Người cư ngụ dưới căn nhà tồi tàn
trước ngọn đèn tồi tàn, người suy tưởng
về sự thống khổ bần hàn trong thế giới bần cùng
giàu sang là nẻo đường rừng người đi buổi sớm.
(“Con đường vỡ”, Hành hương em, 1999)
Câu chuyện
Ở quê, tôi thường xuyên giới thiệu nhà văn, trí thức Việt đến gặp các nhân vật Chăm. Để hiểu biết lẫn nhau. Chiều nọ, một nhà thơ nữ trẻ sau cuộc viếng trở về than phiền:
– Em vừa gặp một vĩ nhân Cham! Ông Sara này lạ, vĩ nhân cỡ đó em đụng phải cả đống ở Hà Nội rồi…
– Là sao? – tôi hỏi.
– Thì ông cứ cho mình số một Cham. Mà có riêng của Cham đâu…
Tôi nói dễ lắm, em cứ làm cái test với ổng xem sao. Tầm vóc “vĩ nhân” được đánh giá qua mấy khía cạnh. Về kinh tế, bác làm ăn đủ nuôi sống gia đình chưa? Về xã hội, bác đã đóng góp gì cụ thể cho cộng đồng nhỏ bé này? Về chính trị, với tư cách trí thức, bác lên tiếng và lên tiếng ra sao về các vấn đề cộm của xã hội, ở đâu, cấp nào? Về chuyên môn, nhà bác có bao nhiêu công trình, các công trình đó được giới chuyên môn đánh giá ra sao? Còn nếu cho 4 khoản ấy thực dụng quá, thì coi tầm tư tưởng của bác ấy, xem nó biểu hiện ra sao, ảnh hưởng đồng nghiệp tới đâu, tác động vào đời sống thế nào.
– Chớ nghe những gì bác ấy nổ, mà hãy xem xét những gì bác ấy làm… – tôi kết. Dĩ nhiên, để đảm bảo công bằng, em cần biết nhiều nhân vật Cham khác nữa.