Chạy xe vòng vùng Pangdurangga, đâu um tùm cây cối là làng Việt, palei Cham thì ngược lại. Kẻ bảo do Minh Mạng sợ nghĩa quân Cham từ bóng tối lùm cây, đánh lén; người thì bảo do Cham sợ ma. Xứ nắng mà không trồng cây, mới lạ. May, truyền thống ấy nay đã chuyển đổi khá rồi.
Thế hệ trước, hiếm Cham trồng nhiều hoa và biết chăm sóc hoa, ngoài thầy Nguyễn Văn Tỷ. Hôm nay Cham đã khác, khuôn viên nhà đã có cây cối, và đâu đó cũng trội lên giàn hoa, chậu cây cảnh.
Hai thứ, Cham đã biết thay đổi, theo chiều hướng hay, đẹp.
1. Thuở Trung học, Pô-Klong có tủ sách khoảng 500 cuốn. Từ truyện phiêu lưu đường rừng đến tiểu thuyết Tự lực Văn đoàn, từ Gửi hương cho gió của Xuân Diệu cho đến Ngư ông và biển cả của Hemingway đều có mặt. Giá sách thời ấy vượt quá khả năng mua của học sinh Cham, tủ sách kia phần nào giúp tạo thói quen đọc ở bọn trẻ chúng tôi.
Ai đã dựng tủ sách? Thầy Jay Scarborough, một thanh niên Mỹ; còn gợi ý cho học sinh ham sách là các thầy được đào tạo ở trường Pháp.
Sau 1975, tất cả biến mất qua mấy đợt càn quét “văn hóa phẩm phản động và đồi trụy”. Làng xóm khan sách đã đành, ngay cái thị xã Phan Rang cũng chỉ có mỗi “Hiệu sách nhân dân”, mà sách thì luôn là… “sách mẫu” không bán. Không bán cho mãi đất nước mở cửa.
Mười lăm năm thiếu sách cũng đủ giết chết thói quen đọc sách của một thế hệ chưa lấy gì làm vững vàng. Đứt mạch truyền thống, rồi khi nó được nối lại thì giá sách thời kinh tế thị trường ở trên trời, vượt tầm với của đại bộ phận người có học ở nông thôn. Thế hệ này không “dốt” mới lạ!
2. Bước vào nhà Cham nào bất kì, kể cả gia đình được cho là trí thức, cái đầu tiên đập vào mắt khách là tủ buffet với li, chén kiểu các loại; trên tủ là cái tivi màu, đời càng mới càng tốt.
Còn gia đình Việt, nhất là gia đình các nhà văn, thêm món tủ rượu, đủ thứ chai rượu… Tây. Ở đó rất hiếm khi thấy tủ sách. Lạ.
Sớm nhận thấy cái lạ kia, tôi đã thử làm thay đổi nhỏ.
Từ thuở còn ở quê nhà đến khi vào Sài Gòn, phòng khách gia đình tôi luôn bày tủ sách nhỏ và cái guitare. Tôi không sành guitare, tuy nhiên tôi cần cho mấy đứa con lúc vào ra nhìn thấy nó, mỗi ngày. Còn tủ sách, không phải tủ sách riêng dùng, mà là chung, cho bằng hữu ngồi bàn trà tiện tay cầm lấy, đọc.
Vài chục năm qua ta mãi than phiền thế hệ trẻ đánh mất văn hóa đọc, cả ngày cắm cúi vào hết tivi đến Iphone, Ipad. Lỗi tại ai?
Ta chưa biết trân quý sách, không bày sách cho con cháu quen mắt ngày qua ngày, thì làm sao đòi đám trẻ yêu quý sách?
3. Trong các chuyến đi xuyên Việt, dễ nhận thấy, ngoài số người ngủ gật hay làm chuyện vặt hoặc tán gẫu, có hai bộ phận đọc khác nhau: Đọc sách và đọc báo. Để ý, hầu hết người cầm trong tay cuốn sách là khách Tây, ngược lại, dân Việt Nam.
Đi vào các khu di tích văn hóa – lịch sử, trong khi người Việt xách theo đồ ăn, thì dân phương Tây luôn tay giở sách. Họ đi du lịch vừa để giải trí vừa học. Họ luôn tự trang bị vốn hiểu biết tối thiểu về nơi họ sắp đến. Không hiểu, họ hỏi; hiểu lờ mờ, họ hỏi.
Hành khách tàu ngầm Nhật hay khách Tây ba-lô chắc chắn không là dân đặc tuyển. Họ thuộc đại chúng, nhưng qua cách hành xử với chữ nghĩa, họ khác ta rất nhiều – ít ra là ở thời điểm hiện tại.
Tại sao bạn không thử thay đổi thói quen: Đi, cầm cuốn sách trên tay chẳng hạn, để có thể chuyển đổi truyền thống [xấu]?