“Nếu Chúa biết bao nhiêu thân hốt hoảng
Trong sầu đen đã gẫy cánh như dơi
Nếu Chúa biết bao nhiêu dòng lệ đắng
Chảy như sông không rửa sạch sầu đời” (Huy Cận)
Câu chuyện.
Mươi năm trước, lên tháp Pô Rômê về trưa nắng, tôi ghé nhà chú Tấc em họ cha ở palei Thôn. Khi ấy chú đã quá bát thập. Là lần đầu tiên tôi ghé. Chú run lên vì xúc động. Cham, bên dòng cha dù ba đời đã xa lơ lắc, vậy mà thằng cháu xa lắc lơ ấy, hôm nay đến thăm mình ở tuổi sắp về với ông bà.
Rót trà vào tách cho tôi, tay chú vẫn còn run. Chú không khóc…
Không khóc như chú Thóc, hôm qua.
Chú người Bal Riya lấy vợ palei Hamu Crok, là chú ruột bên vợ. Chú nông dân xịn thế nên dù XHCN vẫn ăn nên làm ra. Thuở cơm độn, chú hay cho người nhỡ đường ở đậu ăn nhờ. Thuở Hani làm ở Phòng Giáo dục cũng hay dẫn Haly và Japrang sang. Sau đó khi lấy tôi, hai tôi có ghé chú một lần, rồi thôi. 32 năm.
Sáng nay tôi chạy xe qua thăm chú, một mình. Tiếp tôi non tiếng đồng hồ, chốc chốc chú cứ “ực ực” suốt. Nước mắt khô cạn của tuổi già muốn ứa ra.
Cũng người bên họ vợ ở Bal Riya, dì Klug thương Hani phải biết, kêu tới cho chọn con bò tốt nhất chuồng “mầy lấy con nào thì lấy”. Vậy mà 20 năm Hani đã đi tuốt luốt, mỗi tôi thi thoảng trở lại. Mỗi bận ghé, tôi đều nhận cái nhìn của ánh mắt buồn sâu. Thương và dỗi…
Tôi nhắc, Hani hứa, và… quên.
Đời, có khi ta lơ là mà thành vô tâm, là thế.
Mùa Đại lễ Nhập Kut Gaup Gađak, [ngẫu hứng] thăm và tặng quà cho các bà, các mẹ trên 80. Ngày cuối gặp hai sinh linh, rờ túi thì… lép kẹp, còn mỗi tờ 500k. Tôi đổi tiền lẻ, và nghe như có lỗi. Nhưng rồi cảm giác ấy qua nhanh.
Tôi hiểu, trái tim nhỏ bé của sinh linh không thể ôm hết thế gian, dù là thế gian bé nhỏ Chakleng.
Thầy cô Pô-Klong cũ, Cham thì miễn rồi, cộng đồng nhỏ bé quanh quẩn vẫn gặp nhau, thầy cô người Việt mới gay. Sau 75, tôi tìm hỏi thầy Phạm Đăng Phụng dạy văn Đệ Nhị cấp của tôi, mãi nhờ bạn học Nguyễn Thị Quý, mới biết nhà thầy. Ghé chiều ấy, có tôi, Quý và một bạn nữa. Thầy nói:
– Thầy biết thế nào rồi đời thầy cũng có được ngày hôm nay.
Ba tháng sau thì thầy mất, ở tuổi 80. Ngẫm, tôi toát mồ hôi lạnh: Nhỡ thầy đi, mà mình chưa kịp đến?
Tôi dặn anh chị em tôi, mỗi năm nhớ qua thăm các dì, các chú dù dòng ngoại hay nội ít nhất một lần. Tôi dạy các con tôi tuyệt không quên người mà các con từng chịu ơn [đời khó tránh]. Còn họ làm được hay không, tùy duyên.
Riêng vợ chồng, hết tình còn nghĩa, hết nghĩa còn trách nhiệm.
Bốn giai đoạn đời người của đạo sĩ Bà-la-môn [tôi là một đạo sĩ Bà-la-môn chính hiệu con nai vàng], sau “dưới chơn thầy” và “chủ hộ” là giai đoạn “đi vào rừng”.
Dăm năm qua, khi kết toán hai giai đoạn đầu, hay nói như Nguyễn Công Trứ – khi “nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo”, tôi “đi vào rừng” đúng nghĩa: Vô ưu, vô vị lợi. Rừng hôm nay không còn, tôi đi vào “rừng” cộng đồng đời, hành đạo.
Hành, và vui.