Đạo Văn Chi: Tục thờ Kut…

LỄ NHẬP KUT CỦA NGƯỜI CHĂM

Theo quan niệm của người Chăm Ahier (Chăm Bàlamôn) sau khi chết, linh hồn của con người phải về thượng giới để nhập vào đại linh hồn, do đó xác chết phải thiêu hủy, tro hài được mang trôi xuống sông. Đó là ảnh hưởng của đạo Bàlamôn ở Champa cũng như ở các nước khác ở khu vực Đông Nam Á.
Nhưng đối với người Chăm hiện nay, người chết phải để lại một cái gì đó cho con cháu tưởng nhớ. Do đó, trong đám thiêu, 9 mảnh xương trán được thu nhận, cất vào cái Klaung. Các Klaung này sau đó được làm lễ nhập Kut.
Kut là mộ chí được làm bằng đá và được tạo tạc ra các kiểu rất khác nhau; hoặc dưới dạng tượng người, hoặc dưới dạng hòn đá mộ có hình trang trí, hoặc đơn thuần chỉ một hòn đá đẽo gọt cho thon thả, trên nhỏ, dưới to. Các hòn đá đó được xếp dưới một túp lều đơn sơ, trống trải mà người Chăm gọi là nghĩa địa của dòng mẹ (theo mẫu hệ). Những mảnh xương trán của người chết đều được đem nhập Kut. Chỉ sau khi làm xong nghi lễ nhập Kut thì người sống mới hết trách nhiệm với người chết.
Hộp Klaung của người dân bình thường chỉ là một hộp tròn bằng đồng hay thiếc. Nhưng hộp Klaung của vua chúa là cả một bộ gồm 4 chiếc hộp lớn nhỏ lồng vào nhau, hộp nhỏ nhất bằng vàng (gọi là Klaung mol) đựng xương, hộp thứ hai bằng đồng đỏ, hộp thứ ba bằng bạc, có khắc tên người quá cố và hộp thứ tư ngoài cùng bằng đồng thau. Sau khi cho xương vào hộp Klaung, người ta phải chôn tạm hộp hài cốt ở ngoài rừng đợi đến ngày làm lễ nhập Kut. Sở dĩ phải chôn tạm ở ngoài rừng vì phải chờ khi trong dòng họ có đủ Klaung của cả hai phía nam nữ thì mới làm lễ nhập Kut. Do phải chờ như vậy, nên có những trường hợp Kut phải chôn tạm tới 5-10 năm. Để tránh mất mát hoặc quên, sau lễ thiêu, người ta đêm hộp Klaung về để ở sau nhà, dưới gốc cây (sau khi đã làm lễ cúng 3 ngày) đến lần cúng một tháng hộp Klaung được đem chôn sau nhà khi làm lễ nhập Kut, con cháu phải để tang (mặc đồ trắng ) khi Klaung đã cho vào Kut rồi.
Tuy là nghi thức chung, nhưng không phải tất cả mọi người đều được làm lễ nhập Kut. Để được nhập Kut người chết phải có đủ điều kiện: Chết bình thường trước sự chứng kiến của thân nhân thể xác phải nguyên vẹn (không bị khuyết tật), không phải chết ở bờ bụi, chết tai nạn, chết đuối.
Những người chết không bình thường thì phải chôn và lập Kut ở ngoài gian Kut của dòng họ – nơi chôn những người chết bình thường.
Trong nghĩa địa, thường có hai khu vực: khu vực chính để đặt Kut những người chết “ thuận “ và khu vực bên ngoài dành cho người chết “nghịch” các Kut được xếp theo một hàng ngang hướng mặt về phía Bắc (hướng tốt theo quan niệm của người Chăm). Kut ở giữa có tên là Ppo Di – vị tổ sáng lập ra dòng họ (họ mẹ). Trong nhiều trường hợp, Kut Ppo Di chỉ mang hình tượng trưng chứ không có xương cốt gì, vì vị tổ chỉ có một mà các chi nhánh của dòng họ lại nhiều. Bên phải Kut Ppo Di là hàng Kut của phái nữ xếp theo thứ tự tôn quý từ gần ra xa, phía bên trái Kut Ppo Di là hàng Kut của phái nam và cũng xếp theo thứ tự như hàng Kut của phái nữ. Kut Ppo Di ở giữa thường được mặc áo theo kiểu hoàng hậu trong ngày lễ nhập Kut. Khi nhập Kut, phải làm lễ mở Kut để trình Ppo Di xin phép cho nhập thêm Kut mới. Để tiến hành lễ mở Kut phải có sự tham dự của các vị sư cả, các Thầy Paxeh ông KadharMuk Pajuw. Khi cúng, người ta mặc áo cho Kut theo đúng địa vị của từng người. Vào dịp đó, người thân bày tỏ tâm sự riêng của mình với người đã chết để cầu mong sự phù hộ, chở che. Sau khi mở Kut, các Klaung của người đã khuất được đem chôn xuống dưới chân Kut.
Sau khi đã nhập Kut, hàng năm người Chăm vẫn đi thăm viếng Kut vào các dịp giỗ tổ (từ tháng giêng đến tháng ba theo Chăm lịch). Lễ vật gồm: dê, gà, bánh trái. Sở dị có tục lệ là vì người Chăm tin rằng linh hồn của người chết vẫn còn là thành viên của gia đình và vẫn cùng gia đình làm những công việc khác nhau. Nhập Kut hiện nay là một nghi thức tang ma phổ biến ở người Chăm Bàlamôn, thế nhưng truyền thuyết lại nói rằng xưa kia ở Champa, không có tục nhập Kut. Truyền thuyết cho chúng ta biết, trước triều đại vua Po Allwah, việc mang xương cốt về thờ phụng là chưa có, xương cốt phải mang bỏ trên các dòng nước lớn nhỏ; xương cốt của vua chúa thì thả xuống biển của giới quý tộc thì thả xuống sông, còn của dân thường chỉ được bỏ xuống ao, hồ. Sau thời gian Ppo Allwah vào khoảng cuối thế kỉ XI, xương cốt của vua chúa được đem chôn trong tháp của quý tộc ở các lăng tẩm còn dân thường được thả trôi sông. Chỉ tới thời vua Ppo Klaung Girai, xương cốt của người lành thường mới được đem chôn trong Kut để thờ phụng.
Như vậy xung quanh Kut người Chăm quả có nhiều vấn đề còn chưa sáng tỏ. Vì vậy, muốn hiểu làm sáng tỏ dù chỉ một phần lịch sử và vai trò của Kut đối với người Chăm, không thể không lần theo dấu tích lịch sử thời vương quốc Champa.

Tagalau 6.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *