Phiêu lưu, để khai phá cái Mới lạ, để đạt điều Lớn hơn, đồng thời phiêu lưu như là Trò chơi. 3 yếu tố đó gộp lại: Phiêu lưu đồng nghĩa với Sáng tạo.
Trả lời báo Thể thao & Văn hóa cuối tuần do Văn Bảy thực hiện (23-5-2014):
– Văn hóa biển và hải sử có một khoảng trống quá rộng với người Việt, đã đến lúc cần thay đổi tâm thế và tâm thức này. Anh thử cắt nghĩa vì sao người Việt lại có tâm lý sợ, hay lơ là biển đến như vậy?
Lơ là thì không khó nhận ra. Người Việt quen nhìn bề mặt và không hướng bề sâu, bề sau. Bề mặt núi ta thấy núi có củi, có gỗ, có trái cây, có muông thú, vân vân; còn bề mặt biển thì chỉ có mênh mông… sóng.
Không hướng bề sâu, bởi ở tầng cạn hay thậm chí lộ thiên, trước mắt ta bao nhiêu là mỏ, cứ cúi xuống nhặt hay cần vài nhát cuốc đào là dùng ngay được; ngược lại dưới đáy biển thì mù mịt!
Còn sợ, có mấy yếu tố khiến người Việt sợ biển. Văn minh lúa nước gia cố tâm thế làng xã, quanh đi quẩn lại bà con láng diềng tối lửa tắt đèn có nhau; cho nên tinh thần phiêu lưu ở người Việt rất yếu. Cùng lắm, đi khơi về lộng là đã ghê lắm rồi. Mà khơi chỉ là 7km, lộng 3km; nghĩa là người Việt vẫn mang tâm lí hợp quần.
Còn tinh thần phiêu lưu cần đến cá nhân có cá tính mạnh, ham làm giàu hay thậm chí chỉ cần đi để thỏa mãn sự hiểu biết. Nghĩa là ở đó, cá nhân thường trực đối mặt với cô đơn và cái chết.
Cạnh đó, viễn dương thì không thể không tính đến yếu tố khoa học kĩ thuật, như kĩ thuật đóng tàu lớn có sức chịu đựng đường dài và dài hạn. Rồi trong các hành trình xuyên đại dương kia, hàng loạt vấn đề đặt ra cần giải quyết, đó là: thiên văn học, y học, ngoại ngữ…
Trong quá khứ, cụ thể hơn – đầu thế kỉ XIX trở về trước, người Việt không tỏ ra có ưu thế về khoa học kĩ thuật; còn học hỏi, tổ tiên người Việt chỉ biết đi bộ qua Trung Quốc tiếp nhận văn hóa họ, và chỉ giỏi mỗi… tiếng Hán!
Cham thì khác: phiêu lưu. Về “Tinh thần Phiêu lưu Cham”, tôi đã bàn qua một lần, và đã tổng hợp in trong Minh Triết Cham (2014). Bà con & các bạn có thể đọc ở các chương sau:
II. Tinh thần phiêu lưu: 1. Tư duy biển lớn, 2. Trời biển ơi! 3. Thuyền Pô 37 sải: Câu chuyện thầy Cham làm lễ hạ thuyền cho ngư dân Việt, 4. Cham xưa buôn bán, 5. Cham nay buôn bán
III. Tinh thần sáng tạo & phái sinh: Tinh thần tùy tiện: 1. Haumkar [Cham làm mới hoặc làm khác, chứ ít khi để nguyên – khi mượn], 2. Akhar thrah [Tinh thần Shiva: phá hủy là sáng tạo], 3. Ngôn ngữ, 4. Tháp Chàm & sự phong phú của phong cách, 5. Xakawi Lịch Cham
V. Tinh thần lễ hội: chơi: 1. Lễ và múa, 2. Lễ và huyền sử.