1. Hoàng Trung Hải – Bí thư Thành ủy Hà Nội nói: “Thà là sống nghèo nhưng công bằng và yên bình còn hơn là cuộc sống giàu mà bon chen, không an toàn” (Tuổi trẻ, 24-2-2016).
Hay! Còn việc ông thế nào sau đó, xin miễn bàn. Việt Nam hôm nay thì sao?
“Công viên Thể thao Iwase, Nhật Bản, treo biển hạn chế người Việt trong 3 tháng do tình trạng xả rác khiến người dân xung quanh phàn nàn” (Vnexpress, 16-12-2019).
Trường Incheon vừa báo tin cho cơ quan chức năng Hàn Quốc vào ngày 10-12-2019 rằng, “thêm 164 học sinh Việt Nam mất tích tại Hàn Quốc”. Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, sự vụ khả năng dẫn tới việc Hàn Quốc sẽ thắt chặt việc cấp visa du học cho các sinh viên, học sinh Việt Nam trong thời gian tới.
Ta “bon chen”, và ta tự đánh mất hình ảnh ta khắp nơi. Đến passport công dân Việt Nam ngày càng mất điểm. Gỡ bàn thế nào?
2. Dưới con mắt người ngoài đã thế, ngay ta với nhau cũng không gì hơn. Làm sao cứu vãn tình hình? Tôi đã đặt câu hỏi ráo riết như thế, ở: “Mất niềm tin tràn lan”.
Câu trả lời: Chỉ còn hi vọng vào hành động nơi mỗi cá nhân. Ý thức sáng rỡ về mỗi sự việc dù nhỏ nhất, và ‘hành động trong chân trời khả thể’: Nơi ta sống, và trong chính công việc ta làm.
Đòi hỏi đầu tiên là TRUNG THỰC. Nhưng làm sao trung thực, khi ta thiếu tư duy phản tỉnh?
Trao đổi về mấy quả ‘penalties’ hôm qua, người cho là do “sự thiếu trung thực thâm niên của dân Annamite’, nhấn vào phạm trù đạo đức. Phía khác nhấn về ý thức. “… không hẳn thiếu trung thực, mà do thói quen tư duy và làm việc nôm na, đại khái, nệ vào [hay phản bội] trí nhớ. Thế nên Phê bình lập Biên bản cần thiết là vậy”.
Tôi đồng ý cả hai: Cái trước là hệ lụy sanh ra từ cái sau: Thiếu trung thực do không tự thức. Lỗi tại đâu? – Giáo dục, một nền giáo dục thiếu vắng triết học như là triết học.
Vậy làm gì, khi sự thiếu vắng kia còn tiếp diễn? – Mỗi trí thức trong đó có nhà văn, cần trực thức và hành động NGAY tại đây và lúc này.
3. Và Cham, làm gì?
Ngày trước không ít Cham “padaup Cham” (giấu căn cước) mình trước người Việt. May, vụ này thời gian qua giảm đi nhiều, rất nhiều. Nguyên nhân, xưa do mặc cảm sắc tộc; nay ta nghĩ rằng nhỡ mình có gì sai-xấu, dân tộc và cộng đồng đỡ vạ lây.
Cả hai xuất phát từ tâm lí “bảo vệ hình ảnh” bản thân và dân tộc, nhưng ở chiều hướng tiêu cực nhất!
Tại sao không nhận mình Cham ngay khởi điểm, như Inrasara (!)? [Thuở Pô-Klong, tôi, Trà Vigia và một người bạn chơi thân. Ra phố, anh bạn vừa đen vừa xấu trai lại ưa giấu căn cước, trong khi hai tôi ngự biệt lập ngang tàng là Cham, chả ngán!]
Tại sao không ý thức và hành động để bảo vệ hay khuếch trương hình ảnh tốt nhất của bản thân và cộng đồng trước người ngoài?