Không là gì – không vì đâu
Một giọng nói mỏng manh dễ đổ
Vãi gieo vô hình trên cánh đồng ngữ ngôn chưa vỡ
Cứ hy vọng mùa sau
Không gầy nửa khoảng không làm đất đứng
Đi – như nỗi trầm tư
Không là gì – không vì đâu
Một hơi gió xâu dài thế kỉ
Mãi vũng áo cơm
Mãi đỉnh cô đơn
Khiêm cung giữa bạt ngàn đau khổ
Thắp nắng dăm ba số phận mọn hèn.
Không là gì – không vì đâu
Đi – như là ở lại.
(“Thi ca và thi sĩ”, Hành hương em, 1999 )
Câu chuyện
Với tôi, làm là chơi, làm để chơi. Chơi thì phải vui. Dù chơi, nhưng luôn hết mình. Và nhất là đến nơi đến chốn. Tagalau, dù biết nó chẳng là gì, nhưng tôi hết mình cho nó, và đẩy nó đến tận cùng. Bàn tròn Văn chương cũng vậy. Rồi khi cần bỏ, tôi cắt cái rụp, không chút lưu luyến.
Hàng mã Kí ức (2011):
“Chẳng có gì trầm trọng cả. Trong giai đoạn khốn cùng của lịch sử, những lúc chìm tận đáy đau khổ và tuyệt vọng, Cham vẫn biết cười. Cả tôi cũng vậy. Ở mọi nơi tôi đến, tôi cứ nhận mình là Cham – khoái hoạt! Tôi không cho Cham ngon hơn dân tộc nào đó, cũng không phải thông minh hơn, cao đại hay ưu việt hơn. Tôi không hiểu tại sao mình khoái hoạt. Cũng chả thấy cần thiết phải tìm hiểu tại sao. Còn nếu có ai đó chối mình là Cham, thay tên hoặc dùng dao lam cạo họ Cham trên thẻ căn cước, là quyền của họ. Tôi không quan tâm sự chọn lựa đó. Khi chọn lựa là có sự tính toán lui tới, thiệt hơn. Tôi, không! Tôi yêu thương, vô ngại trong tình thương. Giữa cao ốc Sài Gòn toàn Việt hay trong chòi rách gia đình Miên miền Tây, tôi vẫn sự sự vô ngại.
Hầu như tất cả mọi chuyện, tại bất kì đâu, với bất kì ai. Trước hội trường nghịt người hay chỉ với vài bạn thâm giao. Hoặc tôi thoải mái ở đó, hoặc tôi bỏ đi. Khi không thể yêu thương được nữa, cứ im lặng tha thứ, mà bước qua – Nietzcsche nói thế! Tôi không bao giờ mặc cảm hay ức chế điều gì đó.
Tôi chưa bao giờ cảm thấy mình khổ cả”.
Bởi tôi luôn cô đơn. Solitude, aloneness, to be alone, totally alone, completely alone cô đơn toàn phần. (Krishnamurti, Freedom from the Known):
“To be alone you must die to the past. When you are alone, totally alone, not belonging to any family, any nation, any culture, any particular continent, there is that sense of being an outsider. The man who is completely alone in this way is innocent and it is this innocency that frees the mind from sorrow”.
Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam nhưng tôi là một outsider. Nghiên cứu văn hóa Cham, tôi vẫn là kẻ ngoài cuộc. Ngoài cuộc, mà không vô trách nhiệm. Hết mình, và sẵn sàng bỏ đi. Vì… “Dù gì đi nữa vẫn luôn luôn giữ phong thái của kẻ sắp lên đường. Như chúng ta sống mà vẫn luôn luôn từ biệt” – Rilke.