VỀ CHỮ CẢM ƠN – gửi các bạn Cham [quarrelling about words]

Sáng nay, tôi được bạn trẻ cho biết các bạn Cham lại cãi nhau về chữ nghĩa! Đúng thời điểm tôi vừa dịch đoạn văn trong Kinh Thánh Bible (2 Timothy 2.14). Xin trích:

“Hãy nhắc nhở họ những điều nầy; trước mặt Thượng đế, hãy khuyến cáo họ phải tránh sự tranh cãi về chữ nghĩa, đó là điều vô bổ, chỉ làm tổn hại cho người nghe mà thôi”.

Keep reminding them of these things. Warn them before God against quarrelling about words; it is of no value, and only ruins those who listen.

Pahadar khol nhu dôm kabha ni bek; pak anak Pô Lingik, adan yah khol nhu sang pleh di pakal mưlah chah gah akhar tapuk bek, nan jơh kabha ôh hu hanim, yom ba mai palai lihik ka dôm urang pang min.

Về chữ các bạn cãi nhau tôi thấy KHÔNG CÓ SAI, VÀ CHẲNG CÓ AI NGU ở đây cả. Chỉ TÙY NGHI mà dùng chữ nào thích hợp với hoàn cảnh thôi. Xin lí giải nhẹ nhàng như sau:

Chữ CÁM ƠN, trước 1984 BBS viết: Đwa uyamưn sau đó đổi thành: ĐWA KARUN. Còn ngoài đời Cham nói: Đwa ơn (đội ơn), thi thoảng có nghe nói: Đwa dhar, Đwa phôl, hay Đwa dhar phôl [dù không có trong văn bản nào]. Vậy từ nào thích hợp hơn cả? [đọc đầy đủ ở TIẾNG CHĂM CỦA BẠN, “Xin lỗi” & “Cám ơn”, 2016]. Tạm xét 3 trường hợp:

– Trường hợp 1.

DHAR [Từ điển A] do tiếng Sanskrit: dhar, dharma: bienfait; mérite – prong dhar – grand mérite: công lao lớn. [Từ điển M]: “phước” bienfait

PHÔL [Tđ A] do tiếng Sanskrit là phala: fruit (năng suất), récompense (phần thưởng), vertu (đức, đức hạnh); convenances (lề thói); service (sự phục vụ). Cham còn ghép chữ dhar + phôl do chữ Sanscrit là dharmaphala thành ra dhar phôl (“phước đức”) nữa.

[Tđ M] dịch là “phước”, “việc lành” bien, bonne oeuvre.

[Tđ ĐH] có 2 nghĩa: 1. Năng suất – Padai hu phôl: Lúa có năng suất. 2. Hiếu, phước, đức.

– Trường hợp 2.

Apakāl hay Apakār có nguồn gốc upakara của Sanskrit.

[Tđ A]: chose, affaire, fait, bienfait; reconnaitre un bienfait – Trong các từ trên, có ngữ nghĩa cần lưu ý là “nhận biết việc lành, ơn phước của người khác”, nghĩa hiếm dùng hơn: “biết ơn”.

[Tđ M] dịch là “vụ”, “việc” chose, affaire. [Tđ ĐH] có 2 nghĩa: 1. Việc, sự việc, sự vụ. 2. Công ơn. Tờ điển này dẫn minh họa từ Akayêt Dêwa Mưnô: “Mik đwa apakāl graup kamôn”: Cô [hoàng hậu] mang ơn tất cả các cháu (sau khi chinh chiến trải qua bao nhiêu cơn bĩ cực, cuối cùng đưa hoàng tử Dêwa Mưnô về tới hoàng cung).

Như vậy, từ ĐWA APAKĀL đã có trong văn bản cổ Cham.

– Trường hợp 3.

Trước khi bàn về trường hợp 3, ta cũng cần nhắc qua từ ĐWA UYAMƯN mà BBS từng dùng. Ayamưn hay Uyamưn cả [Tđ A] hay [Tđ M] đều thiếu, dù từ này đã xuất hiện ở câu 2 trong Ariya Cam – Bini: Kau ngak bloh padang dôm ayamưn (Ta sáng tác [thơ] để kể bao ân tình).

KARUN

[Tđ A] có 3 nghĩa: 1. [Fils] unique = con một; 2. don = sự cho, biếu, tặng; tặng vật, quà tặng; 3. Faveur = ân, đặc ân. [Tđ Bố Thuận, tr. 23]: Đwa karun có nghĩa cám ơn. [Tđ M] thiếu từ này. [Tđ ĐH]: 1. Ơn, ân huệ – Đwa karun: đội ơn.

Kết.

Cả 4 từ dhar (hay phôl), apakāl, uyamưn, karun đều hàm nghĩa “công lao”, “công ơn”, “ơn nghĩa” cả. Tất cả đều có thể kết hợp với ĐWA (mang, đội) để tạo từ “hàm ơn”. Xét từng trường hợp cụ thể, ta thấy:

Phước đức: Dhar (hay phôl) + đwa = cảm ơn [ công ơn cha mẹ]

Công lao: Apakāl + đwa = cảm ơn [về công trạng to lớn, như hoàng hậu trong Dewa Mưno dùng].

Ân tình: Uyamưn + đwa = cảm ơn [ân tình của tình nhân]

Quà tặng: Karun + đwa = cảm ơn [về tặng phẩm, sự cho, của biếu tặng]

Câu chuyện.

Trong phiên họp ở BBSSCC vào năm 1985 (?), từ đwa apakal hay đwa uyamưn “bị” đưa ra bàn lại, vì nhiều người thấy nó lấn cấn sao ấy. Ông Quảng Đại Hồng (người Vụ Bổn lấy vợ Chakleng) mới nói: “Hồi tôi còn nhỏ, cha tôi có dùng từ đwa karun để nói tiếng “cám ơn”, các thầy xét lại thử”.

Ngồi bàn họp năm ấy toàn bậc cao niên: Lâm Nài, Lâm Gia Tịnh, Đàng Văn Mão, Qua Đình Bồi… Hỏi đi hỏi lại, chưa ai nghe “đwa karun” cả. Sau hồi im lặng, tôi nói: “Chữ đó có trong Từ điển Aymonier, quý thầy ạ”. Từ điển được giở ra.

Từ đó Ban Biên soạn sửa, và đwa karun có mặt.

 

Vậy, Đwa karun 1. đã có người sử dụng (đầu thế kỉ XX), 2. đã xuất hiện trong 3 từ điển (đầu, giữa và cuối thế kỉ XX). Nghĩa là nó có đầy đủ chứng cớ và xứng đáng được dùng.

Lời cuối [cho em]: Nắm được sự việc, tôi giải thích và post về chữ này lần cuối, hầu giúp các bạn đi sau rõ “lịch sử vấn đề”. Và xin không trở lại nữa. .

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *