Một ánh nhìn của cha
nửa nụ cười của mẹ
và hai bàn tay diệu vợi của em
giữa mênh mông màu nắng quê hương
hỏi tôi còn tìm thiên đường đâu nữa? (Lễ Tẩy trần tháng Tư, 2002)
Sân hận là vấn đề muôn thuở của con người, chắc chắn nó chỉ dứt tiệt khi nhân loại diệt vong. Con số 17 như một hơi gió tháng Tư thổi vào khoảng trống trần gian. Vô nghĩa. Dẫu không là gì cả, chúng cần thiết có mặt. Như tiếng chim muộn ở một buổi chiều cô độc nơi góc kí ức.
Sân hận từ thế giới ảo đến đời sống thực, từ cá nhân đến tập thể rộng lớn là quốc gia hay quốc tế, từ sinh linh vô danh đến các nhân vật tiếng tăm, từ thành phần ít học cho đến giới trí thức tiếng nói mang khả tính xoay chuyển thời cuộc.
Sân hận, bên thắng cuộc trả thù, hoặc ý định ngừa trước sự trả thù đã ra tay trả thù, qua đó hận thù chồng chất hận thù… cuộn dân Việt chìm trong vực xoáy không lối thoát. Chốn văn chương, sân hận sanh tâm đố kị, phân biệt đối xử với văn học ngoại vi các loại, gây thiệt thòi cho người đọc và thiệt hại cho cả nền văn học đa dân tộc Việt Nam.
Thế giới Cham chật hẹp cũng tồn đọng bát ngát sân hận, do thiếu hiểu biết, khuyết tầm nhìn hay chỉ thuần ngộ nhận, ngẫu nhiên hay cố tình, từ ngoài đến trong, từ bợ đỡ hay thèm khát làm anh hùng, tất cả tạo thành cơn bão [trong ao] đè bẹp bao tâm hồn cao, đẹp.
Thấy láng giềng hơn ta, ta ganh ghét, ganh ghét vươn vai lớn dậy thành sân hận. Sân hận, đến bậc trí giả cũng không kìm nổi ngôn từ, kẻ anh hùng không tránh khỏi giận dữ thành mất tỉnh táo. Qua đó bao lời lẽ và hành động bạo tàn đẩy ngàn muôn sinh linh rơi vào vòng khổ ải, li tán.
Không hiểu biết sanh nghi ngờ, nghi ngờ sanh sợ hãi, sợ hãi mang tâm lí thủ thế. Sợ, yếu – ta luồn cúi, bợ đỡ; mạnh – ta dọa nạt, trù giập. Đội trên đạp dưới gây nên muôn hệ lụy làm đất cho căm ghét, hận thù và bạo động sinh sôi nẩy nở. Để rồi bạo động nhân danh hòa bình và công lí dung bạo lực cách mạng dẹp hậu quả mình gây ra trước đó, như rắn cắn đuôi rắn không thoát ra được.
Làm gì?
Khi sân hận tối đen mang đủ khuôn mặt đang làm trùng trùng duyên khởi phủ khắp địa cầu, khắp lĩnh vực, len vào mọi ngóc ngách hồn người, thì một ngọn nến giải sân hận yếu ớt được đốt lên – là cần thiết.
Biết mình là cần, hiểu người cần không kém. Hiểu người, để tôn trọng cái KHÁC mình. Khác, không chỉ là ở cá nhân, mà còn là một tập thể như nhóm, ý hệ tôn giáo hay chính trị, dân tộc, khu vực văn hóa, vân vân.
Hiểu, để yêu thương và tin tưởng như Anne Frank, rằng con người thực sự vẫn tốt.
Hiểu, để mở lòng và làm việc và sáng tạo. Và tạ ơn, bởi…
TẠ ƠN LÀM CHO TA LỚN LÊN.