2014, xe bắt đầu lăn bánh! Chuyến đi thực tế tìm hiểu Văn hóa Chăm và đảo Phú Quý của Chi hội văn, Hội Văn học nghệ thuật Tiền Giang gồm 20 thành viên, do nhà thơ Trần Đỗ Liêm làm Trưởng đoàn nhằm hướng tỉnh Bình Thuận trực chỉ. Đã có hẹn trước nên khi đoàn đến thị trấn Phước Dân, nhà thơ người Chăm Inrasara và nhà thơ Kiều Maily đã chờ sẵn để làm hướng dẫn viên cho đoàn.

Nghe tiếng nhà thơ Inrasara đã lâu, nay mới gặp mặt lại càng ngạc nhiên hơn, bởi nhà thơ hiện là chủ nhân của Nhà trưng bày Văn hóa Chăm thu nhỏ mang tên Inrahani. Trên một diện tích rộng khoảng 12m x 32m, căn nhà được chia làm bốn phòng gồm: – Phòng trưng bày, bảo quản hàng trăm cuốn sách Chăm cổ, sách nghiên cứu văn hóa Chăm, sách sáng tác bằng tiếng Chăm, tư liệu ảnh tháp Chăm và những bức tượng Chăm nổi tiếng mô phỏng bằng đúng chất liệu đá sa thạch với kích thước 80% mẫu gốc. – Phòng trưng bày hiện vật gồm đồ dùng trong sinh hoạt và công cụ, nông cụ canh tác, săn bắn ngày xưa của dân tộc Chăm. – Phòng giới thiệu các loại khung dệt, hoa văn và hàng thổ cẩm cùng sản phẩm gốm các loại. Cuối cùng là phòng đọc sách dành cho cộng đồng, hiện có khoảng 5.000 đầu sách thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.

Chỉ mới nhìn thoáng qua, nhà thơ Lê Ái Siêm bật thốt lên: – Vậy là chỉ cần ở đây chớ đâu cần đi đâu xa. Ai muốn tìm hiểu thêm vấn đề gì, cứ hỏi nhà thơ Inrasara là đủ bởi không chỉ là nhà thơ, Inrasara còn là một nhà nghiên cứu Văn hóa Chăm nữa đó.

Có lẽ, cũng cần nói qua đôi nét về nhà thơ Inrasara, người Chăm, sinh ra tại làng Chakleng cổ xưa, ông còn là nhà nghiên cứu, sưu tầm, dịch thuật văn học và ngôn ngữ Chăm; từng được giải thưởng của Trung tâm Lịch sử và Văn minh Đông Dương thuộc (Pháp) với công trình nghiên cứu Văn hóa Chăm. Ngoài ra, ông từng hai lần đoạt giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam, giải thưởng Văn học Đông Nam Á và giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh; được bầu chọn là “Nhân vật Văn hóa” của Đài Truyền hình Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ – Hội Nhà văn Việt Nam khóa 8. Với vốn kiến thức sâu rộng qua nhiều năm nghiên cứu, sưu tầm, tích lũy Văn hóa Chăm, nhà thơ Inrasara còn dồn toàn bộ tâm huyết, sức lực để quảng bá, giới thiệu Văn hóa Chăm với cộng đồng trong và ngoài nước.

Tự bỏ công sức, trí tuệ, tiền của xây dựng Nhà trưng bày Văn hóa Chăm, nhà thơ Inrasara vừa trở thành chủ nhân, vừa là người hướng dẫn viên điêu luyện. Qua mỗi phòng trưng bày, ông đều thuyết trình một cách tỉ mỉ về Văn hóa Chăm thể hiện qua từng hiện vật và những giá trị văn hóa phi vật thể qua các lễ hội truyền thống của dân tộc Chăm.

Giọng phổ thông của nhà thơ Inrasara khá chuẩn: – Những nét đặc sắc của văn hoá Chăm thể hiện từ tiếng nói, chữ viết riêng của mình; từ nghệ thuật và kỹ thuật tạo dáng của các ngôi tháp bằng đất, các pho tượng bằng đá, đến các sản phẩm vải thêu, dệt hoa văn, dệt thổ cẩm hoặc đồ gốm và các vật dụng phục vụ cho cuộc sống hàng ngày. Người Chăm luôn tự hào về những ngôi tháp Chămpa cổ kính xây dựng bằng đất nung độc đáo. Hình ảnh vũ nữ Chămpa cổ xưa đã được chạm khắc vào các đền tháp, trong đó bức phù điêu Vũ nữ Trà Kiệu là một trong những tuyệt tác. Là một bộ phận của nền văn hoá dân tộc, kiến trúc dân gian của người Chăm cũng có một lịch sử và truyền thống lâu đời. Bàn tay và khối óc sáng tạo của dân tộc Chăm làm sáng tỏ tính phong phú, đa dạng, giúp chúng ta thấy được sự giao lưu văn hoá, quá trình phát triển của người Chăm. Người ta còn thấy nhiều nét trạm trổ và các bức tượng bằng đá thể hiện nếp sinh hoạt ca múa và chơi nhạc dân gian rất sinh động. Người Chăm luôn mang trong máu của mình một tâm hồn văn nghệ dân tộc đặc biệt. Nghệ thuật truyền thống luôn được người Chăm nuôi dưỡng, trân trọng và liên tục truyền cho nhau từ bao đời nay.

Múa Chăm phong phú và độc đáo! Hầu như mỗi làng Chăm đều có một đội múa riêng. Những điệu múa cổ xưa nhất thường được trình diễn trong các lễ hội. Các nghệ nhân Chăm đã sáng tác thêm những điệu múa đặc sắc như múa chàm rông, múa đoa pụ (đội bình nước trên đầu). Múa quạt là điệu múa phổ thông của người Chăm. Khi múa, các vũ nữ dùng quạt làm đạo cụ để biểu diễn những loại múa khác nhau. Múa bóng mang tính tôn giáo và cũng rất phổ biến của người Chăm. Trong những nét đặc trưng của múa Chăm là múa ổn định theo nhạc. Dàn nhạc đệm cho múa thường gồm hai trống Baranưng và một kèn Saranai. Nhìn chung, vũ điệu Chămpa nhằm phô diễn vẻ đẹp của con người.

Người Chăm có nhiều lễ hội trong năm như hội Rija, Roya, Ramadan; lễ Pơk Băng Yang, lễ Katê… Trong đó, lễ hội Katê là một trong những lễ hội lớn nhất của người Chăm được tổ chức thường xuyên vào đầu tháng 7 (lịch âm) tức là vào khoảng trung tuần tháng 10 (dương lịch), để tưởng nhớ các vị anh hùng dân tộc và ông bà tổ tiên. Katê là lễ hội mang ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi. Katê còn mang ý nghĩa phồn thực, cầu mong cho sự hòa hợp lứa đôi, sự sinh sôi nảy nở của con người và vạn vật. Đây là một lễ hội dân gian đặc sắc nhất trong kho tàng văn hóa của cộng đồng người Chăm.

Lễ hội không chỉ gắn với đền tháp cổ kính, nơi lưu giữ những giá trị kiến trúc kỹ thuật và mỹ thuật cao nhất của nền văn hoá Chăm mà còn gắn tới lĩnh vực khác của văn hóa: đồ cúng tế, y phục, nhạc cụ; những bài thánh ca, ca ngợi các vị vua hiền có công với nước với dân. Lễ hội còn là dịp để những người tham dự được thưởng thức một nền nghệ thuật ca – múa – nhạc dân gian với phong cách độc đáo. Những người tham dự lễ hội được hoà cùng điệu múa của các thiếu nữ Chăm, say sưa cùng tiếng trống Baranưng, kèn Saranai. Lễ hội Katê là minh chứng về sự phong phú, đa dạng trong kho tàng văn hóa của đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Đây là lễ hội lớn được đông đảo người dân trong nước nói chung và ở Bình Thuận nói riêng biết đến vì nó mang tính truyền thống và thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa Chăm.

Thổ cẩm và gốm là hai nghề truyền thống văn hóa đặc trưng của dân tộc Chăm. Đồng chủ nhân Nhà trưng bày Văn hóa Chăm là nghệ nhân Thuận Thị Trụ, chính là Trà Ma Hani, tác giả tập thơ: Em, hoa xương rồng và nắng (Giải nhì Nhà xuất bản Kim Đồng), là người bạn đời của nhà thơ Inrasara. Bà là người được tặng danh hiệu “Bàn tay vàng thổ cẩm Việt Nam”, là người đã có công sưu tầm hơn 30 hoa văn nền của thổ cẩm Chăm đang có nguy cơ thất truyền và đã cách điệu ra thêm khoảng 50 hoa văn khác. Công ty Dệt may thổ cẩm Inrahani được thành lập do bà làm giám đốc là công ty thổ cẩm đầu tiên ở Việt Nam, góp phần đưa thổ cẩm Chăm đến với cộng đồng và các nước trên thế giới. Vì vậy, qua lời giới thiệu của bà, anh chị em trong đoàn hiểu một cách sâu sắc hơn về những nét độc đáo của văn hóa thổ cẩm Chăm.

Mặc dù trong Nhà trưng bày khá đầy đủ các loại gốm Chăm, nhưng nhà thơ Inrasara vẫn mời đoàn đi thực tế tham quan quá trình sản xuất gốm tại làng gốm Bàu Trúc, chỉ cách Nhà trưng bày khoảng hơn 100m. Bàu Trúc được xem là một trong những làng gốm cổ xưa nhất của Đông Nam Á. Tại đây, đoàn được chính Giám đốc Vạn Quan Phú Đoan – Công ty trách nhiệm hữu hạn Gốm Chămpa giới thiệu từng công đoạn sản xuất gốm từ khâu làm đất, nặn hình, chà láng, trang trí hoa văn và nung gốm.

Nét độc đáo của gốm Chăm Bàu Trúc là có ba cái lạ và một cái đặc biệt. Lạ vì gốm được làm hoàn toàn bằng tay, không dùng bàn xoay; thợ làm gốm đều là phụ nữ và chỉ có đất sét ở vùng Bàu Trúc mới làm được gốm mà không cần bàn xoay. Không có bàn xoay nên các nghệ nhân phải “nặn bằng tay, xoay bằng mông” cũng là một điều độc đáo. Còn điều đặc biệt là nguyên liệu làm gốm được lấy từ sông Quao, loại đất sét nổi tiếng dẻo tạo nên sản phẩm đẹp màu, bề mặt láng mịn. Dẻo đến nỗi, nhà thơ Inrasara phải thuyết trình thêm: – Cái lạ, cái đặc biệt của gốm Bàu Trúc đã được nghệ nhân Đàng Thị Phan đem đi biểu diễn ở Hà Nội và các nước như Pháp, Nhật, Mỹ, Malaysia… Bà Phan từng nói: “Cái độc đáo nhất của nghề là không có bàn xoay, nhưng đó mới là điều độc đáo của nghề gốm Bàu Trúc. Cũng chỉ có đất ở đây mới làm được gốm không có bàn xoay”. Bà Phan từng kể: “Một lần ra Hà Nội tham gia triển lãm các làng nghề gốm: làng gốm Bát Tràng, Phù Lãng đều có bàn xoay, riêng Bàu Trúc không có bàn xoay. Ở Hà Nội nửa tháng, tôi thử làm bàn xoay nhưng không ra được sản phẩm. Đất sét Bàu Trúc dẻo quá, không làm bàn xoay được, cứ đưa lên bàn xoay thì dính lại. Tương tự, lần đến Nhật biểu diễn theo chương trình hợp tác văn hóa của nước bạn mời, tôi cũng bảo, chỉ có đất ở sông Quao mới làm được gốm mà không cần bàn xoay. Bạn không tin, tôi lấy đất sét Bàu Trúc đưa lên bàn xoay của Nhật thử làm sản phẩm nhưng không được. Rồi tôi lấy đất của Nhật làm thử bằng tay như kỹ thuật của gốm Bàu Trúc thì nó sụp xuống, còn đất của tôi lên được đến 2m. Người Nhật họ ngạc nhiên lắm”.

Mải miết nghe, nhìn nên nắng chiều đã tắt lúc nào không hay, song chúng tôi còn phải tiếp tục chuyến hành trình về thành phố Phan Thiết để kịp chuyến tàu ra đảo Phú Quý. Tạm biệt nhà thơ Inrasara, nhà thơ Kiều Maily và nghệ nhân Inrahani Thuận Thị Trụ. Xin hẹn ngày tái ngộ!

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *