Tôi phê bình. Bị ném đá, nhà phê bình có sợ, có nên rụt cổ không?

Theo tôi, sợ thì có sợ, còn rụt cổ thì không.

1. Thời gian qua, trong sinh hoạt văn học, người sáng tác hay có động thái tác động đến nhà phê bình khiến cho nhà này không ít lần thay đổi ý kiến về tác phẩm mình. Đây là một trong những nguyên do làm cho nền phê bình Việt Nam khó vượt qua tình trạng èo uột. Có thể mãi thế không?

Lên tiếng về Dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận, tôi bị vài người quen biết đang quan văn ở tỉnh nhà xa lánh. Hội nghị cuối năm, không ai ghé tôi bắt tay, là điều chưa từng xảy ra trước đó. Các anh sợ liên lụy, tôi biết, và không trách.

Bị ‘bỏ rơi’ thế, tôi có nên thay đổi quan điểm không? – Không.

Đó là chuyện ngoài đời giữa những người trong giới, buồn, nhưng chịu. Khi sự vụ tương tự xảy ra trong bản thân văn học, mới tệ. Mươi năm trước, phê bình tập thơ một bạn thân vừa xuất bản, tôi gửi bài viết đến anh tham khảo ý kiến. Anh tế nhị tìm cách làm cho tôi thay đổi một nhận định. Tôi từ chối. Thế là đang “thân mến”, hai năm không nhìn mặt nhau.

Bài “Cảm thức thơ Việt qua hai kì sự kiện Trường Sa – Hoàng Sa” vừa đăng BBC, ngày 9-7-2011, một bạn văn + phê bình ở Hà Nội phone nhắc: “chẳng có lợi gì cho Sara cả”.  Sau đó, “Vụ án Nhã Thuyên: đính chính tư liệu & quan điểm học thuật” post trên Tienve.org, 4-5-2014, ngày trước thì ngay sáng hôm sau tôi nhận lời khuyên chí tình: không nên. Mới nhất, “Đọc hậu hiện đại. Tác phẩm 13. “chúng nói: sông có thể cạn…” của Lý Đợi” cũng thế.

Nhà phê bình sợ cho mình, và sợ giùm cả cho nhau.

Chuyện cá nhân là vậy, còn cộng đồng?

 

2. Tôi biết “trùm dư luận viên” Trần Nhật Quang rất muộn. Lần đầu tiên “đọc” tác phẩm “Bắc Triều Tiên, mô hình xã hội cho toàn nhân loại”, thấy nó “độc và vui” quá, tôi mới phone cho bạn văn, rằng tôi sẽ viết về nó. Dù anh bạn văn “mình cũng thấy tay này rất lạ”, nhưng thật lòng khuyên: Sara chớ mó vào vụ này, bị ném đá đó.

– Nhà phê bình mà chùn tay hay đổi giọng trước ném đá thì chớ nên làm phê bình, tôi nói.

Đúng như anh bạn dự báo, và cũng hệt cái “còm” đầu tiên của thi sĩ Lê Vĩnh Tài: tôi – qua bài kia – bị ném tới tấp.

Dư luận viên đang bị phe bên này ghét, thế mà tôi nhảy vô khen “trùm sò” của chúng, có ném cũng không gì gọi là oan. Thông tin thời đại internet lan nhanh, thì nhà ấy nhận cùng lúc nhiều cú ném hơn nữa, tôi biết. Thuở Văn Cao mất cũng vậy, nhạc sĩ-thi sĩ tài hoa này rất được hâm mộ, yêu mến, vậy mà tôi lại đi ca tụng “anh văn ơi/ hu… hu… hu…” của Bùi Chát; nếu sự việc xảy ra lúc này, tôi cũng lãnh đủ. Dĩ nhiên, mức độ kém hơn.

Độc giả hôm nay vẫn còn chưa rạch ròi giữa tác phẩm và con người làm ra tác phẩm, qua đó phê bình văn học mãi bị tác động bởi tình cảm yêu ghét ngoài đời. Nhà phê bình yếu bóng vía, chùn tay là cái chắc.

 

3. Cho bài “Đọc hậu hiện đại. Tác phẩm 10. “Dư luận viên” Trần Nhật Quang, một nghệ sĩ hậu hiện đại đích thực” lên FB, rồi sau những phản đối [của một số người đọc] và biện giải [của tôi], anh bạn văn ở trên khá lo cho tôi, rằng: Nhỡ ai đó điều tra biết Trần Nhật Quang là dư luận viên thật thì sao? Và nhỡ anh ta thú nhận mình không sáng tác gì cả, chỉ làm để kiếm tiền, thì sao?

Tôi nói, ngay cả điều đó xảy ra cũng không liên can gì đến bài phê bình của tôi cả.

Nhà phê bình làm việc trên “văn bản”, văn bản đó được hắn cho là tác phẩm nghệ thuật, hắn đưa ra nhận định mà không bị tác động bởi áp lực từ bên nào bất kì. Cả khi tác giả xuất hiện, bảo ý tôi thế này thế kia, cũng chỉ được hắn xem như một “tài liệu tham khảo”, không hơn.

 

Giả tưởng vui. Nhà thơ A của VN viết trường ca Hố Thiêu đoạt Nobel văn học. Tác phẩm mang hơi hướng chống khủng bố, và ông bị al-Qaeda bắt cóc biệt tăm. Hội Nhà văn Việt Nam báo tang [có cả bài điếu văn]. Trường ca được mang giảng dạy trong nhà trường, và do thủ pháp của nó quá mới lạ, nên xảy ra nhiều cách hiểu khác nhau, thậm chí đối chọi nhau. Đột ngột nhà thơ kia xuất hiện sau 10 năm mất tích. Hỏi chớ ông ấy có nên/ có thể can thiệp vào mấy diễn ngôn của nhà phê bình không? Và liệu nhà phê bình chân chính có thay đổi quan điểm mình về trường ca kia không?

Chắc chắn là không rồi. Nhà phê bình nhận thông tin từ nhà thơ, và dù ông ta có nổi tiếng tới đâu, họ cũng coi nó chỉ là tài liệu để tham khảo như mọi tài liệu khác.

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *