“Tôi sợ phải có một tâm hồn cao thượng”
Đọc phải câu này trong một tác phẩm của Dos, ở tuổi 15, tôi như bị điện giật. Đó là câu văn định mệnh, ám tôi mãi. Phần đời còn lại, tôi gần như sống dưới dấu hiệu của nó. Đây không là ảnh hưởng, mà như thể bất ngờ gặp lại người tình kiếp trước, không dứt bỏ được.
Tuần trước, phóng viên H.A. trong cuộc trao đổi dài, có nhấn về cái cá biệt của tôi. Tôi cho cô nàng hay: “Tôi là người cá biệt”, là tít báo Tây Ninh đặt. Nay, xin kể một lần cho trót, để ai cần thì có “tài liệu” tham khảo.
1. Vào đời làm Cham, tôi đã cá biệt. Là năm đại hạn, mẹ kể. Từ đó, tôi cứng đầu chả thua gì nắng Phan Rang của những ngày ấy.
Tiểu học, tôi vào lớp Năm theo kiểu cá biệt(*), rồi nỗi ấy kéo dài cho đến cuối cấp. Bán cà-rem tôi cá biệt, trong khi các bạn quẩn quanh trong xóm, 11 tuổi tôi đạp xe qua nhiều palei khác, có palei xa đến 30km. Thuở niên thiếu, tôi còn bày nhiều trò, kì quặc đến đỗi Chakleng tặng tôi biệt danh “thằng Trạm mát”. Tôi vui vẻ nhận, còn khoái nữa.
Trung học, dù luôn nhất lớp, tôi chưa bao giờ là học sinh ngoan. Bám chương trình thì ít, học và đọc ngoài thì nhiều. Đọc, tôi đọc mấy thứ mà kẻ Chàm cùng thời hiếm ai biết tới: Dostoievski với Hồi Kí Viết Dưới Hầm, Lũ Người Quỷ Ám, Anh Em Nhà Karamazov. Rồi thì Vivekananda, Krishnamurti, Nietzsche, Heidegger…
Và, trong khi các bạn vui thú với tuổi học trò, tôi bày kiểu chơi riêng: Lang thang vào các palei sưu tầm, nghiên cứu văn học Cham.
2. Ở quê, dù sắm vai một lực điền chánh cống, hứng lên là tôi bỏ đi.
Tôi tuyệt không giúp đám các loại. Có đám, cha biểu thì tôi qua, nhưng chả động tay chân gì. Lớn lên lập gia đình, và cả lúc có sui gia, tôi cũng hệt. Đám cưới, nhà mới, hay sinh nhật gì gì tôi đều bỏ qua. Cả của người thân nhất. Tôi chỉ đi, khi hứng. Mà vụ này tôi hiếm có hứng. Vài chục năm qua bà con than phiền về nỗi “vay trả nợ đám”, tôi thì miễn dịch về loài nợ nần kiểu này.
Tôi kết bạn với sinh linh Cham đủ loại, đủ tuổi tác, đủ thành phần, đủ vùng miền – vô ngại. Tôi thường xuyên tổ chức “hội nghị chiếu dài”, mời các bác về đãi cơm, gợi ý cho họ nói, tôi nghe và học. Là một cách học cá biệt của “thằng Trạm mát”!
3. Không bằng cấp, không đảng viên, không chức vụ; tôi làm việc 3 cơ quan mà chưa hề làm đơn xin việc. Khi thấy nơi ấy không còn hướng mở nữa là tôi xếp hồ sơ bái bai, không nhỏ nửa giọt nước mắt phim bộ.
Chọn lối đi gập ghềnh, tự đẩy mình vào thử thách mới, là một kiểu lập dị.
Ngồi ghế giảng đường, nhận ra ở đó không có gì đáng học, tôi cắt đứt đời sinh viên. Kế toán trưởng HTX Nông nghiệp chế độ ngon lành, tôi bỏ vào Ban Biên soạn sách chữ Chăm lương chết đói. Đang biên chế Nhà nước ổn định, tôi bỏ về làm ruộng. Đang ngon trớn với Quán tạp hóa Haly’s, tôi bỏ vào Sài Gòn. Làm nghiên cứu ở ĐH 6 năm, tôi bỏ đi làm nhà văn tự do. Nhà văn, đương vài chức “to”, tôi bỏ ngang xương không ngoái lại. Và bạt ngàn thứ khác.
4. Tôi kiếm tiền dễ. Nuôi gia đình 7 miệng ăn, tôi làm bộn nghề: Cày ruộng, trồng nho, rau muống, câu cá, nuôi heo, thú y, dạy học, làm hàng xáo, buôn bán lẻ, mở công ty sản xuất lớn, vân vân. Món nào cũng ra trò.
Không giàu, nhưng tôi chưa bao giờ gọi là thiếu tiền xài. Túi rủng rỉnh tiền, tôi cho không tính toán. Để nhập cuộc chữ nghĩa, Cty đang ăn nên làm ra, tôi giao hết cho bà xã, viết ngay trang đầu sổ tay hàng chữ to đùng:
MI KHÔNG ĐƯỢC QUYỀN LÀM RA TIỀN NỮA.
Tôi mang máu hậu hiện đại từ bụng mẹ, nên khoái đùa bỡn sự nghiêm trọng. Ở đâu hay lúc nào tôi ra mòi sắp bị nể trọng, là tôi nghịch. Trích Hàng Mã Kí Ức (2011):
“Ramưwan 1978, ở Thành Tín, khi ấy tôi tu Oshawa, đã hành anh Ve chạy tìm nồi gốm với gạo lứt muối mè. Ai đời “Tết Bà-ni” anh em nhậu nhẹt, mình lại ngồi nhai gạo lứt hệt thiền sư khùng. Và tôi kể chuyện Cham, từ Damnưi, trường ca, cho tận Royaume du Campa… Đám bạn với chú bác ngẩng cổ nghe và, phục lăn. Thấy không khí có mòi nghiêm trọng, thế là tôi nổi mát lên. Khi một cụ xin hỏi cậu nó tuổi con gì nhỉ, tôi nói: Dạ tuổi Krat Chàng hiu ạ! Thế là mọi người cười ồ lên và giải tán.
Mi đúng là Krat thiệt, – thằng bạn tôi kêu. “Krat” thành biệt danh bạn học gán cho tôi từ ấy”.
5. Chữ nghĩa, tôi cũng nòi cá biệt. Tôi viết từ thơ, văn xuôi các loại, nghiên cứu, lí luận phê bình, báo chí, trả lời phỏng vấn, tham luận, tranh luận, tổ chức ra mắt sách, chủ trì bàn tròn văn học, thuyết trình, chấm giải, xét kết nạp hội viên này nọ, vân vân.
Thơ, tôi thử nghiệm nhiều thủ pháp và hệ mĩ học.
Thuyết trình, trong khi các vị nói, và nói suốt, xong là nghỉ, tôi – chơi trò cá biệt: Nửa thời gian thuyết, còn lại là trao đổi, và tranh luận ngay trên diễn đàn. Chơi kiểu đó, các hội đoàn Nhà nước nghỉ chơi với tôi luôn.
Tôi cầm thẻ hội viên 4-5 Hội, nhận nhóc giải thưởng từ các tổ chức khác nhau, mà không lệ thuộc vào đâu bất kì. Tôi viết cho nhiều báo, từ trung ương đến địa phương, trong hay ngoài nước cũng chẳng chừa, chả ngán.
6. Nhập cuộc xã hội, tôi vẫn không chừa tật cá biệt. Không nhà văn dân tộc thiểu số nào làm được đặc san cho dân tộc mình, tôi làm Tagalau.
Tôi lên tiếng từ vụ to: Dự án Nhà máy ĐHN, Formosa cho chí vụ nhỏ: Ghur Darak Neh, Oan khuất Trường Dân tộc Nội trú, hay vụ chả ra vụ như Trường THCS Mai Thúc Loan, hoặc sinh linh Cham nào đó mất tích.
Nghe tin, hay khi được yêu cầu là tôi đi. Vô tư và vô vị lợi.
Tôi làm, không TẠI SAO mà BỞI VÌ. Vậy thôi, không hô to trách nhiệm cộng đồng. Nghiên cứu ngôn ngữ và văn chương Cham, tôi chả vỗ ngực kêu bảo tồn truyền thống văn hóa dân tộc chi chi cả, tôi làm đơn giản BỞI VÌ tôi làm.
Xăn tay áo vào cuộc, là tới bến. Săng sái đến đỗi Út tôi hỏi: Nhỡ sau này cei hết hứng thú, hay vì nguyên do nào đó cei nghỉ, không lên tiếng nữa, bà con trách thì sao? Tôi nói: Không sao đâu. Chẳng có gì trầm trọng cả!
7. Hỏi tôi có khổ không? Ở Chân Dung Cát (2006), tôi nói rồi: Tôi không bao giờ khổ cả! Thây kệ đời sống thế nào đi nữa, ít nhất có 3 sinh linh Cham comment rằng, mỗi bận lên tháp Chàm hay vào Thāng Mưgīk, họ thường cầu Pô cho tôi sống dai. Thần Yāng có nghe họ không chả biết, cứ sướng cái đã.
Ừ, thì tới đâu hay tới đấy. Vậy thôi, cũng đủ lãng quên đời…
*
MỘNG ĐỘC
(thơ tân hình thức, trong Chuyện 40 Năm…, 2006)
Mẹ mộng độc. Thầy Kalơng thôn cuối
đung đưa quả lắc báo năm nay
đại hạn. Mang thai bọc khối buồn
tôi chín tháng thiếu ngày, mẹ đẻ
Vẫn chưa độc, thầy pháp nói năm
tôi hết chỏm sông Lu làm lụt
trôi nửa plây kéo đổ căn nhà
Yơ độc tối bọn trẻ chúng tôi
chơi kuk dơp ngủ lang chết hụt
Đánh đòn tôi, mẹ khóc. Mộng còn
độc hơn nữa, thầy phán – thằng Klu
sẽ làm cái gì rất kì quặc
khác lạ trần đời. Mẹ buồn từ
ngày bọc thai tôi như mang khối
u độc. Mộng độc ám mẹ không
thôi.
___
(*) Khai trường, tôi cắp vở cùng đám bạn vào lớp. Thầy Sâm kêu: Mi còn nhỏ lắm, về đi, để sang năm học. Tôi chạy u về, níu váy mẹ, khóc. Mẹ dẫn tôi đến trước cửa lớp, nói: Thầy cho nó học gởi đi, vài hôm sau hết nhớ bạn, nó nghỉ cũng không sao. Tôi đi vào, ngồi ngay bàn đầu. Trước khi quay đi, mẹ không quên thòng một câu: “Nhưng nó học sáng lắm đó”. Và tôi sáng thật, đọc ro ro chữ. Thầy Sâm không biết là bài lớp Tư của anh Đạm tôi đã thuộc từ lâu.