VIỆT NAM CHƯA THỂ CÓ TIỂU THUYẾT GIA LỚN, TẠI SAO? 3 bài

Bài 1.

VIỆT NAM CHƯA THỂ CÓ TIỂU THUYẾT GIA LỚN, TẠI SAO?

 

Đó là câu hỏi bạn “văn” trẻ đặt ra với tôi. Và thêm: Đời người trăm năm như nhau, nhà văn Tây hay Ta gì gì đâu có được ông Trời ưu ái thêm ngày nào!

Tôi nói: Đúng, nhưng nhìn kĩ xíu vẫn… sai đầy ra. Thử nhìn qua 4 yếu tố:

 

[1]. Tiểu thuyết, Don Quixote de la Mancha được coi là tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của châu Âu; nghĩa là châu Âu đã có truyền thống tiểu thuyết hiện đại 4 thế kỉ: 3 điểm;

còn Việt Nam chưa tới trăm năm: 1 điểm.

[2]. Thế giới hôm nay thở hơi thở của văn minh Tây phương, các bình diện nghệ thuật luôn được nhìn/ đánh giá qua con mắt thẩm mĩ Tây phương. Nhà văn Tây phương được trang bị nền tảng triết học và tư tưởng truyền thống họ: 3 điểm;

Việt Nam vừa mới học theo: 1 điểm.

[3]. Tây phương còn ý hướng [và đang] học thêm tư tưởng Đông phương: 1 điểm;

Nhà văn Việt Nam có truyền thống đó, nhưng lại đang rời xa nó: 1,5 điểm.

[4]. Năng khiếu và quyết tâm, có thể như nhau, Tây phương và Việt Nam cùng 1 điểm.

Cộng 4 khoản, nhà văn Tây phương: 8 điểm; Việt Nam: 4,5 điểm. Kết luận: Đọ thế nào mà đọ!?

Đó là chưa kể đến bề dày truyền thống: Môi trường giáo dục, cộng đồng độc giả, nhà phê bình, cơ chế, vân vân, Tây phương cũng ăn đứt ta nốt.

 

Làm gì?

[1] Nỗ lực tối đa, Khổng: Người cố gắng một, mình cần cố gắng hai; cố gắng hai không được, thì phải cố gắng gấp ba, gấp bốn…

[2] Học, học và học Tây phương ngay từ tiểu học, như người Nhật đã;

[3] Lặn sâu vào truyền thống Đông phương: Đông phương Ấn Độ, Đông phương Trung Hoa, Đông phương Hồi giáo.

[4] … và sáng tạo. Với văn chương, cần hoạch định “những tham vọng quá trớn, những mục tiêu bất khả lượng đạt”.

Chỉ thế thôi, chúng ta mới có cơ may và hi vọng.

 

Bài 2.

VIỆT NAM ĐÃ CÓ NHÀ VĂN LỚN, ĐỈNH

 

[1]. Tôi gặp không ít nhà văn Việt Nam gánh [ôm, mang] ảo tưởng mình lớn, đỉnh. Nhà văn Y Ban là điển hình tiên tiến, bởi đã không sợ công khai nó. Coi chị trả lời trên Vietnamnet:

“Người ta nói không có tác phẩm đỉnh cao. Nhưng tôi nói có. Và tôi sẵn sàng tranh luận… Tôi không ngại ngần dùng chính những tác phẩm của tôi – Y Ban để chứng minh điều đó. Tác phẩm của tôi ra thường xuyên, không lặp lại mình. Bốn cuốn tiểu thuyết của tôi gần đây là bốn cách thể hiện khác nhau. Tác phẩm của tôi đây, nó không hay ở chỗ nào? Nó không đi cùng thời cuộc ở chỗ nào? Nó không được độc giả đón nhận ở chỗ nào?”

– Yeh! Không sao… bình tĩnh, bình tĩnh… không sao mà…

Nhà văn này tiếp:

“Chúng ta biết một dân tộc muốn có một nền văn học rực rỡ thì phải có bề dày văn hoá, bề dày lịch sử. Những vùng đất mới sẽ rất khó đạt được thành tựu đó”.

– Ui choa! Vậy là “vùng đất mới” Hoa Kì chớ có mơ về một nền “văn học rực rỡ” nhé. Riêng vụ “chúng ta biết” thì xin chừa tui ra. Bởi “chúng ta biết”, còn ông Sara thì không hay biết gì về vụ đó đâu!

Nữa nè:

“Nhưng vấn đề chính là trong thời đại chúng ta đang sống, muốn có tác phẩm lớn, sống được trong lòng độc giả thì cần bốn yếu tố: Tài năng nhà văn, nhà phê bình, độc giả, những người quản lý…

– Chà chà! Đức, Ireland, Nhật… hẳn họ đang thủ trong tay áo “những nhà quản lí” cỡ siêu, thế nên văn học họ mới được như rứa như rứa!

 

[2]. Goethe: Ba yếu tố tạo nên kiệt tác:

– Dân tộc đó có điều lớn lao để nói với nhân loại;

– Có thiên tài để nói điều đó lên bằng một cấu trúc nghệ thuật;

– Và người đó làm việc ở thời kì sung sức nhất.

Quy chiếu ba yếu tố đó qua nhà văn W. Faulkner, ta nhận ra ngay chốc tầm của người đó.

 

[3]. Làm thơ in tập để bạn đọc đón nhận, thì dễ; giật được giải thưởng nào đó, không khó; thậm chí cho người đời thuộc và nhớ, hay vào sách giáo khoa cũng thế.

Khó vạn lần, là văn thơ làm thay đổi dòng chảy văn chương thế giới [như Rimbaud với thơ tự do] dù phải chịu bị người đương thời ruồng rẫy [như Whitman];

khó hơn nữa là văn chương làm bật được tâm thế chủ đạo của con người đương thời [như L’Étranger của Camus, một tiểu thuyết rất mỏng], nhất là loại văn chương dự tri tinh thần con người ở thời đại đang tới [như các tác phẩm của Kafka].

Khi đó, văn chương không còn là kĩ thuật, hay chỉ thuần thuộc trào lưu văn học [ngay mục này thôi nhiều nhà văn Việt Nam vẫn chưa vững], mà ở tầm khác: tầm tư tưởng. Và không chỉ có thế…

 

Kết. Quay trở lại với [1]

– Bạn “có điều lớn lao để nói với nhân loại” không? Có “dự tri” điều gì mới mẻ sắp xảy tới với thế giới không?

– Bạn có “nói điều đó lên bằng một cấu trúc nghệ thuật” siêu đẳng như Faulkner không?

– Để, cuối cùng tác phẩm “lớn”, “đỉnh” ấy của bạn được thế giới đón nhận như thế nào? [chớ mặc cảm ngôn ngữ nhược tiểu hay gì gì, nhé]

Nhớ: Đạo đức thì lương tâm tự lượng giá được, chớ sản phẩm trí tuệ – hãy để [người, dân tộc…] ngoài đánh giá, bạn hén!

 

*

Comment: nhà văn Việt Nam lớn, đỉnh!

Có 2 ý đáng nói:

  1. Bạn bảo: “gần 1.000 năm chiến tranh điêu tàn thì sách vở đã bị phá hủy gần hết 100% rồi”, thì hơi bị… diệu vợi. Ai lại lấy cái không ai thấy, để biện minh!
  2. Còn “Việt Nam có rất nhiều tiểu thuyết gia tầm cỡ nhất thế giới”, thì cần xét 2 điểm:

– “nhiều” thì đã ghê, còn “rất nhiều” nữa thì hơi… gớm!

– “nhất thế giới”: Ta cần đặt nó trên nền tảng giá trị phổ quát để làm hệ quy chiếu đánh giá, mới thấy đâu là nhất, nhì, hay ba… bạn à.

Karun.

 

Gợi ý của Goethe chỉ mang tính “điều kiện”. Mục đích của điều kiện ấy nhằm vào 2 điểm chính mà tác phẩm nghệ thuật lớn cần đạt tới:

  1. Ví dụ về điều LỚN LAO [trong bài]: “Nêu bật tâm thế chủ đạo của con người đương thời [như L’Étranger của Camus, một tiểu thuyết rất mỏng], hay dự tri tinh thần con người ở thời đại đang tới [như các tác phẩm của Kafka]. Là điều khó tìm thấy đáp án từ nhà văn VN.
  2. Và KĨ THUẬT [trong bài]: “cấu trúc nghệ thuật” siêu đẳng như Faulkner”. Đến tiết mục này, thì càng CHƯA.
  3. Còn chuyện ĐÓN NHẬN thì khác rồi. Tác phẩm được độc giả ồ ạt đón nhận chưa hẳn là lớn, đỉnh, bởi rất nhiều thiên tài bị người đương thời nguyền rủa, tẩy chay – ở bất kì đâu hay thời đại nào cũng có.

 

Các nhà văn lưu vong: Solzhenitsyn, Brodski, hay bán lưu vong: Ohan Pamuk, hoặc thay đổi quốc tịch: nhà văn Pháp gốc Hoa: Cao hành Kiện, nhà văn Anh gốc Nhật Kazuo Ishiguro… đều lớn (tạm lấy chuẩn Nobel văn chương).

 

Bài 3.

THÊM VỀ LỚN, ĐỈNH CỦA NHÀ VĂN VIỆT NAM

 

Ở “Giải trí cao cấp”, tôi có dẫn Goethe nêu ba yếu tố tạo nên kiệt tác:

– Dân tộc đó có điều lớn lao để nói với nhân loại;

– Có thiên tài để nói điều đó lên bằng một cấu trúc nghệ thuật;

– Và thiên tài đó làm việc ở thời kì sung sức nhất.

Tiêu đích ba điều kiện ấy hướng tới là tác phẩm nghệ thuật, với: Nội dung lớn mang tính phát hiện, khai phá được thể hiện qua kĩ thuật hàng đầu, mới lạ.

 

  1. Dân tộc Việt Nam sau chiến tranh, có điều gì LỚN LAO để nói với nhân loại? – Có! Lớn và lạ biệt nữa là khác. Bởi chưa có dân tộc nào trải nghiệm chiến tranh kiểu đó; cuộc chiến đến nay vẫn còn chưa chuẩn tên gọi, chiến tranh không chỉ giới hạn trong phạm vi đất nước hình chữ S, mà mang tầm vóc địa cầu.

Vậy có nhà văn Việt Nam nào “nêu bật tâm thế chủ đạo” ở đó, bên cạnh “dự cảm về tinh thần con người ở thời đại đang tới” chưa?

– Chưa! Cả tiểu thuyết được cho là thành công nhất: Nỗi Buồn Chiến Tranh, Bảo Ninh vẫn chưa vươn tới tầm đó, cao vời hơn và thẳm sâu hơn. Đó là chưa nói, nhà văn tài hoa và đẫm tinh thần nhân văn này vẫn chưa vận dụng kĩ thuật hàng đầu, đừng nói chuyện phát kiến kĩ thuật mới với “cấu trúc nghệ thuật” siêu đẳng ảnh hưởng ra thế giới.

 

  1. Tại sao?

Việt Nam có thiên tài không? – Có. Thiên tài này có làm việc ở thời kì sung sức nhất không? – Có. Tạm cho là vậy. Đổi mới, hàng loạt tên tuổi tài năng cùng những tác phẩm sáng giá xuất hiện là minh chứng. Thế rồi những tên tuổi ấy biến đi đâu, sau khi Đảng chỉnh đốn, và nhà văn Nguyên Ngọc rơi đài?

Chuyện Đào Hiếu phản hồi dù lạc đề nhưng không phải không nguyên do chính đáng.

Hôm nay, không ít cây bút vẫn còn mang ảo tưởng về nhà văn Việt Nam “viết hoàn toàn tự do” (Nguyễn Thanh Sơn), cả “sống và viết hoàn toàn tự do” (Vi Thùy Linh). OK, tự do đến thế là cùng!

 

Viết tự do, không sai. Viết, và đăng tự do, cũng đúng luôn. Nhưng tự do SÁNG TẠO để làm gì, nếu nền văn học đó không nhận được sự tự do IN ẤN, XUẤT BẢN?

Tác phẩm đương đại cần được in ra để độc giả [giấy, mạng] đương thời đọc, thảo luận, phê phán. Việt Nam có nhận được một nền PHÊ BÌNH tự do không?

Và đâu là ĐỘC GIẢ của nền văn học đó? Nền văn học lớn hòi hỏi bộ phận độc giả xứng đáng. Ở đó sinh viên là độc giả tiềm năng. Nền giáo dục [khoa văn đại học] hôm nay chuẩn bị gì cho họ? – Không gì cả! Nếu có, luôn là thứ cũ kĩ và lạc hậu.

(xem Inrasara, Văn Chương Tan Rã, Lotus Media, 2019)

 

  1. Còn sự thật, chúng ta nhận được gì? Nhà văn là kẻ lặn xuống tận cùng sự thật để rút tỉa dưỡng chất cho sáng tạo, nhưng sự thật ở đó luôn là sự thật bị ém nhẹm, bị bóp méo, bị đánh tráo. Vụ Hoàng Sa-Trường Sa làm minh chứng nhỡn tiền.

Chất kích thích [người đọc có tầm] cho những nỗ lực: không; cơ hội nhìn lại mình [phê bình tự do] cho sự sáng tạo: không; điều kiện tối thiểu [in ấn tự do] cho đời sống thường nhật: càng không; trong khi đó, nguy hiểm rình rập [cơ chế chính trị] khắp nơi, thì làm sao thiên tài văn chương có thể vùng vẫy?

Nhà văn Việt Nam hôm nay, hỏi ai đủ độ lì, sức mạnh tinh thần đối kháng lại 4 nỗi kia, để kiên nhẫn độc hành trên con đường mù mịt của sáng tạo?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *