Tôi viết tiểu thuyết

1. Từ Con Đường Vô Tận đến Chân Dung Cát

7-Chandung Cat

Từ miền Tây trở về, sạch vốn liếng, ngôi nhà thì đã bán, tôi thành kẻ vô gia cư toàn phần. May, dì Lượng cho gia đình tôi tạm trú ngôi nhà cũ. Tôi lại bắt đầu, với chích heo, bò, và làm hàng sáu (hay hàng xáo). Bà xã mua lúa về, xay – giã thủ công ra gạo, tôi đóng bao thồ xuống Phan Rang bán. Mười cây số không là gì cả, đạp xe ngược nắng với gió [gió như Phan[g] và nắng như Rang] mùa cận Tết mới kinh. Tôi đã phải chiến ba tháng liên tục.

Tối, tôi viết trường thiên tiểu thuyết trên giấy kẻ ngang! 9 tập, dự tính khoảng hai ngàn trang. Tôi đặt tên: Con Đường Vô Tận. Được hai tập, bà xã thuê cửa hàng HTX mở quán. Dù không ưng nhưng ở thế buộc, tôi sang phụ rồi trở thành vai chính lúc nào không hay. Giấc mộng trường thiên tiểu thuyết dang dở theo cách nhảm như thế.

Sau đó cuộc buôn bán cứ cuốn tôi theo, không dứt ra được. Tận khi vào Sài Gòn, ngoài thời gian dành cho từ điển, tôi còn sắm vai người đứng bán hàng và chào hàng. Tôi gần như chỉ có thể làm thơ với viết sách nghiên cứu. Tiểu thuyết thì chịu. Mãi năm 2000, bà xã đi Thụy Sĩ, trông coi thợ làm nhà có giờ rỗi, tôi mới “đọc lại” Con Đường Vô Tận. Và tôi quyết “ném” nó đi. Viết thế không khéo nó thành Chiến Tranh Và Hòa Bình mất!

Tôi phải khác. Tôi quyết định chỉ viết về TÔI thôi. Tôi và thế giới xung quanh tôi, những “chân dung cát”. Chân dung tôi qua, với, và vô số chân dung sinh linh Cham đi qua cuộc đời tôi trong chân dung mênh mông mảnh vụn văn hóa Cham đang vương vãi ở một tỉnh nghèo trong đất nước Việt Nam tan hoang thời hậu chiến.

Tôi cho đó chính là cuộc đời thực, còn lại chỉ là văn chương.

Xong, tôi cất, chuyển sang làm việc khác, thỉnh thoảng lôi ra sửa và sửa. 6 năm sau, Chân Dung Cát mới được nhà Nhã Nam cho ra đời. Đến thời điểm này, tôi cho đây là tác phẩm đáng đọc nhất của tôi.

[Chân Dung Cát, MỤC LỤC: 1. Những nghệ sĩ dân gian, 2. Bản trường ca bỏ hoang hay Huyền thoại nàng Mưhuê, 3. Ngài giáo sư Trần Hùng, 4. Nạn dịch điên và câu chuyện về ông Malâm, 5.Gió cứ thổi qua đồi trọc, 6. Vô danh và vinh quang, 7. Sa đọa, hay Cao Xuân Hoang kẻ vô thần, 8. Cái chòi, 9. Ẩn cư, 10. Sợ hãi, 11. Lai lịch ông Malâm, 12. Phần kết: Hà Vân. Phụ lục: Truyền thuyết làng Mali (bút kí dân tộc học của ngài giáo sư Trần Hùng)]

Phương Thủy (báo Văn nghệ, số 32, 12-8-2006) nhận định:

“Giọng điệu trong Chân Dung Cát là một sự sáng tạo phong phú và hấp dẫn. Trong một tác phẩm chứa đựng kiến thức văn hóa sâu rộng, Inrasara vẫn sử dụng thành công ngôn ngữ văn học hài hước, châm biếm mà đậm chất thơ. Người kể chuyện đã thể hiện một cái nhìn thấu hiểu, trước số phận những con người xuất hiện trong tác phẩm – một cái nhìn mỉa mai, khi thương cảm, khi âu lo… Tất cả tạo nên cho Chân Dung Cát một giọng điệu linh hoạt, luôn luôn biến đổi, giúp người đọc nhận ra được một chủ đề sáng tạo rất sắc sảo và điêu luyện trong cách sử dụng ngôn từ.

Chân Dung Cát thực sự đã cho thấy khả năng sáng tạo của Inrasara. Điều làm người ta sẽ không bao giờ có thể phủ nhận được, cũng là điều khiến cho độc giả phải nhớ mãi về Chân Dung Cát chính là sự công phu của tác giả trong việc lựa chọn cho tiểu thuyết của mình một hệ thống ngôn ngữ và hình thức kết cấu mới lạ, giúp tác phẩm thoát khỏi sự trùng lặp để đứng riêng thành một chỉnh thể độc đáo.”

11-Hangma Kyuc

2. Hàng Mã Kí Ức vẫn là hàng mã

Sang Hàng Mã Kí Ức, tôi lại khác nữa.

Không còn “nhân vật” tiểu thuyết nào có mặt ở đây, mà chỉ có TÔI. Tôi với kí ức rơi rớt và khúc xạ. Tôi và gia đình tôi, tôi trong tương quan với những con người thực Cham, tôi và văn học, ngôn ngữ Cham, tháp Chàm và Ma Hời, sáng tác và nghiên cứu Cham, tinh thần Cham và lịch sử Champa, nỗi niềm Cham và minh triết Cham… Mỗi chương như thể một tiểu luận dân tộc học qua con mắt người kể chuyện sống trong và cùng với cộng đồng đó.

Viết Hàng Mã Kí Ức, tôi quyết loại bỏ sự cố ý làm phức tạp vấn đề. Tôi để sự việc diễn ra giản đơn nhất có thể, nên trật tự thời gian được tuân thủ khá chặt chẽ. Giữa các chương hay trong mỗi chương. Phức tạp chăng là sự có mặt nhiều thể loại cùng lúc, là điều khó tránh trong nỗ lực làm lộ bày bản chất sự việc hay tính cách các nhân vật. Có chương được viết như hồi kí (“Cha, mẹ, anh chị em & Con sông quê hương”), chương có thể đọc như tiểu luận (“Bốn cứu cánh của đạo sĩ Bà-la-môn & thơ”) hay tùy bút văn học (“Thơ như là con đường”)… Các thể loại khác nhau xuất hiện đầy ngẫu hứng, qua một giọng kể xuyên suốt là giọng phi nghiêm cẩn.

Tôi ngày càng nhận ra rằng khó có thể kể chuyện một cách nghiêm túc được. Dù là chuyện tốt hay xấu, hay hoặc dở, buồn hay vui, khôi hài hay rất mực nghiêm túc đi thế nào chăng nữa, cũng vậy.

Tôi cố gắng kể thật nhất có thể. Nhưng tôi vẫn xem nó, và cho độc giả coi nó như thứ “hàng mã”. Tại sao? Hàng giả là thứ không phải thật mà làm ra vẻ giống thật để mang giá trị như đồ thật, làm ra với mục đích đánh lừa kẻ không biết. Trong khi “mã” cũng là “đồ giả” ai cũng biết là giả, nhưng vẫn chấp nhận nó, ở cả hai phía: người làm ra và người tiêu thụ. Ở Hàng Mã Kí c, tôi – với tư cách kẻ làm ra – biết kí ức tôi được thể hiện qua con chữ của tôi chỉ là đồ giả, tôi nhìn nhận nó giả, và tôi không ý đồ đánh lừa người đọc – với tư cách kẻ tiêu thụ – rằng nó là đồ thật.

Bản thảo Hàng Mã Kí c xong từ tháng 9-2008. Cõi Người Ma là tên đầu tiên của tác phẩm văn xuôi này, bên cạnh tiểu đề “Tự sự h[ậu h]iện đại”. Sau đó tôi đổi thành Thằng Trạm Mát gồm 15 chương chia làm 2 phần: 1. về tâm hồn con người Chăm và tinh thần văn hóa Chăm; 2. về tinh thần văn học Việt Nam đương đại. Sau đó xem lại, tôi quyết cắt bỏ phần hai, đổi tên thành Hàng Mã Kí c, kèm theo tiểu đề: “tiểu thuyết”.

Có hai nhà xuất bản chịu in nó, với điều kiện cắt và cắt… Riêng nhà Văn học chịu chơi, chấp nhận tất. Có chăng, Cty Sách Phương Nam đã “hiệp thương” tôi bỏ 3 đoạn khá… gây cấn.

[Hàng Mã Kí Ức – MỤC LỤC: Vào tr[ch]uyện… 1. Cha, mẹ, anh chị em & Con sông quê hương, 2. Những đứa con của Đất & Cuộc trần gian, 3. Đi – như là ở lại, 4. Chuyện chữ, 5. Tinh thần ‘tùy tiện’ Chăm & thông điệp Glơng Anak, 6. Lịch sử như là mớ hổ lốn, 7. Thế hệ chuyển tiếp, 8. Ma Hời, 9. Chăm – đau khổ, kiêu hãnh & bí ẩn, 10. Bốn cứu cánh của đạo sĩ Bà-la-môn & thơ, 11. Vượt qua cô đơn sử tính, 12. Thơ như là con đường]

Lê Việt Hà (ý kiến tại Buổi ra mắt Hàng Mã Kí Ức, TPHCM, 21-5-2011):

“Lối viết của Inrasara dung dị, giàu màu sắc uy-mua, giọng văn khinh khoái với cái nhìn đa chiều, qua tinh thần rất hậu hiện đại, tất cả nhẹ như không… rất phù hợp với chủ đề tác phẩm để nhằm khắc tạc hình tượng “thằng Trạm mát” lạc lõng giữa cuộc sống xô bồ, tỉnh giữa thiên hạ say. Tự nhận mình là “mát” nhưng những việc Trạm làm đầy lương tâm, trách nhiệm với cộng đồng, dân tộc. Giá chi có thêm nhiều kẻ mát như thế để thiên hạ nhờ!”

 

 

3. TCHERFUNITH, cứ như thể một tác phẩm hiện thực

Dự án Nhà máy Điện Hạt nhân Ninh Thuận rục rịch, tôi biết. Để biết rõ nó ra sao, tôi đã phải đọc vài trăm bài viết của các chuyên gia và trí thức về ĐHN, cả trong lẫn ngoài nước. Dự án được Quốc Hội thông qua, trí thức các nơi lên tiếng, dư luận Cham hoang mang. Tôi lắng nghe và, thấu hiểu. Tôi trả lời phỏng vấn, viết bài, rồi mở hai đợt thảo luận trên website Inrasara.com. Và hứng thú viết… tiểu thuyết.

Dự Trại Sáng tác tại Tuy Hòa, tôi đóng cửa viết nó trong 14 ngày liên tù tì. Trại kết thúc thì tôi cũng vừa xong: Tchernobyl + Fukushima + Ninh Thuận = TCHERFUNITH. Dự cảm mơ hồ về một định mệnh nào đó không biết được.

Tiểu thuyết động chạm đến đề tài nóng về một thời sự nóng đang xảy ra, thì nó đích thị tác phẩm hiện thực không chạy vào đâu được. TCHERFUNITH chưa ra đời mà đã nổi tiếng, là thế. Báo Thể thao & Văn hóa đưa tin, báo Sài Gòn Tiếp thị (“Nhà thơ Inrasara bị điện hạt nhân làm “chấn động” tác phẩm”) và Đài RFA (“Tcherfunith, một tác phẩm xã hội mang tính hiện thực”) phỏng vấn. Ba nhà xuất bản tìm đến. Tìm đến, đọc, rồi một đi không trở lại. Cả vài nhà trách nhiệm với Dự án cũng mong liếc qua nó, để biết nó xanh đỏ ra sao.

Tôi nói, các bác chớ cả lo, TCHERFUNITH không phải là cuốn sách chống Dự án. Chống, tôi viết báo hay trả lời phỏng vấn, chứ làm văn chương mà chi cho khổ. Khổ, vì nó tiêu tốn nhiều thời gian tôi đã đành; nó cũng không tác động gì đến độc giả cả, lắm lúc họ còn hiểu sai hay hiểu lầm nữa. Kém hiệu quả ngàn lần hơn một bài báo một tiếng viết, mà chỉ mất dăm phút đọc. Tôi không đến nỗi khờ khạo đi làm chuyện đó.

Văn chương không làm điều ngu ngốc đó. TCHERFUNITH là tiểu thuyết phi hiện thực. Phi hiện thực với 1. Thằng Hoang, 2. Nhật kí của kẻ bị săn đuổi, 3. Đứa con Kanh Cụ, 4. Ghi chép dân tộc học của Mai Văn Kuan, 5. Tcherfunith, 6. Lai lịch T’maung và 7. Vĩ thanh 1 & Vĩ thanh 2; ngoài ra nó còn có cả Phụ lục: Thơ Mai Văn Kuan nữa.

Ở đó chỉ có những sinh linh Cham phản ứng khác nhau trước [khi Dự án được thông qua], trong [lúc Nhà máy ĐHN đang thi công] và sau [khi nó xì] sự thể. Những suy nghĩ phi thực và phản ứng rất thiếu thực tế. Vậy mà các bác cứ đòi tác phẩm văn chương phải bám hiện thực! Nó không [muốn, thể] bám hiện thực thì làm gì có chuyện tác động hay chẳng đến đông đảo quần chúng rộng lớn.

4. Palei Có Gì Lạ Không Em?

 

Tiểu thuyết thứ năm: Palei Có Gì Lạ Không Em? là tác phẩm văn chương mở. Được gợi hứng từ cách làm của Nguyễn Viện: “Em có gì bí mật, hãy mail cho anh” và từ câu thơ Nguyên Sa: “Paris có gì lạ không em?”, tôi viết. Mỗi ngày một chương, đăng liên tục trên Inrasara.com. Ở đó bạn đọc có thể bước thẳng vào bên trong tiểu thuyết, đọc, cảm nhận và bình luận – tùy thích. Nếu có hứng, các bạn cũng có thể trở thành đồng tác giả, để cùng người khởi xướng làm trương nở cuốn sách đến mức tối đa. Thực tế, họ đã nhập cuộc. Tôi đưa cả những phản hồi này vào tiểu thuyết.

18 ngày liên tục, mãi về quê, khi không còn gì “lạ” nữa, tôi mất và cụt hứng. Cụt hứng, tôi sắp xếp lại, thấy tiểu thuyết là cả mớ tư liệu hỗn độn nhưng – cực kì phong phú.

[MỤC LỤC: Phần I. 1. Trung tâm Văn hóa Chăm có kết nối cộng đồng?, 2. Người nữ mẫu hệ phiêu bạt & mối tình của Mây kể lại, 3. Apsara, nàng thánh thiện hay nhục dục?, 4. Ứng xử văn hóa với di tích văn hóa, 5. Sinh mệnh Tagalau, 6. Đại nạn Email nặc danh & bí quyết rũ bỏ nó của nhà thơ Inrasara, 7. Dường như bà con ta hết sợ Điện Hạt nhân rồi, anh yêu ơi, 8. Chuyện tình anh & em

Chuyển tiếp

Phần II. 1. Về quê với em, 2. Chân dung nhà hoạch định tương lai, 3. Hôm nay đám thiêu Cả sư, anh ạ, 4. Hội trại sinh viên, học làm quen với bất an đi là vừa, 5. Quyền theo và không theo chủ nghĩa tùy tiện, 6. Triết lí tiền lẻ, 7. Chuyện tình của Mây, 8. Huyền thoại Apsara trắng, [Chi chú [phản, phi] văn hóa: Chàm giả, Chàm gian & chó săn], 9. Huyền thoại Apsara trắng 2; 10. Những con cờ tàn.

Phần III. Câu chuyện của ông Tùng

Đến đây, ‘Câu chuyên của ông Tùng” tưởng là phần gây cấn nhất, không ngờ – về, câu chuyện bị đứt, không thể chắp mạch được. Đành chịu, tôi ngưng hẳn tiểu thuyết.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *