Tôi không ưa lắm mấy vụ ôm hôn. Ôm lịch sự, ôm trình diễn, ôm lợi dụng thì càng. Cham không có truyền thống văn hóa ấy.
Nhưng rồi, tôi đã… ôm. Những cái ôm không thể quên được. Nó xảy đến khi xong cuộc, chứ không phải trước đó, như cái ôm của các chính khách.
Lần đầu tại Fukushima, chia tay ở bến tàu điện để qua Tokyo, tôi đã ôm ông nông dân Nghị sĩ Baba thật chặt. Trước đó, ngay trong chuồng bò rỗng ruột ở nhà ông, tôi đặt tay lên vai ông. Cái “đặt tay” gợi cho phóng viên Kyodo câu hỏi độc, và tạo cảm hứng cho anh viết thành bài báo dài!
Lần thứ hai, cà-phê chiều ở cái đảo bé tí Orchid Island Taiwan, với Mavivo Sinan, thiếu nữ 17 đã đứng lên đấu tranh cho sự sinh tồn của quê Đảo, hiện là [nữ] đại biểu thuộc Hội đồng Dân tộc Bản địa Đài Loan Council of Indigenous Peoples.
Sau buổi phỏng vấn, trước khoảng bao la, giờ lên xe về, tôi đã ôm. Không bố trí chuẩn bị, không một lời, hai vòng tay của hai sinh linh cô độc tìm đến nhau. Rất nhanh, và buông ra cũng rất nhanh. Nhanh đến hai nhà báo có nghề ở đó không kịp bấm máy.
Ở cả hai lần, tôi như chạm vào đáy khổ đau của con người. Một, mất tất cả gia sản và tương lai qua tai họa kép chỉ trong nháy mắt. Một, đang đứng trước lưỡi hái của thứ định mệnh ngu ngốc (chứng tiền ung thư tam giác trong do rác hạt nhân).
“Chạm vào đáy khổ đau”, không có từ nào diễn tả đúng hơn.
Và hôm nay lần thứ ba, với bác nông dân Cham palei Hamu Tanran tuổi bát thập. Tôi chạy xe qua Thuận Văn Tài bạn cũ hỏi thăm về dòng họ Thuận, ghé ông xíu.
– Khik ruup… khik ruup… Trạm nhưưk: Giữ thân, giữ lấy thân, Trạm nhé… – bác nói trong khi nắm lấy hai tay tôi.
Sau một tiếng hàn huyên, chia tay, ông lại nói:
– Quý lắm… quý lắm… Bà con Cham không giữ được cho Trạm đâu… Trạm cần giữ mình…
Tôi nói:
– Sara không giữ nổi… Chàm càng không… chỉ có Pô Yang…
Đúng vậy, chỉ có Pô Yang. Tôi sực nhớ ba sinh linh Cham không quen còm trên FB, rằng mỗi lần lên tháp hay Thang Mưgik, là mỗi lần cầu Pô Yang cho cei Sara sống dai.
Và tôi ôm ông, thật chặt.