Giải sân hận-8. BIẾT THẾ GIỚI BÊN NGOÀI

Sao nhà thơ không lo tập trung cho nghiên cứu văn hóa Cham, hay cho sáng tác của mình, mà tốn quá nhiều công sức cho văn chương Việt? Chả cần thiết, còn gây không ít ngộ nhận, ngộ nhận rất tai hại cho bản thân nhà thơ? – là còm của một bạn trẻ.

Đúng! Tôi thường xuyên theo dõi văn học, hay trào lưu triết học diễn ra ở ngoài kia.

Trong này, tôi muốn hiểu tâm hồn người Việt, tôi nghĩ văn chương cùng bao nỗi người quanh thế giới ấy biểu hiện đủ đầy.

Tôi không hứng thú với chánh trị cùng mấy trò diễn của nó. Thế nên, dù biết đọc Bên Thắng Cuộc, Đèn Cù… là cần, nhưng tôi khá lơ là với mấy nóng hổi tính thời sự kia. Văn chương, đặc biệt là thơ, tôi nhập cuộc hết mình: Sáng tác, nghiên cứu, phê bình, tổ chức diễn đàn, diễn thuyết, tranh luận… Và, tôi nhận ở đó cả quả ngọt lẫn trái đắng.

Sao không học bên ngoài?

Tại sao cứ phải nghiên cứu Cham? Tại sao mãi quanh đi quẩn lại với tháp Chàm hay lễ hội, phong tục tập quán hay Akhar thrah, mà không gì hơn, không gì khác? Nữa, dấn mình vào thế giới văn chương Việt có hoàn toàn vô ích với Cham không?

 

Phê bình hậu hiện đại, là nỗ lực giành lại sự công bằng cho các dòng văn học ở phía bị cho là ngoại vi: Đông Nam Á so với thế giới, tiếng Việt so với tiếng Anh, tiếng dân tộc thiểu số/ đa số, tiếng Cham/ tiếng Việt, nữ/ nam, hải ngoại/ trong nước, địa phương/ trung ương, ngoài luồng/ chính lưu. Một phê bình nỗ lực đạp đổ bức vách ngăn đầy đối xử phân biệt tệ hại.

Phê bình hậu hiện đại còn quyết đánh tan mọi mặc cảm. Mặc cảm hậu thuộc địa, mặc cảm dân tộc thiểu số hay tỉnh lẻ, mặc cảm phái yếu tòng thuộc (nữ), vân vân. Rời bỏ tinh thần dĩ Âu vi trung, tâm lí lệ thuộc, chối bỏ các đại tự sự từng/ toan thống ngự cuộc sống con người hay nền văn hóa ngoại biên, để mỗi cá nhân tự khẳng định vị thế của mình, mọi nền văn hóa nhỏ lẻ có tiếng nói của riêng mình.

Cuối cùng, dù hết mình với thế giới văn chương, tôi có xa rời Cham đâu! «Suy nghĩ toàn cầu, hành động cục bộ», là vậy.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *