KHÁC BIỆT ĐỂ TỒN TẠI.1- KHÁC ẤN ĐỘ

Cham tiếp nhận văn minh Ấn Độ, và quyết làm khác Ấn Độ.

Khác, để thể hiện bản sắc dân tộc. Tinh thần Shiva: Phá hủy ĐỂ sáng tạo, phá hủy VÀ sáng tạo, phá hủy LÀ sáng tạo.

Từ chữ viết, đến biểu tượng Haumkar cho chí kiến trúc và điêu khắc, Cham luôn làm khác.

01. AKHAR THRAH

Tiếp nhận hệ thống chữ cái từ Ấn Độ, Cham làm khác. Không chỉ khác về ngôn từ, Cham làm khác cả về TỰ DẠNG. Hãy xem tự dạng Lào, Thái, Cambodia với chữ Cham cổ, có nhiều nét giống nhau. Đến Akhar thrah Cham thì khác hẳn. Đó là tự dạng bị cách điệu và biến dạng.

Nó chỉ có từ thời Pô Rômê, và chỉ tinh thần Pangdurangga mới sáng tạo nên nó. Từ chối sự sáng tạo này chính là từ chối tinh thần Pangdurangga!

02. HAUMKAR

Cham hoặc là làm mới, hoặc là làm khác, chứ ít khi để nguyên – khi mượn.

HAUMKAR (đọc ‘hom-kar’). Haum = Aum, đọc là OM, một âm linh thánh. Aumkar là chữ viết tắt tiếng Phạn Aumkara. Có thể hiểu là Haumkar là kí hiệu, vật thể biểu tượng cho tiếng OM linh thánh.

Linh thánh là vậy, Cham vẫn quyết làm KHÁC, toàn triệt. Về ‘hình’, chẳng những khác Ấn Độ, mà khác cả AUM của các dân tộc khu vực nhận ảnh hưởng AUM từ Ấn Độ.

Ý nghĩa AUM cũng được Cham hiểu khác. Rời bỏ ‘TƯỢNG CHỮ’ và TƯỢNG ÂM chuyển qua ‘TƯỢNG HÌNH’ VÀ ‘TƯỢNG SỐ’, từ đó Cham lí giải khác (xem Minh triết Cham, 2016)

03. THÁP CHÀM, Cham cũng không chừa: Mượn, phá, và làm khác!

Lĩnh vực này các nhà nghiên cứu, học giả Tây và ta nói nhiều rồi, tôi chỉ kê ra để hầu bà con, anh chị em…

Suốt quá trình lịch sử, tiếp nhận ảnh hưởng từ Ấn Độ và các nước trong khu vực, người Cham đã sáng tạo nên 7 phong cách lớn:

Phong cách Mỹ Sơn E1 (tk VII) thoát khỏi ảnh hưởng Ấn Độ, bắt đầu sắc thái bản địa trong nghệ thuật. Phong cách này có sự tương tự với nghệ thuật Dvaravati của người Mon (vùng Miến điện và Thái Lan hiện nay) và nghệ thuật Indonesia. Phong cách Hòa Lai (tk VIII-IX) có dấu ấn Phật giáo Đại thừa từ Java. Phong cách Đồng Dương, đa số các mô típ trang trí có ảnh hưởng từ Indonesia. Phong cách Khương Mỹ, thể hiện sự chuyển tiếp từ Đồng Dương đến phong cách Mỹ Sơn A1 và Trà Kiệu (tk X). Phong cách Mĩ Sơn A1 và Trà Kiệu mặc dù có chút ảnh hưởng Indonesia nhưng rất đặc thù Cham; đây là thời kỳ hoàng kim của nghệ thuật Cham. Phong cách Chánh Lộ (tk XI) thể hiện thời kỳ biến động trong chiến tranh với Đại Việt khi Champa dời đô về Vijaya. Phong cách Tháp Mắm Bình Định (giữa tk XII) ảnh hưởng phong cách Bayon của kiến trúc và nghệ thuật Angkor. Và Phong cách muộn qua kiến trúc tháp Pô Rômê giữa tk XVII.

Và nhiều nữa….

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *