TAPAK PÔ SUAK THẬT THÀ THÌ TRỜI RÚT [TÊN]

[hay: Từ Sara làm việc với Yuôn, đến Sara ‘lắt léo’ – Thư cho bạn trẻ Cham-1]

 

“Thành nghĩa là thật lòng, không dối mình dối người, không giả nhân giả nghĩa. Việc phải dù [nguy đến] tính mạng cũng không từ, việc phi nghĩa dù phú quý cũng không tưởng…” (Nguyễn Bá Học)

*

Cháu không hiểu hay hiểu lầm Sara là chuyện bình thường. Bạn bè cei cả Cham lẫn Việt, con cháu cei còn thế, huống chi.

Inrasara hoạt động nhiều lĩnh vực: Văn học, nghệ thuật, nghiên cứu văn hóa Cham, dịch thuật, tổ chức sự kiện, báo chí, và cả hoạt động xã hội, trong đó vài lĩnh vực rất ít hoặc không sinh linh Cham nào biết, hay tham dự.

Riêng văn học, cei vừa sáng tác, vừa lí luận phê bình, diễn thuyết, tranh luận học thuật. Sáng tác thì đi từ thơ đến tiểu thuyết, từ truyện ngắn đến tùy bút.

Làm thơ, cei không dừng ở một, mà luôn phiêu lưu thử nghiệm cái mới, phong cách mới, hệ mĩ học mới. Đến nhiều người trong văn giới Việt còn không chịu được nữa là.

Sự thể bộ phận chữ nghĩa này cho là quan trọng thì thành phần khác kêu chẳng đáng; vấn đề Cham coi như điều sống chết thì Việt bảo chuyện nhỏ. Nhập cuộc, cei chấp nhận tất.

Ở đây, cei giải thích 2 điểm mà cháu thắc mắc.

 

  1. 1. Về SARA LÀM VIỆC VỚI NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

– Thử hỏi: Cán bộ Nhà nước mà đi phản biện Dự án Nhà máy Điện hạt nhân ư? Đùa! Hầu hết vấn đề cộng đồng bà con Cham chờ tiếng nói của Sara, hay nhờ cei giải quyết. Nếu cháu thấy “trí thức” Cham nào dấn thân hết mình như thế, hãy cho cei biết.

– Làm việc với chính quyền mà cei dám trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài, lại toàn thứ bị cho là “phản động”: BBC, RFA… sao? Hay viết cả trăm bài đăng tạp chí, web Việt trái chiều ở hải ngoại như: Hợp Lưu, Thơ, Tiền Vệ, Talawas, vân vân sao?

– Sự kiện Hoàng Sa – TS, cei thuộc nhóm nhà văn đầu tiên nhập cuộc sáng tác, trong khi tuyệt đại đa sô nhà văn chính thống im re! Bài thơ “Ở nơi ấy, hảo hảo hảo” của cei được cho là bài thơ hay, Đài Úc đọc-bình suốt 30 phút. Inrasara cũng là người viết tiểu luận đầu tiên về phong trào này đăng BBC.

– Cei từng nhận nhiều giải thưởng, vô phân biệt. Từ nghiên cứu, thơ, đến lí luận phê bình, báo chí; ở các nước, từ Việt Nam, Đông Nam Á cho đến Úc, Pháp; trong các tổ chức: Chính thống, phi chính thống, nước ngoài, lẫn “phản động”.

Nếu cei là Đảng viên thì có được phép làm vậy không?

 

  1. LẮT LÉO

Cháu cho cei ‘lắt léo’, trong khi văn giới Việt ngược lại: Sara thẳng thắn đến thẳng thừng. Cei thường xuyên thông tin hai ý này đến cộng đồng, nguyên văn:

– “Tôi nói chuyện với con tôi, với bạn văn, với cánh an ninh, với người quen người lạ cùng giọng điệu đó, nội dung đó không chừa trừ góc khuất nào bất kì.”

– “Ngoài chuyên tình cảm riêng tư và chuyện gia đình, tôi có thể thảo luận trực diện hay tranh luận nhóm với bất cứ Cham nào về bất kì vấn đề nào liên quan đến Cham.”

 

Cham lắt léo sao? Có mà khở! Cei nói đâu đó, khôn của sinh linh Cham thông minh không bằng một nửa người Việt trung bình. Thế nên, sống giữa cộng đồng Việt, chỉ có thành thật mới tìm được sự đả thông.

Dẫu sao thành thật không buộc người ta tự nộp mình! – ai nói thế.

7 ngày ở Nhật chẳng hạn, bao nhiêu câu hỏi từ phóng viên, mà báo chí nước tự do cháu biết rồi, hỏi không chừa thứ gì. Né tránh là bị tẩy chay ngay. Ví dụ câu: ‘Ở Việt Nam, người Cham có bị phân biệt đối xử không?’

Né tránh hay lắt léo đây? Bạn phải đáp ngay, trước mấy trăm cặp mắt. Đúng điều cần nói, trúng sự thật mà vẫn về nước an toàn? Cháu biết cei trả lời sao không? Thử đoán đi, đố vui có thưởng đó!

Khi ta sợ hãi hay tính toán gì đó, hoặc khi biện hộ cho một dối trá, ta mới “lắt léo”. Còn Sara…

 

P.S. Thử đọc 3 ý kiến của văn giới Việt Nam nhé:

– Nhà thơ Inrasara thiên về sáng tác nhưng lại thường có những công trình nghiên cứu và phê bình rất xuất sắc. Ông đọc nhiều, biết rộng và thẳng thắn trong việc phát biểu nên bài viết “Thơ như là con đường” rất đáng được biểu dương (Nguyễn Văn Định, Tienve.org – Australia, 23-4-2007)

 

– Điểm nổi bật của nhà phê bình Inrasara là tự tin, dũng cảm, trung thực, dám nói thẳng, nói thật những điều mình biết, những điều mình nghĩ mà không sợ mất lòng ai. Inrasara thậm chí đấu tranh với chính mình. Ông tự chỉ ra những hạn chế của chính mình. Tất cả vì mong muốn đóng góp một tiếng nói cho sự phát triển văn học. Inrasara có giọng phê bình nồng nhiệt, riết róng, táo bạo, nhiều khi gay gắt nhưng lại rất nghiêm túc và công tâm. Một thứ phê bình giàu cảm xúc và trí tuệ của một nghệ sĩ tài hoa (Trần Hoài Nam, Luận văn Tiến sĩ, 2010)

 

– Chúng tôi tự hỏi liệu bức tranh phê bình văn học đương đại Việt Nam sẽ như thế nào nếu thiếu đi tiếng nói thẳng thắn và mới mẻ của Inrasara? … Ngay từ khi mới ra mắt, phê bình thơ của ông ngay lập tức nhận được phản hồi, cả tích cực lẫn tiêu cực. Sự đối thoại hết sức cởi mở và thẳng thắn đến thẳng thừng của ông đã khơi dậy không ít cảm hứng tranh biện nơi người đọc (Chu Minh Anh Thơ, Luận văn Thạc sĩ Ngữ văn, 2018)

 

Kết. Mấy năm qua cei rời bỏ hầu hết ‘chức vụ’: Chủ biên Tagalau, Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ Hội Nhà văn VN, Trưởng ban LLPB Hội VHNT các DTTS Việt Nam, Chủ trì Bàn tròn Văn chương, Chủ trì Cà-phê thứ Bảy Văn học. Cei vừa có thư rời bỏ Giám khảo Giải sách Hay của Viện IRED, vân vân.

Cháu có thấy sinh linh Cham nào tại đất nước CS chơi dại thế không?

Ranam & Thug siam!

Inrasara.

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *