Giải sân hận-10. THẦN TƯỢNG CỦA TÔI

Thần tượng tôi, có phải là Phạm Công Thiện hay Bùi Giáng? – không. Dostoievski, Krishnamurti, hay Heidegger, Nietzsche? – càng không. Dù 15-16 tuổi, có giai đoạn tôi treo ảnh Dos, Krish trước bàn học, nhưng không quá tháng, tôi cất.

Chuyện kể.

Mẹ tôi là “con người xã hội” thập thành, nói theo ngôn ngữ hiện đại. Ưa lo chuyện người, và giúp người. Từ tộc họ cho đến làng xóm, mẹ sẵn sàng xắn tay áo vào cuộc. Mẹ còn là dân chiến đúng nghĩa. Từ học [bình dân học vụ], nhá cá, làm ruộng cho đến… chửi nhau. Tôi chưa thấy mẹ chịu thua ai bao giờ, ngoài dì Mơi [khi hai chị em lâm chiến]. Nói thế không phải mẹ chiến đến sống mái, mà rất biết nhường nhịn, nhất là với láng giềng, bà con lớn tuổi.

Tôi mang gien ấy của mẹ: chiến, cho đến khi tôi gặp… Đức Phật ở tuổi 20 thì gien cha trội lên trong tôi. Cha, nông dân thuần thành, hiền và lành đến con kiến cha cũng không sát. Cày ruộng, trong khi út Bững mỗi ngày tiêu tốn ba cây roi “yong”, cha thì cả mùa có mỗi cây mà còn nguyên lành, hai đầu mướt mượt.

Vậy cha mẹ có là thần tượng tôi? – cũng không nốt!

 

Thuở Đệ Tứ, ấn phẩm về Do Thái đầy tràn hiệu sách, tôi mua về và đọc, mê mệt. Lạ, tôi không thần tượng các vĩ nhân như Độc nhãn tướng quân Moshe Dayan, hay bộ óc vĩ đại Einstein, mà là cô gái Anne Frank và chàng trai trẻ Zamenhof.

Nhật kí Anne Frank viết năm 13 tuổi trong trại tập trung Đức Quốc xã cho đến khi cô bị sát hại ở tuổi 15. Trích từ trí nhớ:

“con người vĩ đại không phải ở sự giàu sang hay quyền lực, mà ở tính cách… còn vũ khí sắc bén nhất không từ súng ống tối tân, mà chính là lòng tốt và sự bao dung.”

“người nào có lòng dũng cảm và niềm tin thì không bao giờ sống trong đau khổ.”

“ánh mặt trời này và bầu trời xanh lơ này còn tồn tại, khi tôi còn sống ngày nào và còn được hân hưởng điều đó thì tôi không việc gì phải buồn… dù bao nhiêu tội ác đang xảy ra xung quanh tôi, tôi luôn nghĩ con người thật sự vẫn tốt.”

Hãy tưởng tượng các suy nghĩ độc chiêu ấy được viết trong nhà tù do một cô gái vị thành niên! Tôi thần tượng chả có gì sai, thần tượng đến sáng tác cả bài thơ dài. Trích [1973, hơi sến xíu]:

 

Anne Frank, Anne Frank, chân trời cháy nắng

Anh trầm đau từ ấy hôm nay

Anne Frank chân đi thầm thì tuyết trắng

Anh bâng khuâng, mơ mộng đêm dài…

 

Anne Frank, Anne Frank, vất vả trang thơ

Cầm tay em ngôn ngữ bước lên bờ

Vẫy nắng lại cho nụ cười tìm đến

Nằm xứ Việt anh mơ trời miên viễn…

 

Người thứ hai, cũng rất trẻ: Ludwik Lejzer Zamenhof.

Bialystok, một thị trấn nhỏ bé Nga có đến bốn nhóm dân sinh sống: Nga, Đức, Do Thái và Ba Lan, nơi mỗi nhóm có ngôn ngữ riêng và nhìn nhau như kẻ thù. Xung đột diễn ra liên miên, từ đường phố lan tận trường học, trẻ con cũng không chừa. Có cả các bạn học Ludwik tham gia sự vụ, mới ớn!

Ludwik nghĩ khác, và làm khác. Không tham dự vào cuộc chiến thiếu hiểu biết ấy, cũng không chạy trốn, càng không nuôi tâm sân hận, Ludwik tìm cách thay đổi nó. Thế nào? Chàng cho rằng do khác biệt ngôn ngữ đã dẫn tới ngộ nhận, từ không hiểu nhau đưa đến thù hằn và xung đột.

Như vậy, cả bốn cộng đồng khác biệt ấy cần phải có ngôn ngữ chung. Và chàng làm được. Quốc tế ngữ Esperanto khởi đầu từ giấc mơ thơ dại và điên rồ ấy. Sau này khi đã là nhà bác học, ông cho biết: Chính bà mẹ đã truyền cho ông sự bao dung và tinh thần sáng tạo.

Không đáng ngưỡng mộ sao?!

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *