Nếu Bimông, Kalan được dựng lên để thờ thần, hay các vị vua-thần, thì Kut chính là nơi thờ tự con người vô danh Cham, từ cấp Paxêh cho đến tầng lớp trí thức Gahêh hay dân thường Bhaap bini.
Trước thời Pô Klong Girai, người Cham chưa có kut. Tài liệu cũ của Trung Hoa cũng cho biết như thế. Thường thì tro than của người bình dân sau khi làm lễ thiêu, được cho thả trôi xuống dòng nước.
Mãi đến thời Pô Klong Girai, trong nước có nạn đói kém, chết chóc tràn lan, vị chiêm tinh của nhà vua mới cho biết do xương cốt người chết bị cho vương vãi khắp nên nên mới xảy ra sự thể. Nhân dân lao động nổi lên đòi giới tăng lữ làm thế nào gom tất cả xương cốt về một nơi, dân tình mới yên ổn. Thế là Pô Klong Girai quyết định cho cấp Paxêh dựng kut cho mỗi dòng họ, như ngài đã dựng cho chính ông bà nuôi của mình là Ông Paxa Muk Cakling. Từ đó người Cham Ahiêr mới có kut.
Người Cham thờ phượng tổ tiên theo dòng họ mẹ Gaup. Dòng họ lập Kut (Ikak Kut) và cúng tế cho đến người cuối cùng mất đi, khi đó Kut trở thành Kut hoang (Kut bhao). Kut Cham thường ở ngoài làng, cạnh làng hay bìa rừng, nơi cây cối mọc um. Sẫm tối, đám trẻ con đi ngang chỉ có ù té chạy. Nó vừa linh thiêng vừa gây khiếp hãi. Trung tâm Kut là dãy bia từ năm đến bảy, chín bia Kut, từ ngoài ngó vào, hiếm khi được nhìn thấy. Âm u, bí mật thế mới ra Kut.
Tượng kut là loại hình điêu khắc Champa ở giai đoạn sau cùng. Có 3 nhóm tượng kut chính: Tượng kut được thể hiện hình người dưới dạng phù điêu; Tượng kut được thể hiện toàn khối với dáng hình người, nhưng không thể hiện hình người trên mặt bia; và Tượng kut với khối đá tròn đơn giản (theo Phạm Hữu Mỹ).
Hiện nay tượng Patau kut Cham có nhiều loại: 3 trụ: trụ giữa cao nhất là pô Inư Nưgar, trụ hướng Đông dành cho nam, Tây cho nữ. 5 trụ (patau – đá): thêm 2 trụ hướng Tây, cho nam và nữ chết “xấu”. 6 trụ: thêm một hướng Đông dành cho người trong họ là chức sắc Bà-la-môn. 7 trụ: thêm trụ cho người làm tướng. 9 trụ, trong đó có trụ dành cho người “dưng” ở phía Tây. Dĩ nhiên ở đây việc xếp trật tự bia Kut ở các dòng họ tại Pangdurangga cũng khá tùy tiện.
Klong được lấy từ nơi cất giấu (thường ở ngoài rừng) về, thờ trong nhà từ thứ Bảy đến thứ Hai. Sáng thứ Hai, Klong được mang đến tập trung tại nhà “từ đường” và mời thầy về tẩy uế, phân loại. Sáng thứ Ba, tất cả được tập trung về nhà Trưởng tộc rối hướng về đất Kut. Klong được đặt lên mâm lễ có lễ vật, thầy Cả làm lễ từng mâm một. Buổi tối pô Adhya làm lễ đưa tất cả Klong vào dưới bia kut, có Muk Pajau và Ông Kadhar hát phục vụ lễ.
LỄ NHẬP KUT
Kut là nghĩa trang tộc mẫu của người Cham. Gọi tạm gọi là “nghĩa trang”, nhưng đó là nơi thờ kính rất tôn nghiêm. Kut là “nghĩa trang” để thờ những người vô danh trong dòng tộc thuộc họ mẹ. Với một khoảnh nhỏ khoảng một sào đất, người Cham dựng Kut. Ở khu trung tâm Kut, người ta dành một lô khoảng sáu thước vuông để chôn “tinh cốt” (talaang) người đã mất.
Một người Cham chết đi, sau thời gian khoảng hai hay ba năm gửi nhờ thần Đất (chôn tạm), hài cốt được cải táng làm đám thiêu. Cuối buổi sáng thực hiện nghi thức thiêu, chín miếng xương trán của người quá cố được thu gom cho vào một lọ nhỏ (người Cham gọi là Klong) đợi ngày lành tháng tốt làm Lễ Nhập Kut. Khoảng 20-25 năm sau, khi trong họ hội được nhiều Klong này, và khi có điều kiện kinh tế tộc họ mới tiến hành làm lễ.
Đây là lễ rất lớn, lễ lớn cuối cùng của đời người Cham Ahiêr. Tháng có thể Nhập Kut (Ba Talaang tamư Kut) là: Ba, Sáu, Tám, Mười và Mười một.
Chủ lễ là pô Adhya Cả sư Bà-la-môn. Ông Kadhar kéo đàn Kanhi và hát bài tụng ca cùng bà Pajau phục vụ đồ cúng tế làm phụ lễ. Cuộc lễ kéo dài từ sáng sớm hôm trước cho đến nửa đêm hôm sau.
Trong thời gian này, các vị chức sắc Bà-la-môn đến từng mâm lễ dành riêng cho người quá cố, đọc kinh hành lễ. Mỗi cuộc như vậy kéo dài khoảng mười lăm phút. Sau đó người trong dòng họ có thể tổ chức múa hát như một cách đưa tiễn người quá cố về với tổ tiên.
Thời điểm chuyển từ đêm hôm trước sang ngày hôm sau, chủ lễ là Cả sư Bà-la-môn và các phụ lễ làm thao tác rất kín đáo nơi trung tâm là phần có hàng bia Kut. Hàng bia này trước đó được giở hết lên để lộ hố sâu. Cuối cùng đại diện chức sắc cho hết miếng xương từ các Klong vào hố ấy. Sau đó họ phả bên trên một lớp cát trắng, rồi đắp bia Kut lại như cũ.
Họ hàng thường ở lại suốt đêm hôm đó vừa ca hát vừa nói chuyện, mãi sáng hôm sau. pô Adhya làm lễ tẩy uế các bia kut, con cháu trong dòng họ xếp hàng dài trước bia kut để lạy tiễn lần cuối người quá cố. Đó là cuộc trở về cuối cùng trong đời người, trở về vĩnh viễn, người Cham quan niệm như thế.
Một năm sau lễ Nhập kut, người trong họ chịu nhiều kiêng cữ, để cuối cùng khi thầy Paxêh làm lễ Pơh babbang kut, tất cả linh hồn được hóa kiếp, mọi sinh hoạt trở lại bình thường.