Inrasara: YUT ĐẢO CỦA TÔI

“Nay tôi khóc bạn/ Mai ai khóc tôi…” (?)

Anh Đạm, anh ruột vừa là người bạn thân mất, tôi không khóc. Anh Hàm Bộ, anh họ và là guru của tôi mất, tôi không khóc. Trà, tôi xem còn hơn người bạn mất bất đắc kì tử, tôi cũng không khóc. Vậy mà tin yut Đảo mất, tôi khóc.

Họ là 4 người thân thiết, mỗi bận từ Sài Gòn về, ngoài nhà cha mẹ, tôi không thể không ghé họ. Tâm tình có, lí sự có, tán chuyện bao đồng cũng xong. Nhưng rồi lần lượt Bà Trời bắt họ đi, tuần tự một. Thế là từ nay tôi hết đàng trú thân…

Mới vài ngày trước tôi có stt “Giữa lòng Cham, tôi mãi mãi là sinh linh cô đơn”. Hôm nay, tôi không còn cô đơn nữa, mà CÔ ĐỘC đúng nghĩa đen. Làm chi nên nỗi mà Bà Trời hành tôi quái lạ thế chứ

Yut Đảo mất, buồn đến nát mật. Tôi nghĩ mình chẳng hơi sức đâu mà kể, dù kỉ niệm đẹp tới đâu đi nữa. Nhưng rồi tình bạn thức dậy và khuấy động trong tôi buộc tôi nén lòng mình mà viết. Viết để nhớ lại… Dường như sứ mệnh chính của con người trên mặt đất này là nhớ, Henri Miller nói thế?

Yut Đảo là con người mô phạm thập thành, nên câu chuyện tôi kể cũng rất ư mô phạm.

1.

Vào Trung học An Phước ở Phú Nhuận, đám trẻ nhà quê chúng tôi đi xe lam ra Phan Rang, từ Phan Rang đón xe lên Tháp Chàm, rồi cuốc bộ qua trường. Trên chuyến xe phố chợ đầu đời ấy, anh em Mão+Đảo ngồi phía đối diện anh em tôi: Đạm+Trạm. Tôi trỏ họ: “Ôi, cứ như đúc cùng lò ra ấy”, rồi quay sang anh Đạm, cười toe toét.

Anh Mão trỏ tôi, hỏi lại: anh em ruột à? Vậy thôi, hai tôi quen nhau.

Đệ Thất, Đảo vào lớp Pháp văn cùng tôi, Đạt, Xoài. Bốn đứa bé nhất lớp nên luôn bị xếp ngồi bàn đầu. Những năm Trung học, bao nhiêu là kỉ niệm thơ mộng thời học trò nghịch ngợm. Sáu năm đó, tuổi trẻ tôi ưa lang thang qua các palei Cham. Nếu ở Pabblap tôi tạm trú nhà Đạt, thì Hamu Tanran chắc chắn là nhà Đảo. Hai đứa là em út trong nhà, qua đó tôi hưởng sái sự chiều chuộng từ mấy bà chị. Không khác đứa em ruột rà.

Tôi, Đạt, Đảo thuộc hàng xuất sắc, thế nên dù bao trắc trở thuở đầu những năm sau “giải phóng”, cả ba cùng có mặt ở Đại học Sài Gòn sau đó.

 

Trích tiểu thuyết: Hàng Mã Kí Ức (2011):

“… bỏ giảng đường, tôi bán hết tem phiếu tháng để mua sách. Mỗi chiều la cà khu sách cũ đường Kí Con, đọc xong mang đổi sách mới. Cứ thế. Qua ăn nhờ yut bạn Đảo ở cư xá Đại học Dự bị đường Nguyễn Chí Thanh. Cơm sinh viên cuối những năm 1970, một xuất cho phần ăn đã đói meo rồi, vậy mà tôi qua ăn ké ba tháng trời. Yut hiểu, cứ cho ăn ké, ngủ ké. Vài tuần tôi dong về quê rinh vào mớ ba mớ bảy mấy thứ ăn bù! Năm sau, yut dính vụ vượt biên, bị bắt ngay trong Trường. Vượt biên, với người khác thì chưa đầy năm đã thả, vậy mà cánh bạn tôi bị nghi chánh trị chánh em, ngồi nhà mát đến bốn năm rưỡi!”

 

Trích bút kí “Thằng Trạm Mát”:

“Lưu lạc Nha Trang rồi Ninh Chữ hết một năm, tôi quy hồi cố quận. Tóc rụng nhiều. Thân hình trẻ trai săn chắc trở nên rệu rã, phờ phạc. Tôi vô tình quá đỗi, đã không đến thăm gia đình các bạn dù chỉ để gọi là an ủi nhau trong cơn hoạn nạn. Tưởng mình muộn, nhưng không. Tôi là kẻ sớm nhất. Và hầu như là duy nhất. Tôi lên Hữu Đức ngồi cả buổi để nghe Huyền Hoa than vãn về khối “bạn cũ Jamok bỏ rơi nó”. Cơm trưa với anh xong, lại hối hả lội bộ xuống Cwah Patih ghé thăm mẹ Ngạt. Dì khóc. Tôi ngủ lại với dì tối đó. Sáng tinh mơ, tôi ngược lên Phước Nhơn thăm mẹ Thoảng… Từ đó, mỗi tháng tôi dành một buổi ngồi với các mẹ. Rồi khi Cẩn ra trại, tôi qua lại nhà yut ăn, ngủ.”

 

3.

Mà thuở ấy chúng tôi làm “chánh trị” thật.

Nhóm sinh viên Cham Sài Gòn khi ấy chưa tới 20 mạng, có đến 80% thuộc hàng xuất sắc. Mỗi cuối tuần, các bạn đạp xe qua khu trọ bạn nào chưa biết Akhar thrah, dạy theo điệu một kèm một. Chủ trương nói harat tiếng mẹ đẻ, tuyệt không “độn” tiếng Jơk. Từ nào chưa biết cứ dịch đại đi, dịch không nổi thì vận dụng thành ngữ của yut Châu Văn Thủ: “Yau panôic Jơk laic… Như tiếng Việt nói…”.

Nhóm sinh viên còn ra đặc san “Jalan Tal Vijaya” nữa. Ở đó yut Đảo chữ Cham đẹp được nhóm phân công lo cày. Đến số thứ hai thì cả đám bị tó! Nhiệt tình và quá khích có thừa, thế nên về vụ yut Đảo với cô Vân nữ sinh viên Việt nào đó làm thơ in chung tập như Amuchandra Luu đưa tin thì dường nhóm chúng tôi chẳng ai hay.

Nam nữ ở tuổi ấy qua lại, tình cảm nẩy sinh là thường tình. Không tránh được thì phải giấu tịt thôi. Đâu có thoáng như sinh viên Cham hiện tại. Mắc tai nạn tình kiểu ấy, biết chuyện, “Trung ương” chúng tôi mang ra kiểm điểm thì… toi!

Nỗi ngây thơ chánh trị cộng thêm món tinh thần dân tộc đầy lửa của tuổi trẻ khó thoát con mắt cú vọ của an ninh CS. Thế là mời mấy cụ về nhà đá tạm trú. Tài năng cả một thế hệ trẻ Cham bị thiêu trụi sau cánh cửa xà lim. Số còn lại thì “bạn bè dăm đứa hắt hiu cuối trời”.

 

Kẻ có tài chớ lo thiếu đất đứng dù sống bất kì xã hội nào. Sau trận tù, Can Quang, Ngạt, Đảo đều thành đạt theo mộng ước riêng. Đảo vào Cao đẳng về dạy cấp Hai, sau lên chức Hiệu phó trường Xã. Kẻ mang thân lika likeh phấn đấu đến đó, là ghơh rồi. Hợp ý hướng yut nữa. Thì đùng cái,

Ban Biên soạn sách chữ Chăm thiếu chuyên gia. Mà rành chuyên môn cỡ như yut Đảo là hàng hiếm. Cộng đồng đòi hỏi, yut muốn cống hiến, nhưng gia đình đã ổn định rồi làm sao đây? Từ quê “lên” Phan Rang, khoản lương chức vụ bị cắt đã đành, cả tiền phụ thu vùng sâu vùng xa cũng bị dẹp. Hiểu ý bạn, tôi hỏi:

– Yut cần gì nào?

– M’Sướng ước cái máy may, tạo công ăn việc làm cho mẹ nó ở nhà, mình an tâm đi…

Tôi đáp ứng đủ đầy: máy may, với lỉnh kỉnh vải vóc cùng mấy thứ linh tinh…

Yut Đảo về Ban, và bằng tháo vát học được từ nhà tù CS, đời rồi cũng tạm ổn.

 

5.

Nhắc vụ trên để biết rằng yut không tham. Yut có thể yêu cầu nhiều hơn, và tôi chắc chắn đáp ứng tốt hơn – dù tôi không dính gì đến chuyện yut về chốn ấy, nhưng không.

Như thuở mới ra tù, vụ này tôi kể rồi, chỉ xin nhắc lại. Lúc ấy trong tay tôi cả khối tư liệu về văn học Cham. Muốn rảnh nợ để tập trung vào sáng tác, hai lần tôi gợi ý biếu tất cả cho yut khai thác, cả hai bận yut đều lắc.

Hay sau này, làm Tổng tập Văn học Cham (10 tập), tôi có ý dành cho yut tập Damnưy Cham. Trong tay tôi hòm hòm non phân nửa, tôi nghĩ nếu yut muốn, thì có được tác phẩm ngon lành dễ như trở bàn tay. Lạ không? Chẳng những yut từ chối, mà còn giúp tôi trở lại, về tư liệu, về đọc chỉnh sửa!

Tôi không cho những người “nhận” của ấy là tham, mà ngược lại: Tôi cần cảm ơn, nếu ai kia chịu tiếp sức tôi làm công việc “dôi thừa” đó.

[Cũng xin nói thêm: Khi yut bị nạn, tôi và Jaya 2 lần yêu cầu người nhà cho phép thông tin để bà con hỗ trợ, – người từng cống hiến như yut với lại Sara kêu gọi thì miễn nói rồi, nhưng như tinh thần yut, gia đình yut xin kiếu.]

 

6.

Yut Đảo làm gì? Thực sự yut không muốn làm gì cả! Đúng hơn, yut không ham nỗi chi khác, ngoài dạy học, và truyền bá tiếng/ chữ Cham cho con em Cham.

Góp công cho Tagalau, thiếu thơ tiếng Cham, tôi kêu, yut đáp. Như thể một trả bài, cho dù: “tiếng Chăm đạt đến độ nhuần nhị hiếm có, Jaya Hamu Tanran hướng ưu tư về ngôn ngữ và chữ viết, về tương lai thế hệ trẻ, về đoàn kết dân tộc” (trích Inrasara, Nhập cuộc về hướng Mở, 2014).

Cạnh đó yut Đảo âm thầm làm công tác quần chúng cho Tagalau: Gom, chỉnh bài, và cả phát hành Tagalau nữa. Nghĩa là không từ nan bất kì gì ông bạn chủ biên yêu cầu.

Yut Đảo hòa nhã, vui vẻ, và dễ gần. Gom anh chị em cùng khóa ở Pô-Klong ngồi chung với nhau là điều không phải dễ làm. Yut làm được. Và làm qua nhiều năm – cực tốt.

Thêm chuyện nhí về một bạn học. Một bạn học xưa sau này ra đời chuyên gia chống Sara. Gì cũng chống. Tôi chả làm gì ấy cũng chống. Rượu vào là chưởi. Không rượu vào lời cũng ra thành chưởi. Một bận yut Đảo kêu: Sara có thể gặp bạn ấy không? – Được quá đi chứ, tôi nói. – Bạn ấy cũng muốn hai bên làm lành mà. – Một bên thôi, tôi đùa, bởi mình chưa hề có một từ không hay về ấy. Thế là hai tôi đi qua nhà ấy. Để rồi, vừa mở cửa ngó thấy mặt tôi, là ấy núp. Núp, để không bao giờ còn cơ hội lành lặn nữa.

 

7.

Yut Đảo và tôi.

Chắc chắn yut Đảo là bạn gần gũi và tốt nhất đời tôi, từ buổi đầu tiên đến giây phút cuối cùng của đời yut trên trần gian này. [Dĩ nhiên tôi cũng có vài bạn thân khác, tiếc là do hoàn cảnh, nên ít gần gũi]

Bạn bè ganh nhau, xấu nhau sau lưng là chuyện thường tình ở cuộc người, không vấn đề gì cả, riêng yut Đảo tuyệt đối: không! Thế nên, thu lượm được thành tích gì ngoài trần gian muôn màu – ở đó có lĩnh vực yut ít quan tâm hay không rành, – yut thuộc số ít người đầu tiên tôi tin cho hay mà không sợ tiếng khoe khoang.

Tôi có tật mỗi bản thảo sách hay bài viết sắp cho ra đời đều đưa cho 3-4 mạng đọc góp ý trước, yut Đảo là một trong những. Và yut gần như là người duy nhất chịu đọc hết, đọc kĩ, và viết ra giấy cẩn thận ý kiến riêng. Luôn là những ý đáng xét!

Yut đứng về phía tôi ở mọi cuộc đấu [với ngoài], cho dù do mang thân lika likeh, thêm vai trò mô phạm trong nhà trường XHCN, yut chỉ có thể ủng hộ về tinh thần và ý kiến. Chớ mấy “bạn” khác tránh ông Sara như tránh hủi thì sao!

 

*

Thế giới Cham hiện đại, trong con mắt riêng tôi – Jaya Hamu Tanran là một nhân cách toàn diện theo nghĩa đẹp nhất của từ này.

Với tư cách con người, yut Đảo đa tài nhưng cực kì khiêm tốn; tài năng, nhiệt tâm, lành tính và hòa nhã tụ trong một sinh linh, là điều hiếm;

Với văn hóa Cham, yut vừa là người bảo tồn [Akhar thrah, và…] vừa là kẻ sáng tạo [thơ tiếng Cham];

Với tư cách người làm giáo dục, yut là một nhà giáo mẫu mực: Tận tâm, ân cần, vui vẻ;

Như là một sinh linh Cham, yut góp tiếng nói gom vào chứ không phát ngôn chia xé ra; yut như thể cán cân cân bằng giữa các lực, không bên này không bên kia trong các cuộc đấu đá;

Và điều không thể không nói: Yut là một người cha, một người chồng, một chủ gia mẫu mực.

 

Con người ấy với nhân cách ấy đã từng đóng góp cho cộng đồng; và hứa hẹn còn nhiều đóng góp khác nữa, ở ngày mai. Nhưng…

Yut đã đi xa, guồng máy Cham vừa rơi mất một bộ phận thiết yếu;

và tôi mất đi người bạn quý nhất đời. Buồn không!

 

Baigor, 15-4-2019

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *