Tồn tại & bản sắc. TỪ CUỘC NỔ LỚN

[hay Cham có cần thiết rành văn hóa dân tộc?]

1. Tuổi 15, tôi dạy chữ Cham cho vài bạn học. 18 tuổi, chủ trì ba lớp dạy cho gần 70 anh chị em Cham đủ lứa tuổi. Rồi làm thơ, sáng tác trường ca tiếng Cham. Vào Sài Gòn làm sinh viên, tôi đã có trong tay hầu hết văn bản văn học và hoàn thành đề cương chi tiết cho bộ Văn học Cham

Thêm đọc Nietzsche, Heidegger cho đến Kinh Phật, Upanishads, Dostoievski, Camus… nữa. Mình cảm thấy mình hơn người, mình sanh tâm kiêu ngạo. Kiêu, ngấm ngầm kiêu. Khờ vậy đó! Tôi xem thường Cham không biết chữ Cham, coi nhẹ các anh sinh viên Cham lớn tuổi không hiểu văn hóa Cham, chê Cham có học ưa nói tiếng Cham độn tiếng Việt, vân vân.

Đi đâu tôi cũng nói về Cham, Cham và Cham. 

Rồi bất ngờ, vào một tối mùa Hè ngồi tảng đá trên đồi cao nhìn vào vùng trắng mênh mông nơi biển Nha Trang sóng vỗ rì rầm, một cuộc nổ lớn xảy đến trong tôi – tôi nhìn thấy điều tôi từng thấy trong đời.

Những gì tôi đọc, những gì tôi biết chẳng là gì cả giữa bao la kia. Thân tứ đại tôi, dân tộc tôi, cả triệu triệu sinh linh lúc nhúc cựa quậy trên quả địa cầu bé nhỏ này không là gì cả giữa vô cùng không gian trong vô tận thời gian.

Đột ngột tôi khinh bỉ đến tận cùng bản thân mình. Tôi nghe mình có tội, với người tôi từng xem thường, dù chỉ trong tâm tưởng.

Sống – có nghĩa là mang tội

tội lỗi bày ra

không cho ta sám hối, cũng chẳng thể sẻ chia

nó xóc ta cô đơn sòng bạc cuộc đời…

(Lễ Tẩy trần tháng Tư, 2002)

Năm đó tôi đúng 20 tuổi – thời điểm tôi bỏ giảng đường.

“Tôi không có thời gian để kiêu ngạo” – trả lời phỏng vấn báo An ninh thủ đô (14-5-2010) chỉ là một cách nói. Một sinh linh, khi đã giáp mặt với “khoảng không” kia, chắc chắn hắn sạch bách dấu vết kiêu ngạo nơi cõi người.

Thế là tôi lên đường đi tìm. “Thấy rồi mới tìm”, – ai nói thế?

2. Trước 1975, Cham lao vào hai nghề chính: giáo và y. Để mươi năm sau thôi, xã hội ấy ‘khủng hoảng’ thừa. Thừa, đến chi viện cho các làng Việt lân cận. Nay thì khác, ta đang thừa “nhà nghiên cứu” văn hóa dân tộc. Để đáp ứng đòi hỏi thì ta vẫn thiếu, tuy thế nhìn kĩ – nó cứ thừa. Một dúm dân có đến vài chục nhà, trong khi cả Tây Nguyên không có một! Đông chen chân không lọt, đâm ra cãi vã nhau.

Hơn nữa, thừa so với tỉ lệ người theo ngành nghề khác.

Cham có cần thiết phải rành văn hóa dân tộc không? Câu trả lời của tôi sau tuổi hai mươi và cả hôm nay là: KHÔNG.

Không, dù chính tôi được người đời tặng cho danh vị là “nhà nghiên cứu văn hóa Cham”. Không, – để các nhà hôm nay biết thân biết phận, tránh ngộ nhận mình xuất chúng hơn người, như tôi ngày xưa. Không, để ta không cứ mãi tranh hơn thua thậm vô ích.

Sinh viên Việt, dù theo phân khoa nào, bước chân ra khỏi cổng Đại học, ít nhiều họ đều có căn bản văn hóa dân tộc, Cham thì khác. Văn hóa Cham không có trong chương trình. Biết, do ta tò mò mà biết, đầy chắp vá và sai lệch. 

Phi lí, khi đòi hỏi mỗi người Cham hiểu biết về văn hóa dân tộc mình; yêu cầu trí thức Cham biết rành về văn hóa dân tộc, cũng thế. Bởi mỗi người có công việc khác, nếu ta biết đẩy nó dấn tới – thì nó giá trị không kém. Ta chỉ cần nhớ ta là Cham, là đã đủ. Biết sơ sơ về huyền sử và nguồn gốc Cham của ta, cũng xong. Để rồi dành tất cả sinh lực vào việc khác.

3. Marx, Freud, Einstein được coi là các nhân vật xuất chúng ảnh hưởng lớn đến thế giới, hỏi họ có rành về văn hóa Do Thái không? – Không. Nhưng điều chắc chắn là họ không quên nguồn gốc Do Thái của họ. Chính Freud đã nhận ra như thế:

“Freud đã từng giải thích rằng ông cảm thấy chất Do Thái của mình, không phải bởi truyền thống hay lòng tự hào dân tộc, mà bởi vì hai đặc điểm mà ông thấy còn quý hơn vàng – tự do khỏi những khuôn mẫu niềm tin xưa cũ, những niềm tin thường ngăn cản con người sử dụng trí tuệ của mình, và đi ngược lại điều mà đa số thường làm”.

Eran Katz, Trí tuệ Do Thái, Phương Oanh dịch.

Freud nói: – không phải truyền thống, – không phải lòng tự hào mà chính là chất Do Thái, nghĩa là Trí tuệ sáng tạo mới xác định ông là người Do Thái. Vận dụng vào đời sống Cham hôm nay, ta có thể nói:

Không cần rành văn hóa dân tộc, không cần tự hào ta có truyền thống văn hóa Cham lâu đời, mà điều cần nhất chính là chất Cham, thần hồn cốt cách Cham (hay nói như Chân dung Cát: Cham được con rồng liếm), để ta có năng lực sáng tạo mạnh mẽ, cho tất cả “đứa con của Đất” ở Việt Nam và đang sống khắp thế giới tự hào.

P.S.

Trích trường ca “Quê hương” viết năm 1982, in trong Tháp nắng, 1996:

Hành trình tìm hơi thơ – hành trình từ Đất

Hành trình đi tìm quê hương – khởi hành từ nỗi nhớ quê hương

Bắt đầu từ bàn chân trần – trắng, từ con số không

Từ con số âm, có lẽ

Ta không thể đi vào tương lai bằng giấc mê Quá khứ

Đi vào ngày mai bằng niềm tiếc Ngày qua

Không thể bay cao khi hồn còn trì nặng sâu mọt căm thù

Không thể đi xa khi chân còn kéo lê sợi tơ kiêu hãnh hão

Hãy để Tháp Cánh Tiên, Tháp Chùa với nhà trùng tu thi gan giông bão

Để yên Tara, Garuda trong viện bảo tàng

Pô Klong, Xah Bin – xin thắp ngọn nến, nén nhang

Coi chừng hai buồng phổi ta thiếu ôxi bởi khói!

Thế giới rậm rịt bao la cho ta ngàn cơ hội

Cơ hội của ta, cơ hội cho cháu con…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *