Sẽ bật lên
tiếng thơ đến sau tiếng thơ cuối cùng
hơi thơ dài lâu nén dồn lồng ngực
sẽ bật lên
hạt mầm vùi sâu hơn hạt mầm vùi sâu nhất
sau trận mưa tháng năm
rì rào cho đời khúc hát xanh.
(Hành hương em, 1999)
Gọi là “biết” một vấn đề nào đó, có nghĩa là làm chủ tri thức về nó, hơn thế – có khả năng giảng giải và biện giải về nó. Là điều khó. Thế nên, không biết [một vấn đề nào đó] không có gì phải xấu hổ cả.
Khổng Tử: Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã. Biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, vậy mới thật là biết.
Người khôn biết mười nói một, còn kẻ khờ thì ngược lại. Câu chuyện anh tài xế Einstein là điển hình tiên tiến, rất đáng được kể lại.
Câu chuyện
Thuyết tương đối ra đời, rền tiếng. Einstein được mời thuyết giảng khắp ĐH Mỹ. Tài xế thâm niên tháp tùng ông, dĩ nhiên. Ông thuyết, anh chàng ngồi hàng ghế cuối, chờ và nghe. Nghe đến thuộc lòng không sai dấu chấm, phẩy.
– Sao hôm nào ngài cũng nói mỗi thứ thế, – anh hỏi – kiểu vậy tôi cũng nói được, phiền gì đến ngài.
– Ôi, tuyệt quá! – Einstein kêu lên, tuần tới tôi có bài giảng ở Dartmouth. Ở đó họ không biết mặt tôi, anh thuyết thay tôi nhé!
Và rồi như thần, anh tài ấy đã đóng vai hoàn hảo. Vừa rời giảng đường, một nghiên cứu sinh chặn đường “Einstein”, hỏi về một mắc mứu của phương trình. Sau vài giây bối rối, anh chàng thản nhiên trả lời [tài xế nhà bác học, lanh trí chớ bộ]: – Dễ ợt à, phiền chi tôi, để tôi kêu tài xế tôi giúp bạn. Và anh chàng ngoắc “tài xế” lại…
“Vụ CG mù tịt về Lí thuyết Trò chơi mà cả gan tán nhảm để phê phán luận án Tiến sĩ của Trần Ngọc Hiếu – luận án lấy Lí thuyết Trò chơi làm nền tảng khảo cứu thơ ngoại vi Việt đương đại – đăng mấy số liên tục trên báo Văn nghệ Thành phố tháng 7-2015 vừa qua đã làm trò cười cho thiên hạ, thì ai cũng biết. Đó là loại phê bình liều lĩnh đến liều mạng.
Sinh hoạt văn học ta đâu đó cũng nảy nòi loại phê bình này, dù nhẹ đô hơn. Ở Tienve.org vào đầu tháng 7-2015, nữ sĩ KP viết đầy liều lĩnh, rằng:
“Cám ơn bạn đã đưa ra cho tôi và độc giả một định nghĩa rất lạ tai mà buồn cười “nhà phê bình thực hành”
rồi mỉa: “nhất định phải tìm cho bằng được một cái phòng thí nghiệm nào đó để gieo cấy các hiện tượng…”.
Practical Criticism, Practical Critic đã có mặt trong từ điển thuật ngữ văn học từ lâu; còn trong tiếng Việt, đã có vài nhà phê bình xài rồi mà nhà này không biết. Không biết thì hỏi, nhưng lại tư thế mỉa người khác, là liều hết thuốc chữa”.
(trích: Từ Sa Mạc Chữ Đến Đô Thị Văn Chương, sắp xuất bản)