Tồn tại hôm nay-4,5. KHOE & HỌC NÂNG TẦM… KHOE

Nơi tút “Giải trí cao cấp. Tôi là cái… rốn”, tôi thử mổ xẻ ‘rốn’ ở ba cõi khác nhau: Không gian giấy, internet và facebook. Một mổ xẻ độc đến đỗi thi sĩ tài hoa Lê Vĩnh Tài vỗ đùi thét lên: “hay quá mức cho phép, anh Sara!”

Nay đến lượt KHOE, ở phạm vi rộng và hẹp, thời đoạn ngắn và dài hạn.

“Khôn ngoan đối đáp người ngoài…” – ca dao Việt.

Người Việt còn có tục ngữ: “Tốt thì khoe, xấu thì che”. Thế nên, khoe chẳng có gì phải xấu hổ cả. Đáng phiền là Chàm mình chỉ tập trung và hạ quyết tâm khoe ở khoảng nhỏ hẹp, và ngắn hạn.

1. Khoe nhỏ hẹp, do không nhìn vượt qua hàng rào nhà mình, hàng xương rồng palei mình. Khoe với người trong nhà, ví như có bạn khoe với vợ con rằng, anh ta là đại ca… Inrasara!

Khoe quanh đi quẩn lại giữa bằng hữu cánh hẩu với nhau, rằng tao giỏi hơn thằng/ con kia. Hay khoe ta đây ngon hơn nhân vật Cham bé con nào đó.

Tại sao không là cả Việt Nam, hay khối nhân loại đông vui ngoài kia?

2. Khoe ngắn hạn

Khoe mẽ, khoe cái mình không có, sinh linh khoe kia sẽ lộ mặt ngay, là khoe ngắn hạn nhất. Khoe ngắn hạn còn thu gom luôn các cây viết nóng vội xuất hiện khi chưa đủ chin, sáng tác hay nghiên cứu cũng hệt. Nỗi khoe này mang trong mình nguy cơ tắt đài sớm.

Thơ Inrasara:

“Đám cây non vươn vội lên khoảng xanh

mà rễ chưa cắm sâu vào đất

chỉ cần cơn bão rớt

cũng đủ làm chúng run bấn lên”

Tại sao không chấp nhận giú mình trong bóng tối vô danh, để trồi lên đúng thời vụ của nó?

3. Chuyện tôi [nêu, không ý đồ gương cho ai cả!]

Ngay ý thức về viết, tôi tuyên to con: “Viết văn ở dưới tầm Dostoievski, tôi không đủ khiêm tốn làm việc đó”. Thế nên, từ khởi sự cho đến hôm nay, tôi chưa nửa lần liếc dọc ngang xem sinh linh Cham [hay Việt] nào đó làm cái gì đó.

Tôi nhìn ra ngoài kia, xa hơn và cao hơn, hoặc – không so đọ với ai cả.

Làm thơ, và nghiên cứu từ tuổi 15, mãi tứ thập tôi mới ló mặt. Một ló mặt nên cơm nên cháo. Sẵn trớn, tôi phiêu vào vài thể loại khác, lĩnh vực khác. Và sống nhăn.

4. Tôi mang tiếng với đời khoe tợn, nhưng thử xem tôi đã khoe gì, và khoe như thế nào nào.

– Với Cham, tôi KHOE CÁCH GIẢI QUYẾT vấn đề cộng đồng: Ôn hòa mà hiệu quả, chứ tuyệt không khoe thành tích tôi – bởi nếu vậy thì hơi buồn cười!

– Với Việt, tôi KHOE CHỮ NGHĨA. Cho dân Annam biết Chàm cũng làm văn học ngon lành chớ chẳng chơi!

– Với thế giới, tôi KHOE CHAM: Con người Cham và tinh thần văn hóa Cham, cùng bao nỗi độc đáo của Cham.

Tại sao không dám khoe, hay sợ mang tiếng khoe?!

Tồn tại hôm nay-5. TẠI SAO KHOE?

Ông bà Cham nói: “Gahlau athal hapak jaang bbau: Trầm dẫu ở đâu cũng tỏa mùi hương.” Kẹt nỗi, nếu không có ai đốt lên, trầm cũng chịu.

Tôi là kẻ đốt lửa, giữ lửa và truyền lửa.

1. Ánh Hiền hỏi: “Mà khoe để làm gì Cei? Con thắc mắc thiệt”, là câu hỏi cần thiết. Trả lời: Tại sao khoe? – vì là Cham. Khoe để làm gì? – để cho Cham!

22 tuổi, tôi cạo đầu tu Phật, được 3 tháng thì sư trụ trì kêu tới: Con còn nặng nợ đời lắm, con xuống núi đi, sau này có cơ duyên ta gặp lại…

Câu chuyện nói lên tôi là dân bất cần đời thứ thiệt, do NỢ ĐỜI CHAM, mà phải khoe.

Khoe mang hàm nghĩa rộng, và có đẳng: Khoe mẽ, khoe khoang, quảng cảo, quảng bá & lan tỏa.

Đa số sinh linh Cham dừng lại ở khoe mẽ (khoe cái không có, khoe điều không đáng khoe), hay khoe khoang (khoe bản thân, dù có thật nhưng ích kỉ với giọng dễ ghét). Rồi ngưng ở đó, không gì hơn, không gì khác. Thế nên học nâng tầm khoe, là cần.

Khoe ở 3 cõi: Khoe bản thân, khoe phương cách hành xử, và khoe Cham.

2. Tại sao khoe Cham? Có 4 nguyên do chánh đáng:

– Thế giới nghĩ Cham đã tiêu tán đường rồi, cần cho họ biết Cham đang CÓ MẶT.

– Đa số người Việt nhận lầm Cham với Khmer. Thuở ở Đại học tôi đụng vô số sinh viên kiểu ấy. Cần cho mọi người biết Cham thì KHÁC.

– Hiểu quá sai Cham. Nhà thơ Đỗ Hoàng coi Cham là thứ “dân tộc miền núi” nghèo đói triền miên; vừa qua vụ giáo sư Quyên Di hiểu và giải thích sai Cham là “người rừng” đến gây bão mạng, là điển hình. Khoe để Cham được HIỂU ĐÚNG.

Là 3 thứ cần cần giải tán, giải minh.

– Cạnh đó Cham có vài đóng góp vào văn hóa đa dân tộc Việt Nam và thế giới. Vậy đó, Chàm tui cũng có công lao chớ chẳng chơi, khoe để họ THẤY.

3. Khoe tuần tự 3 cõi

KHOE CHAM. Đã có nhiều người làm, riêng cá nhân tôi ít nhất khoe 4 thứ về Cham, với Việt Nam và…

– Văn học Cham, bổ khuyết quan trọng cho nền văn học Việt Nam – đánh bạt suy nghĩ của Paul Mus rằng văn học Cham chả có gì đáng giá;

– Hải sử và văn hóa biển Cham, làm đầy lịch sử Việt Nam – là chủ đề thuyết trình ưa thích của tôi mươi năm qua;

– Minh triết Cham, là những điểm sáng của tinh thần Cham;

– Tôn giáo Ahiêr Awal [hay Đạo Cham], là đóng góp lớn nhất của Cham cho thế giới

[hóa giải và hòa giải ý hệ không đội trời chung]

.

KHOE CÁCH LÊN TIẾNG CHO CỘNG ĐỒNG

Từ nhập cuộc chữ nghĩa, tôi lên tiếng khoảng 30 vụ, ở đó hơn 90% là thành công.

– Nhỏ: báo Giáo dục & Thời đại xin lỗi, đính chính; báo Phụ nữ Thành phố xin lỗi và rút bài.

– Lớn: Vụ Ghur Raneh, qua tiếng nói của tôi, Trung ương về Tỉnh giải quyết đâu vào đấy. Trước đó vụ Đất đai Văn Lâm ảnh hưởng đến hơn 70 hộ; ở đây không biết tiếng nói của tôi có quyết định không, dẫu sao một quan lớn ở trên đã bay vào Thành phố gặp tôi, kêu “rất đồng ý với cách Inrasara”, để rồi ngay tháng sau thì vụ việc được hóa giải.

Tại đó, tôi thường xuyên nêu nguyên tắc 4 điểm: Nhìn thấy sớm sự cố – Bình tĩnh tìm hiểu – Phân tích và giải minh hợp lí – Đấu tranh tới cùng.

Vậy thôi mà không ít chuyện bị hỏng hóc, do ta nóng vội và non kém.

KHOE BẢN THÂN, cần thiết chứ không phải không, cần thiết cho chung.

– Khi nổi tiếng chân chính, tiếng nói ta mới có SỨC NẶNG.

Một bạn FB từng cho do Inrasara là Cham, nên chế độ mị dân này mới tặng giải thưởng này nọ. Tôi nói: sai. Tôi có giải ở 5 nước từ 4 loại tổ chức khác nhau: Nhà nước, phi chính thống, nước ngoài và ‘phản động’.

– Nổi tiếng để có DIỄN ĐÀN. Diễn đàn càng lớn, tiếng nói ta càng vang xa hơn, ảnh hưởng rộng hơn.

– Có diễn đàn không phải để quảng bá bản thân, hay nói càn, mà thành thật, để người ta tin mình: TÍN. Tại đây ta vô tư và vô vị lợi. Thời gian qua, các nhóm cộng đồng Cham đón tôi thoải mái là thế. Luôn luôn MỞ: Sara mang điều gì đó cho bà con: Phương thức, tri thức hay đơn giản – tình cảm.

– Có người có ta. Không phải cứ là Cham hay cứ phe cánh ta là cắm đầu bênh nhau, mà làm thế nào hai bên cùng có lợi WIN WIN.

CODA.

Sau chuyến đi Đài Loan, tôi còn đi vài nơi. Có chủ đề liên quan: Điện hạt nhân, Dân tộc nhỏ, Kết nối cộng đồng [như Hải sử & Văn hóa biển Cham, Văn học ngoại vi Việt…] là tôi được mời. Ở đó có nhiều điều hay để kể.

E rằng bạn FB Andy Kiều kêu ông Sara khoe bạo tàn quá, nên tạm pause. Tôi cũng biết sợ chớ bộ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *