Trưa nay rỗi, tôi nghe livestream (16-3-2019) của ông anh họ Luu Van Phu, gặp đoạn đề cập đến mình. Kỉ niệm được xới lại, buồn vui lẫn lộn, xin giãi bày cùng bà con.
Trước hết xin cảm ơn ông anh, tiếp đến cảm ơn “thằng em” là bs. Lai. Tôi cho chữ “thằng em” trong ngoặc kép [dù bạn đã lục tuần], để biết chúng tôi thân thiết nhau đến nỗi có thể bỗ bã mà không chút gợn, ngoặc kép là dành cho người đọc.
Bs. Lai là em cột chèo của Trà, nhà chung khuôn viên. Những khi tôi đến Trà, “thằng em” hay ghé đến ngồi… nghe. Trong các khách của Trà, theo lời kể, bs. Lai chú ý ông anh Sara nhất. [Bs. Lai hay kêu “nói gì nói anh Sara là số 1”]. Bs. Lai nhận xét về hai ông anh, có thể tóm như sau:
Sara & Trà chỉ giống nhau 2 thứ: đồng hương và cùng tuổi, còn lại khác biệt tất tần tật, khác từ số 1 đến số 10, vậy mà trong thời gian dài hai anh sống với nhau RẤT ĐƯỢC, VÀ RẤT ĐẸP.
Thể hình khác biệt đã đành, khác biệt cả tính tình, tính cách cho đến ngôn từ.
Tính: Trà trực tính, đen trắng rõ ràng/ Sara điềm tĩnh, luôn tìm cách giải minh phải trái
Lời: Trà bốc đồng, quyết liệt / Sara ôn tồn, uyển chuyển
Văn: Trà cảm tính và viết những gì mình cảm nghiệm/ Sara ngược lại, duy lí và đầy tính lịch sử. Và do không rành nhiều về thơ, nên bs. Lai hơi lệch xíu, như: Thơ: người truyền thống và lãng mạn/ người thì luôn hiện đại.
Đó là nhận xét CHÂN THÀNH của một “trí thức” có vai vế trong cộng đồng, gần gũi và hiểu hai ông anh: Trà & Sara. Ừ, thì cảm nhận riêng, và được kể lại, ở đó bs Lai nhấn:
Họ luôn tìm đến nhau, đưa vấn đề xã hội ra bàn, dù ý kiến rất khác biệt, cuối cùng cả hai luôn tốt lành, vui vẻ. Đó là điều bạn muốn học hỏi mà không được, và khuyên thế hệ trẻ Cham nếu ai biết/ hiểu họ, cần học ở 2 sinh linh Cham này. Hành xử đẹp, đẹp từ đầu cho đến cuối.
Bs. Lai thêm, bạn nói là nói cho xã hội, chứ không nói vì tình riêng.
Ahei! Chính vì xã hội, nên tôi có ý kiến nhỏ bổ sung.
Về nhiều vấn đề cộng đồng, quan điểm hai chúng tôi RẤT ÍT khác biệt, khác chăng là ở TÍNH CÁCH, từ tính cách dẫn đến khác biệt về CÁCH BIỂU HIỆN, như đã nêu.
Phần tôi, LẮNG NGHE & THẤU HIỂU tính cách của bạn, tôi luôn NHÂN NHƯỢNG khi thấy không khí có vẻ căng. Nhân nhượng để thắng trận [chung] cuối cùng. Đó chính là bí quyết, nếu muốn nói thế!
Còn hôm nay, nếu được phép có lời khuyên tới thế hệ Cham đi tới, tôi chỉ có 2 chữ: BIẾT NHÂN NHƯỢNG [Việt: Một sự nhịn chín sự lành], và TRÁNH LÀM TỔN THƯƠNG nhau.
Lần nữa, likau karun & thug siam!