[Hành trình viết của tôi là hành trình phá hủy “bản sắc tôi”]
Rời bỏ ruộng đồng quen thuộc, ngọn đồi thân thương
dong buồm vào hải đảo mù khơi bất trắc
người thủy thủ già đã không chở về mùa vàng thu hoạch
chỉ thấy bay lả trên cánh buồm khoảng nắng khoan dung
(Hành Hương Em, 1999)
Nghiên cứu để tìm ra bản sắc văn học dân tộc, tôi hệt cụ non, ngược lại sáng tác thì hoàn toàn khác. Có gì mâu thuẫn ở đây không? – Không!
Với tư cách con người, tâm hồn tôi đặc keo tinh thần minh triết Cham. Với tư cách người nghiên cứu, tôi được coi là chuyên gia về văn học Cham. Còn làm kẻ sáng tạo, tôi hủy phá cả hai thứ.
Vài bạn văn nhận thấy “thơ Inrasara Việt quá, không tìm đâu ra thấy bản sắc Cham ở đó”; một tác giả Cham trên một đặc san Cham hải ngoại quyết rằng độc giả cảm thấy “khô cằn, xa cách và không rung cảm” với thơ Inrasara.
Dù người trước phê bình “nói mò”, còn người sau thì “nói giùm”, lạ là họ ĐÚNG. Bởi hành trình viết của tôi là hành trình phá hủy bản sắc tôi, nghĩa là bản sắc văn chương Cham trong tôi.
Cho dù thơ tôi có đến 80% mang chứa đề tài Cham, thi liệu và tâm cảm Cham, tôi vẫn từng bước hủy phá “bản sắc” Cham, bằng thủ pháp nghệ thuật khác, cách nói khác và mới.
Chính hành trình phá hủy kia đặt nền móng khoan dung nơi tâm hồn kẻ sáng tạo, chứ không phải nỗi đóng, “bám trụ” các loại.
Kết.
Tìm ra bản sắc, không ở lại mà rời bỏ những thân quen, dong buồm tìm đến hải đảo xa lạ, biết cái xa lạ để hiểu mình hơn – từ đó, cõi lòng ta mở hơn, tâm hồn ta khoan dung hơn.