SÁCH & ĐỌC SÁCH [hay Hãy học… dốt!]

Người Việt “cần cù, thông minh” sống ở “đất nước giàu và đẹp”, và có đến “4.000 năm văn hiến”, nhưng lại là dân tộc đọc sách kém thuộc nhóm hàng đầu thế giới(*). Tại sao? Tạm nhìn qua hai thứ diễn ra ở nhà trường ta:

– Về văn chương, ngay từ bé thẩm mĩ văn chương của con em bị triệt hạ – bằng nội dung chương trình nặng truyên truyền, bằng lối dạy văn bóp nghẹt sáng tạo;

– Về tư tưởng, bị uốn nắn một chiều nhìn từ tiểu học, lên Đại học nếu chương trình có mở, sinh viên cũng khó có tư duy phản biện và sáng tạo, nói chi tại nơi này ta vẫn cứ triết học Theo-ism mà đè nhau dạy và học!

Chỉ còn mong đợi ở đọc sách.

Vậy, hãy học xem nhẹ trường học, cả thứ trường mang nhãn “quốc tế”; nếu không, hãy quyết tâm học dốt, mà dành thời gian cho đọc sách. Xin kể “gương sáng” của tôi.

 

Cộng đồng Cham trước 75, tôi biết ít nhất mươi gia đình có tủ sách. Ngay nhà quê nghèo ở một tỉnh nghèo trong đất nước nghèo đang bị chiến tranh tàn phá. Tôi lần mò tìm đến và đọc. Chú Châu Văn Mỗ, ông Lưu Quý Tân, thầy Tỷ, thầy Nền, thầy Biểu – chưa kể tạp chí như Phổ thông, Thời nay – gia đình đều có từ 2-300 cuốn sách giá trị.

 

Nhà anh Phú Hữu Tỏ (+ chị Sỉ tôi) ở Phan Rang có khoảng 50 cuốn, ở đó thường xuyên cả trăm lượt học sinh Pô-Klong lẫn sinh viên các nơi ghé “yōng hwak”. Quan sát, tôi hiếm thấy ai mó tới chúng, kể cả ông… chủ nhà. Tủ sách Trường Pô-Klong cũng hệt, nhiều sách quý là quà biếu từ các nơi, hay được thầy Jay mua về bọc gáy da, để quanh đi quẩn lại các bạn chỉ chuyền tay bộ Tề Thiên Đại thánh với tác phẩm Tự lực Văn đoàn.

Dẫu sao thế hệ ấy, Cham nghèo vẫn bật ra 2-3 sinh linh yêu và mê sách.

Chớ mong sách thu hút mọi tầng lớp nhân dân, 10% là được. Rồi từ con số ấy, bật ra 1-2% theo đuổi chữ nghĩa, đã là ngon. Vậy hãy bắt chước dân Do Thái, cứ ném sách ra nhà, nó có lộn xộn thế nào – kệ, là ta hi vọng câu được con-cá-người-đọc.

 

Mươi năm qua Tủ sách nhà INRA ở Chakleng phục vụ miễn phí, với hơn 5.000 cuốn sách đủ loại, trong đó có loại rất cần cho sinh hoạt nông thôn, thi thoảng chỉ 2-3 mạng ghé mượn. Hiện, phần thì thất tán phần nữa dành nuôi… mối. Tại sao?

Nguyên do vẫn là từ… nhà trường. Chốn ấy, trẻ con không được khuyến đọc; nếu có cũng chỉ khuyến đọc loại sách thuộc hệ Theo-ism. Thì làm gì kích thích tò mò, kích thích tìm tòi sáng tạo, kích thích tư duy mở. Văn hóa đọc của ta vẫn cứ thuộc top ten chổng ngược. “Chắc chết, và chết chắc!”

_____________

 

(*) Báo Kinh tế & Đô thị:

Theo một khảo sát quốc tế năm 2016, Việt Nam chúng ta chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng đọc sách. Thời gian dành cho đọc sách hàng tuần, cao nhất là Ấn Độ với gần 11 giờ; một số nước, vùng lãnh thổ châu Á như: Đài Loan (Trung Quốc) là 5 giờ, xếp thứ 27; Nhật Bản là 4 giờ, xếp thứ 28; Hàn Quốc 3 giờ, xếp thứ 29. Việt Nam khoảng 1 giờ. Người Việt Nam thụ hưởng 4,2 cuốn sách mới mỗi người, mỗi năm, nhưng trong đó 2 – 3 cuốn là sách giáo khoa. Như vậy, mỗi người mỗi năm chỉ thực sự thụ hưởng gần 2 cuốn sách, và thuộc nhóm thấp trên thế giới. Malaysia, một nước gần chúng ta và trong khối ASEAN, là 12 cuốn sách mỗi người, mỗi năm, gấp 3 lần Việt Nam.

 

Comments

Đúng lắm! Cộng đồng Việt hay Cham vẫn bật ra vài nhân tố ham đọc sách, và tư tưởng anti Theo-ism, nhưng ở đây ta đang nói về mặt bằng.

Ví dụ bằng con số vui: Cộng đồng Do Thái có 100 người thì có 80 người ham đọc sách, con số này ở Việt là 10/100. Từ 80 đơn vị Do Thái này có được 8 người xuất sắc, trong khi ,Việt Nam chỉ có 1. Từ xuất sắc bật ra thiên tài thì: Do Thái tỉ lệ 0.8, còn Việt Nam thì mới 0,1!

Và thực tế đã chứng minh điều đó.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *