[hay: Tôi cũng đã ‘nhảy ra’ làm phê bình]
1. Ở Hà Nội tháng 11-2019 vừa qua, ngồi lai rai chuyện thơ với bạn bè văn chương, một nữ sĩ nổi hứng khen phê bình của một bạn thơ bề thế, rất sáng giá. Tôi nói:
– OK! Bạn thử tóm tư tưởng phê bình của bạn ấy trong 5 phút xem.
– Em vẫn có thể làm được chứ! – Ấy trả lời vậy thôi, không gì thêm, không gì khác.
– Phê bình kia vẫn chưa thoát khỏi định mệnh “Văn chương, cảm và luận” (tên sách của Nguyễn Trọng Tạo), – tôi nói. Phê bình ta thiếu tư tưởng, nên mãi ăn theo sáng tác, là thế.
Vài bạn văn có vẻ đồng tình với Sara.
– Các anh nói thế em cứ muốn nhảy ra làm phê bình quá! – Nữ sĩ nói.
2. “Nhảy ra”, không ít kẻ văn chương đã nhảy ra. Việt Nam, và thế giới ngoài kia cũng hệt. Trong khi họ chưa chuẩn bị gì cả.
Tôi kể: Một tiến sĩ văn học Ấn Độ chủ nhiệm một tạp chí thơ khá ưa thơ Inrasara. Mỗi kì đều đăng 1-2 bài, trang trọng. Ổng ấy cũng nhảy ra bình thơ Inrasara: Hai bài dài. Ông hỏi ý kiến, tôi nói all right, giọng không mặn mà lắm, các nhà phê bình ở đất nước tôi cũng hay làm thế. Ông hiểu ý, nên thôi, và nghỉ luôn.
Người ta đọc thơ mình, yêu thơ mình thì quý. Ghi cảm nhận ra rồi mang đăng báo càng quý hơn. Thêm yếu tố ngoại nữa. Dẫu sao các bài bình ấy vẫn chưa thoát khỏi thân phận: “cảm và luận”. Ở đây: diễn nôm thơ!
3. Ở Hội thảo Lí luận Phê bình do Hội Nhà văn tổ chức tại Đồ Sơn 2010, một nhà phê bình trẻ sau khi đăng bài về tiểu thuyết Chân dung Cát, đã hỏi tôi có gì phản biện không, cười cười. Tôi nói:
– Với tư cách kẻ sáng tác, không; ở góc độ một nhà phê bình thì: Có, thậm chí có nhiều.
Một tác phẩm văn chương ra đời, tác giả hãy chết đi với nó. Tôi gọi đó là cô đơn khi tác phẩm đã ra đời.
4. Tôi ‘nhảy ra’ làm phê bình từ năm 2002. Ngoài các tập tiểu luận, riêng phê bình có:
Thơ nữ trong hành trình cắt đuôi hậu tố ‘nữ (18 nhà)
19 nhà thơ dân tộc thiểu số Việt Nam
Thơ Việt thời Đổi mới (12 nhà)
Các khuôn mặt thơ mới (24)
Lập biên bản 4 thứ ấy: dễ. Ngay cả làm cái nỗi: Thơ Việt, từ Hiện đại đến Hậu hiện đại (5+19 nhà) cũng không khó. Khó, và tôi khoái hơn cả phải là Hồ sơ Biên bản So sánh (19 bài, trong Văn chương tan rã, Lotus Media, Hoa Kì, 2019): Phê bình đặt trên nền tảng tư tưởng, chứ không cảm tính với cảm tình. Ở đó có 5 bài rất đáng vỗ đùi cái bộp, là:
1. Từ Tố Hữu đến Bùi Chát, nhìn lại thế đứng của đĩ Việt Nam
2. Thơ trình diễn Việt từ hiện đại đến hậu hiện đại tiến lên… sến
7. Chiến tranh Việt Nam: tôi, ta & hắn
8. Từ Lê V[ăn]ĩnh Tài đến Trần Nhật Quang, Triều Tiên đang ở đỉnh nào của thế giới?
12. Thơ yêu nước & câu chuyện hài hước đen
Ở đó việc ‘phát hiện’ Quang Lùn là một nghệ sĩ hậu hiện đại, là đỉnh!