Chữ & Nghĩa-10. GIẢI CÔ ĐƠN

Dẫu thơ tôi không khuây khỏa khổ đau anh

tiếng hát tôi khôn vực dậy khốn khó anh

thì có hề chi

nếu chúng một lần nhúm trong anh hi vọng.

(Hành hương em, 1999)

 

Câu chuyện

Mỗi sinh linh Cham là một tâm hồn cô độc, một ngọn đồi cô đơn. Cô đơn nên ta tìm đến nhau, lai rai tán dóc để xoa dịu cô độc nhau. Cô đơn, ta lập nhóm sinh hoạt chung. Ra nước ngoài, ta làm bao nhiêu điều tốt để níu giữ cộng đồng nhỏ bé này không bị tan rã. Cô đơn, có khi ta còn la lối nhau nữa, cho hàng xóm xúm vào xem, chỉ để bớt… cô đơn.

Tôi hiểu mọi nỗi ấy, nên pha. Đã bao xuyên tạc sau lưng, mấy cáo giác bằng văn bản, trên FB, tôi đủ độ lì, miễn nhiễm mọi nỗi ấy.

 

Năm 1978, một bạn học, do gia đình bị đối xử bất công mà dứt tình với Cham. Ông nữa, chỉ một lần giận Cham, đã bỏ vào Sài Gòn lấy vợ Việt, để rồi xa rời cộng đồng. Vĩnh viễn. Còn bao nhiêu người trở ngọn giáo căm giận về phía Cham, khi bị xử tệ, ai biết được? Có nên chỉ vì vài bất cập trong một bài viết mà đi đến suy diễn rồi quy kết, để đẩy sinh linh đó về phía hư vô không? Với tư cách con người, có đáng không? Với tư cách Cham, có đáng phải hành xử với nhau kiểu ấy không?

 

Xưa, Cham đã từng hành động nông nỗi [Ariya Glang Anak: “kiêm bathei khing karōng” nhai sắt cho nát], hậu quả thế nào ta biết rồi.

Tôi viết đâu đó, tôi không ghét bỏ Cham nào bất kì, không phải tôi tốt hay cao thượng gì gì, mà bởi tôi xem Cham như thể một sinh linh sống sót đầy thương cảm. Họ khờ khạo hay thậm chí ác đức, khi không thể yêu được nữa, tôi im lặng tha thứ mà bước qua, chứ căm ghét – tuyệt đối không.

 

Tôi biết có vài Cham đâm sau lưng tôi [với kĩ thuật hiện đại, quá dễ], nhưng có ai thấy tôi kêu ca hay nói lại về bất kì Cham nào bao giờ không? Vài bạn trẻ Cham phê phán tôi nặng lời, chẳng những tôi không đáp trả, mà ôn tồn giải thích với lời lẽ hòa ái hầu giúp các bạn nhận mặt rõ vấn đề.

Tôi gọi đó là giải sân hận từ tâm qua lời.

Tạp chí CPK có đến hơn mươi bài phê phán tôi bất công, xuyên tạc cả đời tư tôi; với vài vụ – tôi giải minh, đính chính một lần trên web cá nhân, rồi thôi. Ngược lại đặc san Tagalau do tôi sáng lập và chủ biên, suốt 15 năm hành trình tuyệt đối tôi không một lời tự biện minh hay phản bác, dù nhiều tác giả gửi đến, dù tôi toàn quyền làm điều đó. Nhưng không.

Đó chính là giải sân hận trong hành động. Có gì đáng tin hơn hành động?

 

Đừng đòi hỏi ai khác giải sân hận, mà nó phải bắt đầu từ chính ta…

Henri Miller: Nếu chúng ta không tập nhìn chúng ta như kẻ khác nhìn chúng ta, thì vết thương sẽ không bao giờ được lành, và chúng ta đời đời sống trong phân li và ngăn cách.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *