TÌNH TỰ DÂN TỘC &… RẮN ĐỘC

[Tồn tại hay không tồn tại. Thư cho bạn trẻ-3]

1. Tình tự dân tộc và rắn độc là hai thứ khó trị. Thế giới hiện đại bổ sung hồ sơ: Ung thư, HIV và rác hạt nhân. Dù khó tới đâu nhân loại vẫn nỗ lực tìm cách trị, trị chưa được thì… tránh. Tránh đến đâu lâu lâu cũng bị. Do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Tình tự dân tộc chẳng hạn, cụ thể hơn: Cham Việt. Xưa, kéo dài tận nay. Non thế kỉ trước, nhà thơ Lưu Trọng Lư cảm thán (trích theo trí nhớ):

Hiềm một nỗi kẻ Việt người Chàm

Khó cảm thông

Mà mỗi hận ngàn xưa ôm ấp lòng (Tiếng thu)

‘Hận’, thế nên nhiều kẻ Việt người Chàm hơn thế kỉ qua nỗ lực tìm hiểu nhau, giải sân hận. Nếu chưa hiểu để ‘giải sân hận’, thì… tránh. Tránh đến đâu, lâu lâu cũng bị. Bị, lạ – không phải từ phía quần chúng, mà từ kẻ chữ nghĩa, mới ác.

Từ nhà nghiên cứu, nhà thơ, nhà sư, cho đến tận… giáo sư, cũng không chừa. Mới nhất, sự cố giáo sư Quyên Di Bùi Văn Chúc, là một. Miễn nói về nhà nghiên cứu [Nguyễn Thành Thống, bởi đã đề cập] và nhà sư [đã xa xưa], xin nói về nhà thơ trước, do cộng đồng Cham ít biết.

2. Ở blog Dohoang, 22-12-2014, nhà thơ Đỗ Hoàng phê phán thơ Sara:

“Thơ Inasara rất vô lối, tắc tỵ, quái đản…” – không bàn.

Cả khi ông xúc phạm cá nhân Sara: “Anh ta luôn luôn gào thét cách tân đổi mới… Bản thân anh ta muốn làm ngọn cờ đầu đổi mới thơ Việt với chiêu bài hậu hiện đại, hậu hậu hiện đại” – cũng không vấn đề.

Mà chỉ khi ông lấn sân chạm vào tình tự dân tộc, mới thành chuyện. Đỗ Hoàng viết:

“… ba lần trao giải cao là Hội Nhà văn Việt Nam tát vào Đại Việt ông cha ta!” Rồi:

“… Dân tộc chưa quá một phường trung bình của một thành phố loại 2 (trên dưới 100 000 người)

[sic]

). Quanh năm suốt tháng Nhà nước phải trợ cấp lương thực nhu yếu phẩm kể cả bút giấy sách vở để con em đi học (16 tỉnh miền núi Nhà nước phải trợ cấp ngân sách)”.

Tôi đã giải mã “mặc cảm Đỗ Hoàng” rất đáo để. Dù ông chưa có lời xin lỗi, nhưng biết sai, và IM TIẾNG. Cũng như nhà nghiên cứu Nguyễn Thành Thống không dưng nổi hứng miệt thị hầu hết trí thức Cham trong bài ‘nghiên cứu’ dài, khi bà con và trí thức Cham phản ứng quyết liệt, dù không xin lỗi, ông vẫn thấy mình sai nghiêm trọng, và lẳng lặng SỬA.

3. Giáo sư Quyên Di Bùi Văn Chúc ứng xử văn minh hơn.

Ở video clip chương trình “Lời vàng Ý ngọc” cắt-dán trên FB Thạch Ngọc Xuân đính kèm bài viết phản ứng của ca sĩ Chế Linh ngày 15-11-2019, tôi ‘tháo băng’ thấy vài đoạn sau:

“Họ ở toàn trong rừng không à, còn mình Đại Việt ở nơi sáng sủa bình minh đẹp đẽ… Công chúa Huyền Trân kết nghĩa với những người ở trong rừng mà mình gọi một cách khinh miệt Mường Mán… Công chúa cành vàng lá ngọc của mình mà phải lấy một người ở trong rừng.”

– Bà con, anh chị em Cham [và cả Việt] phản ứng căng, mạnh.

– Nhanh chóng, giáo sư đã trả lời rất chân thành:

“Trong câu mở đầu, tôi có nói “người Việt có tính kỳ thị.” Đó là tôi có ý nói về những người có quan niệm như những điều tôi sắp trình bày…

Tôi chân thành và minh nhiên xin lỗi ca sĩ Chế Linh và quý vị. Do hiểu biết chưa đủ và cách trình bày vụng về, tôi đã vô tình xúc phạm đến danh dự của quý vị và của dân tộc Chăm. Dù vô tình nhưng đây là MỘT LỖI LẦM LỚN và tôi mong được quý vị rộng lòng THA LỖI.”

Sau đó tôi cũng có còm riêng, như sau:

“Bà con & các bạn Cham thân mến!

Con người không ai tránh được lỗi lầm. Giáo sư Quyên Di phạm lỗi lớn, và khi bị phản ứng, đã nhanh chóng nhận ra lỗi lầm của mình, và có lời xin lỗi chân thành. Đó là thái độ đáng quý.

Theo tôi, bà con & các bạn Cham dừng ở đây là vừa. Mong vậy.

Viết riêng cho giáo sư.

Tôi vốn bình tĩnh và nhẹ nhàng. Ngay với nhà thơ Đỗ Hoàng [cũng đã có lời lẽ phân biệt đối xử với Cham, và dân tộc thiểu số], tôi cũng bình tĩnh giải thích.

Ngôn từ và giọng điệu của giáo sư đã chạm đến phần thẳm sâu nhất của Cham, thế nên anh chị em phản ứng nặng lời là khó tránh, và không thể trách. Trong ‘dòng thác’ ấy, tôi cũng có đôi lời ‘hơi nặng’ với giáo sư, là điều tôi hiếm làm và không muốn làm. Tôi cũng mong giáo sư bỏ qua.

Để thể hiện lòng thành, bên cạnh tránh ảnh hưởng không hay đến thính giả của chương trình, tôi đề nghị giáo sư cần có lời xin lỗi và cải chính tại chương trình “Lời vàng Ý ngọc” mà giáo sư tham gia, hay phụ trách.

Karun tất cả!”

– Cuối cùng, giáo sư Quyên Di đáp lời: “Tôi hết lòng cám ơn và xin lãnh ý.”

Chúng ta sống cho hôm nay và thế hệ mai sau. Vậy, không gì hơn là: Tìm học để hiểu, chấp nhận cái KHÁC, sai thì biết nhận lỗi, cùng cảm thông và tha thứ.

Thug siam!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *