NÚT GORDIAN KHU VỰC, VIỆT NAM & CHAM

Gordian Knut là một biểu tượng.

1. Sau thất thố ở nửa cuối năm 2018 về Đại hội Thế giới Ấn tại Mỹ dự tính kéo dài 2 tháng [Việt Nam có mỗi Inrasara được mời, vậy mà Trump không chịu cho cái visa], nửa cuối 2019 tôi chuyến hướng khác: Nhật, Đài Loan và 5 nước Đông Nam Á. Tại đây, tôi đã tiếp cận gần hơn các vấn đề đặt ra cho “nhân loại” thế kỉ XXI:

– Rác biển và nạn nhân của rác thải hạt nhân;

– Sinh phận các dân tộc nhỏ, nhấn về bộ lạc và dân tộc thiểu số vùng sâu;

– Sự kết nối các lục địa và nền văn hóa ngoại biên.

Là chuyện nan giải, tạm gọi là ‘nút Gordian’ Châu Á – Thái Bình Dương.

2. Về nước, tôi chủ trì 4 buổi nói chuyện, làm 3 chuyến đi dài ngày ra Bắc, dấn và lặn sâu, để hiểu và [phần nào] giúp:

– Độc giả Việt Nam hiểu giá trị các dòng văn học ngoại biên [văn học Việt Nam trước 75, văn học Việt hải ngoại, văn chương bản địa và dân tộc thiểu số, tác phẩm in ngoài luồng…] bên cạnh tiếp cận loài thơ tân hình thức;

– Truy tìm dòng tộc thất lạc: Họ Thuận ở Thái Nguyên, [bước đầu] họ Chế ở vài tỉnh miền Nam. Vụ việc tưởng dễ lại khó cực kì, “càng đi càng thấy dặm dài nỗi không” – thơ Phạm Thiên Thư;

– Hóa giải vấn nạn lịch sử [vụ giáo sư Quyên Di] để giái oan cho một sinh linh [đoạn phim tư liệu về Công chúa Huyền Trân họ Trần];

– Và khi Việt Nam đang ‘Mất niềm tin tràn lan’, trong các buổi trao đổi trí thức, tôi cùng anh chị em thử tìm lối ra cho ‘Khủng hoảng bản sắc Việt’ – là mục đích 2 chuyến đi trước đó;

Nơi mảnh đất chữ S này, trong lúc sân hận chưa thể giải tỏa, và ngày càng trầm trọng giữa:

– Bắc và Nam, trong và ngoài nước sau 75;

– Giữa kẻ làm cách mạng và người hưởng thụ cách mạng (ý của Napoléon);

– Giữa chính quyền và nhân dân, vân vân.

Tôi gọi đó là ‘nút Gordian’ Việt Nam.

3. Và đâu là ‘nút Gordian’ Cham?

Ba ngày ‘hướng dẫn’ một vị từ Úc về nghiên cứu Cham, sau đó là 2 ngày lang thang qua hơn chục palei Cham, ở cộng đồng bé nhỏ này mấy nỗi cũ lặp lại, rối rắm hơn bao giờ. Tạm kê:

– Phía Awal, khi Agal (kinh) được chuyển dịch ra Akhar thrah, có vị chức sắc kêu, thế thì mất linh rồi còn gì! Không sai, “KINH KỆ” nên càng huyền bí càng tốt – ý Kim Định.

Cũng tại đây, chuyện “Hồi giáo Bà-ni hay Bà-ni”, thêm vụ “mổ trâu” cho Đam Padhi đang rùm beng, là hai thứ tôi tránh, lại luôn bị ẩy vào.

– Hệ Mưdwơn, có vị đọc cho khách nghe 12 câu damnưi (tụng ca) thôi mà đã gom đến 3 Pô vào chung một bài. Sau đó tôi nhắc nhỏ, bác nói: “Hôm nào thầy rảnh qua giúp tôi nhé” – cấp Aw Kok mà có được tinh thần học đó, là may.

Agal Ahiêr, chỉ riêng tên một vị thần mà bao nhiêu vị đọc thành một tính từ xa biệt, đủ thấy Chàm mình ‘dị bản’ cỡ nào;

– Cuối cùng [và chưa hẳn là cuối cùng], nói chuyện với hai ‘chuyên gia’ Sakawi. Ý các anh: Cham xưa rất khoa học, tiếc là sau này do các vị ‘giấu bài’ (padaup akhar) từ đó thành sai trật, gây bao oan trái cho cộng đồng trăm năm qua. Thế nên, ‘cei Sara không thể không vào cuộc’.

Đây cũng là thứ tôi tránh, nhưng rồi cũng hứa, dù tôi không biết gì về Sakawi, và quyết tâm ‘dốt’ món này.

Kết. Cái ‘nút Gordian’ định mệnh ấy mãi ám loài người, từ họ biết suy nghĩ. Đâu là lối thoát?

Chặt đứt một lần cho tất cả như Alexander đại đế thì không gì dễ hơn. Ngàn năm qua, người ở bên này loay hoay gỡ, rồi kẻ dù đã ‘sang bờ bên kia’ vẫn quay lại giúp gỡ, là nỗ lực của bộ phận nhân loại thiện chí.

Thế giới hôm nay, ai làm, và làm thế nào?

Nếu ‘nút Gordian’ khu vực phải do các tổ chức dân sự khởi động, hay ‘nút Gordian’ Việt Nam là ‘Bên Thắng cuộc’ chủ động, thì ‘nút Gordian’ Cham là từ cá nhân mỗi trí thức trách nhiệm.

Điều thiết yếu là: Thành tâm – Nhìn vụ việc từ nhiều chiều – Bình tĩnh tìm hướng đi – và Tới cùng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *