Thi sĩ còm thôi còn vọng trăng sao
Mãi lúi húi ao đầm cõi đất
(Sinh nhật cây xương rồng, 1997)
Câu chuyện
Chiều. T. vẫn ngồi câu chỗ cũ bên mương con. Q. vác chà-leng đi qua, hỏi:
– Xế giờ được nhiêu rồi?
– Hai rô con, – T. nói.
– Trời đất! Cái mương bé tí, mi đắp đầu này chặn đầu nọ, xách thùng tát xíu là xong. Vừa nhanh vừa chắc ăn, sao lại ngồi phơi nắng cho nhọc thân thế chứ…
– Nói vậy khác gì đi hỏi thi sĩ, có câu chuyện hay, sao không viết báo, vừa ngắn vừa gọn với chắc cú đi, lại ngồi làm thơ…
*
Trong khí hậu tinh thần văn chương Việt Nam đương thời, khi đại bộ phận nhà thơ quẩn quanh vùng bản năng với sáng tác phi lí thuyết, thì việc đề cập đến các chủ nghĩa là cần; khi đa số phê bình mãi dừng lại ở phê bình ấn tượng đầy cảm tính, thì phần việc của phê bình lập biên bản là kéo nhận định đến sát thực với văn bản để đảm bảo tính khoa học hơn; khi số đông còn quan niệm tác giả – tác phẩm xuất hiện chính thống mới là văn chương, thì nhấn vào văn chương và nhà văn ngoại biên là nhằm đánh tan định kiến và mặc cảm tệ hại, qua đó mọi hình thức và trào lưu văn chương đề huề có mặt; khi văn học còn vướng kẹt, tù túng trong hệ mĩ học cũ, thì sự phá cách [và phá phách] phải được xiển dương trước nhất; và khi sự phá phách có nguy cơ dẫn đến hư vô chủ nghĩa, thì tinh thần hậu hiện đại đòi hỏi trách nhiệm công dân, tại đó tính thời sự trong sáng tác hậu hiện đại là một; cuối cùng khi những đầu óc bảo thủ còn nghi ngại sự mất gốc lai căn của hậu hiện đại, thì việc nêu bật những nét tương đồng giữa tính hậu hiện đại và truyền thống Việt Nam không phải là không cần thiết.
Tất cả chúng đều là phương tiện thiện xảo, như thể một quá độ thiết yếu.
(Song thoại với cái mới, 2008)