Inrasara: Ai trách nhiệm ‘định hướng” thẩm mĩ độc giả?

Báo Sài Gòn Tiếp thị đăng ngày 22-8-2012; bài trên báo Nhân dân cuối tuần, 26-8-2012 có mở rộng vấn đề.

Một tác phẩm, một tác giả, một trào lưu văn học… nào bất kì đều xứng đáng nhận được sự quan tâm của dư luận, khi nó có “tính vấn đề”. Sự quan tâm tùy vấn đề mà các đối tượng ấy đặt ra quan trọng nhiều, ít được thể hiện qua buổi tọa đàm, cuộc hội thảo lớn, nhỏ… Thế nhưng, điều cốt yếu hơn cả là cơ quan đứng ra tổ chức đặt tên thế nào cho cuộc ấy, thảo luận ra sao, và cuối cùng rút ra được bài học gì cho đời sống văn học.

Ngoảnh lại vài cuộc hội thảo văn học của Hội Nhà văn Việt Nam thời gian qua, ta thấy gì?

*

Sáng ngày 28-6-2012, tại Viện Văn học Việt Nam, cuộc tọa đàm khoa học “Thơ Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều” được tổ chức; tọa đàm kéo dài hết cả ngày. Sáng ngày 8-8-2012, tại hội trường Hội Nhà văn Việt Nam diễn ra hội thảo “Hoàng Quang Thuận với Non thiêng Yên Tử”. Sáng ngày 10-08-2012, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam, hội thảo “Những vấn đề lý luận và thực tiễn của văn học dịch hiện nay” được tổ chức với sự tham gia của nhiều nhà văn, nhà thơ, dịch giả, phóng viên báo chí.

Chưa đầy tháng rưỡi, ba cuộc hội thảo tương đối lớn được tổ chức cấp tập dưới danh nghĩa [hay có sự can dự của] Hội Nhà văn Việt Nam, được cho là sự đổi mới chưa từng xảy ra trước đó. Là tín hiệu đáng mừng, nếu các hội thảo, tọa đàm kia khai vỡ hay giải quyết được các nan đề bức xúc của văn học và xã hội hôm nay. Đằng này – không. Ngoài hội thảo về văn học dịch khá chỉn chu và khoa học.

Chỉn chu và khoa học, nhưng thực tế nó chưa thực sự dấn thân tham dự vào thực tiễn đời sống văn học dịch, như vế sau của tên gọi hội thảo đòi hỏi. Người ta có thể đặt câu hỏi, trước “thảm họa dịch thuật” bị khám phá và mổ xẻ từ đầu năm bởi báo mạng ở hải ngoại để cuối cùng dẫn đến việc thu hồi sách của công ty Nhã Nam, Hội đồng Văn học dịch của Hội Nhà văn Việt Nam ở đâu? Và ngay tại hội thảo này, đâu là tham luận đưa vấn đề còn nóng hổi đó ra bàn tròn để phân tích, mổ xẻ?

 

Trước đó, cuộc tọa đàm khoa học “Thơ Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều” được tổ chức tại Viện Văn học Việt Nam, một viện mang tính “hàn lâm” nhất, đã xảy ra nhiều bão tố trên thông tin mạng toàn cầu. Bởi hầu hết ba mươi tham luận đều tập trung vào vế thứ hai: “Nguyễn Quang Thiều”, mà bỏ quên hay chỉ bàn một cách rất sơ sài vế thứ nhất, là “thơ Việt Nam hiện đại”.

Thế nào đi nữa, muốn đánh giá nghiêm túc đóng góp của một tác giả, cần phải có cái nhìn toàn cảnh nền văn học đó. Gần 40 năm sau khi đất nước thống nhất, nền thơ hiện đại Việt Nam chưa nhận được đặc ân kia. Chỉ khi nào nhà phê bình có cái nhìn toàn cảnh tiến trình phát triển thơ Việt: từ “lịch đại” sang “đồng đại”, trước và sau 75, Bắc lẫn Nam, trong nước và hải ngoại, chính thống với phi chính thống… kẻ ấy mới hi vọng có được sự đánh giá công bằng. Ở tọa đàm, chưa có tham luận nào làm được công đoạn quan trọng đó.

Sự cách tân thơ Việt, về “lịch đại” không thể không kể đến Nhóm Nhân văn – Giai phẩm ở miền Bắc và Nhóm Sáng Tạo ở miền Nam trong thập niên 50 của thế kỉ trước. Về “đồng đại” (cùng thời với Nguyễn Quang Thiều), bao nhiêu tên tuổi: Dư Thị Hoàn, Nguyễn Quốc Chánh, Nguyễn Lương Ngọc, Dương Kiều Minh, Mai Văn Phấn, Trần Anh Thái, Lê Mạnh Tuấn, Trần Tiến Dũng, Trần Quang Quý, Nguyễn Bình Phương, Trần Hữu Dũng… tham dự vào công cuộc làm mới thơ Việt. Vài tham luận có đề cập đến nhóm và các khuôn mặt kia, nhưng chưa lộ bày được bản chất của sự thể.

Cho nên, khi “đổ” hết tính mở đường cách tân thơ Việt cho Nguyễn Quang Thiều với mênh mông lời tán tụng, cuộc tọa đàm đã mời gọi những phản ứng quyết liệt từ công luận. Qua đó, vô tình tạo cơ hội cho vài cư dân mang mở trận đánh phá vô tội vạ vào chính bản thân Nguyễn Quang Thiều. Hội Nhà văn Việt Nam ở đâu? – Không ở đâu cả! Nhận định cuối buổi của nhà thơ Hữu Thỉnh chỉ là những “gạch đầu dòng” mang tính cá nhân. Sau tọa đàm khoa học, chưa có một tổng luận khả tín nào được đưa ra. Công luận càng thêm hồ nghi về tính khoa học cũng như khoảng tối của tọa đàm khoa học này.

 

Cuối cùng là hội thảo “Hoàng Quang Thuận với Non thiêng Yên Tử”

Đây có phải là hiện tượng văn học, hay chỉ là một huyễn tưởng chữ nghĩa của một cá nhân ngoài văn học và phi văn học? Hội Nhà văn Việt Nam là hội chuyên ngành vốn được xem là cơ quan bảo chứng cao nhất, uy tín nhất về chất lương văn chương. Cho nên, khi tạp chí Nhà văn – cơ quan cấp hai của Hội mở hội thảo về nó ngay tại hội trường Hội, sự kiện này mời gọi dư luận “soi” nó ở khía cạnh chuyên môn. Và khi nhận ra tất cả chỉ là trò lừa mị lố bịch, thì công chúng văn học không thể không đặt câu hỏi:

– Đâu là vai trò và chức năng của Hội Nhà văn Việt Nam?

Cụ thể hơn, các cuộc tọa đàm, hội thảo được mở ra để làm gì? Để đánh bóng tên tuổi một cá nhân, hoặc để thảo luận về hiện tượng chữ nghĩa nào đó ít liên quan trực tiếp đến tiến trình phát triển văn học? Để rồi sau đó chẳng thu hoạch được gì, hoặc không đưa ra nổi một tổng luận mang khả tính giải quyết vấn đề nào, ngoài liệt kê ra các nhận định chung chung rút ra từ các tham luận hay một “tổng kết mở” đầy lấp lửng của Ban tổ chức?

Thế thì, văn chương thời đổi mới đã kết thúc cả thập niên qua đang cần đến vài cuộc thảo luận tầm cỡ đánh giá và tổng kết, Hội Nhà văn có đặt vấn đề hội thảo? Rồi cả thập kỉ hình thành và lớn mạnh của phong trào sáng tác hậu hiện đại, non mười năm thơ tân hình thức xuất hiện và phát triển, tại sao Hội Nhà văn chưa có một hội thảo nhỏ, lớn nào bất kì về chúng? Và mới nhất, văn chương mạng, sáng tác nữ quyền hoặc thơ trình diễn,… không đáng nhận được hội thảo của Hội Nhà văn Việt Nam sao? Hay chúng ta không khả năng nắm bắt các trào lưu mới mẻ và sôi động này, từ đó né tránh chúng?

Hội Nhà văn Việt Nam né tránh, hỏi – ai hay cơ quan nào có thể gánh trách nhiệm “định hướng thẩm mĩ cho độc giả”, – cái mệnh đề quen thuộc chúng ta hay rỉ rả trên các phương tiện thông tin đại chúng đến thành sáo mòn, mấy chục năm qua?

 

 

 

 

 

5 thoughts on “Inrasara: Ai trách nhiệm ‘định hướng” thẩm mĩ độc giả?

  1. Bác Inra nghĩ thế nào khi có người Chăm phê bình chê bai thơ bác? Thơ bác thuộc chuyên môn cao khó tiếp cận. Như cháu đây trình độ đại học hẳn hoi cũng cảm thấy rất khó. Hơi hoang mang, khi thấy có người không có tiếng tăm về văn học mà lên tiếng chê bai thơ bác. Cho nên cháu rất muốn bác Inra “giải minh” như bác thường dùng từ này. Làm sao giản dị dễ hiểu, như bài trên đây.
    Kính bác
    Cháu

  2. Pingback: Tin thứ Ba, 28-08-2012 « BA SÀM

  3. Jabeh hơi nóng vội rồi đó!
    Đây là câu hỏi khó, rất khó, cần đến một bài viết dài. Chỉ lưu ý bạn vài điểm:
    – Thứ nhất, nói về thơ mình là điều khó. Nó vừa lãng vừa sai. Sai, vì tác phẩm nghệ thuật là thế giới mở, gọi mời nhiều diễn ngôn khác nhau. Ngay tác giả nói về thơ mình chưa chắc đã đúng.
    – Thứ hai, đọc thơ khác với đọc báo, khác với đọc một bài nghiên cứu. Một bài báo hay bài nghiên cứu, đại đa số mọi người chỉ cần có kiến thức căn bản là hiểu “giống nhau”, thơ thì khác. Chưa chắc một người có học vị cao đã hiểu đúng, hiểu sâu một bài thơ.
    – Thứ ba, bạn chỉ cần nhớ là, thơ là một thực thể luôn chuyển động, thay đổi. Không thể đọc thơ hiện đại theo cách của cổ điển. Cho nên tôi mới bày ra phương pháp phê bình lập biên bản, “đi vào trong” hệ mĩ học của loại thơ nào đó để nhận định về thơ nào đó, là vậy.
    Còn ai đó chưa hiểu biết nhiều về nghệ thuật thơ mà dũng cảm bàn về thơ (của ai bất kì) thì… chịu.
    Sẽ có bài về vấn đề này kĩ hơn
    Thuk siam!

  4. Pingback: Tin thứ Ba, 28-08-2012 | Dahanhkhach's Blog

  5. Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Ba, 28-08-2012 | bahaidao2

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *