Giải sân hận-3. VĂN CHƯƠNG, PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ & LOẠI TRỪ

Michel Alexander trong công trình Lịch sử văn học Anh quốc, đã rất hối tiếc về tình trạng buộc phải “loại trừ các tác giả viết bằng tiếng Anh không có quốc tịch Anh”. Như vậy, trong khi ông cố gắng gom vào, thì Việt Nam ta chơi trò ngược đời: Hoặc xem nhẹ, hoặc quyết loại trừ văn học tiếng Việt ở phía khác mình. Tôi cho đó là thái độ quái lạ, rất đặc thù của bộ phận quản lí văn học ở đất nước hình chữ S này.

Năm 2018, tạp chí nghiên cứu của Hội đồng LLPB VHNT Trung ương mời tôi viết bài, tôi gửi tiểu luận: “Văn học ngoại vi của Việt Nam ở đâu?” Bài viết bị trả lại kèm câu cảm thán khó hiểu: Sao cứ là văn học ngoại vi!

Ừa, thì ngoại vi. Đó là các dòng văn học bị xem là nhỏ lẻ, phi chính thống, hay ngoài luồng. Văn học của dân tộc thiểu số so với đa số, văn học miền Nam so với văn học miền Bắc xã hội chủ nghĩa, sáng tác của các tác giả phi chính thống, văn học người Việt ở hải ngoại, vân vân.

Lịch sử văn học Việt Nam, chính sáng tác ngoại vi với Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Tú Xương… mới đáng gọi là sáng tạo. Chứ Nhị thập bát tú của Lê Thánh Tông, hay Mặc Vân Thi xã của Tự Đức đã làm được gì!

[Ngán thay cái mũi vô duyên/ Câu thơ Thi xã, con thuyền Nghệ An]

 

Tại sao văn học ngoại vi đáng quan tâm? Chả là, do chúng bị phân biệt đối xử, ít được đến với đại đa số bạn đọc. Từ đó người đọc hoặc không biết đến, hoặc biết mơ hồ, lắm khi biết sai về chúng. Gom tất cả chúng lại để làm giàu sang nền văn học Việt Nam, không hay sao!

Theo tôi, hành vi loại chúng ra khỏi nền văn học hiện đại là thiệt thòi lớn cho độc giả, cho nền văn học Việt Nam đa dân tộc và đa vùng miền. Hòa giải hòa hợp dân tộc trong văn học phải khởi từ suy nghĩ, thái độ và hành động thực lòng. Chứ phân biệt đối xử [với văn học dân tộc thiểu số], loại trừ [mang tính hận thù] với văn học ngoại vi, thì chúng ta mất, chứ chả được gì cả.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *