- Tháng 10-2017, bạn FB trẻ Jabaol Campa trích từ trang FB một vị tiến sĩ Cham, rằng: “Chăm bảo tồn còn chưa xong, mà sáng tạo với sáng chế làm gì?”. Về logic hình thức, nó không sai: Cham có quá nhiều thứ để bảo tồn, trong khi tài sức Cham chả có là bao, lo bảo tồn chưa xong nói chi sáng tạo!
Nghĩ xuôi là vậy, thực tiễn vận động đời sống hoàn toàn khác.
Một cộng đồng luôn có 3 bộ phận: Giữ cái cũ, tiếp nhận truyền thống để làm mới, và làm mới hoàn toàn. Bộ ba tồn tại tam hành ở bất kì cộng đồng lớn nhỏ nào. Không thể hô lên một tiếng là tất tần tật Bảo tồn, mọi mọi Cách tân, hay kẻ kẻ đi Khai phá.”
Xã hội Cham cũng không khác.
- Cuối tk XIX người Cham khốn đốn thể nào ai cũng biết, vậy mà ở đó bật ra hai trường ca trữ tình: Ariya Kei Ôy và Ariya Mưyut, chẳng sáng tạo là gì?
Trước 1975, cộng đồng Cham bé tẻo teo, mà – riêng về văn nghệ cũng đã nẩy nòi hai nhân vật sáng giá: Chế Linh và Từ Công Phụng.
Sau 75, họa sĩ Đàng Năng Thọ, có ai bảo/ buộc anh bảo tồn truyền thống đâu, anh có năng lực sáng tạo, anh làm: và mọi người nhận anh là nhà sáng tạo. Anh vẽ sơn dầu chỉ có nội dung đề tài là liên quan đến Cham, còn lại hoàn toàn “ngoại lai”. Sau đó anh nặn tượng bằng gốm: đầy sáng tạo!
- Tôi khác bạn đồng môn (tôi và Thọ cùng lớp thuở Trung học), là vừa bảo tồn truyền thống [qua tác phẩm nghiên cứu, dịch thuật văn học Cham], vừa là kẻ tiếp hiện, đồng thời sáng tạo. Riêng thể loại thơ:
Về thơ tiếng Việt, hãy để cho người Việt bàn, chỉ xin nhắc: Chớ bảo rằng Cham viết văn làm thơ bằng tiếng Việt là không sáng tạo. Việt kiều Mỹ chỉ viết tiếng Việt, viết cả hai, hay viết thuần tiếng Anh – vẫn là kẻ sáng tạo.
Riêng thơ tiếng Cham của tôi: Năm lớp 9 tôi đã có bài thơ tiếng Cham đầu tiên đăng báo tường, 1975-18 tuổi tôi viết 2 trường ca phục vụ dạy lớp tiếng Cham ở Chakleng, 1977-20 tuổi tôi có bài thơ làm tựa cho đặc san sinh viên Cham, 1980 thầy Hồng lấy thơ tôi dạy Bổ túc tiếng Cham, 1997, tôi in thơ song ngữ Cham Việt: Sinh Nhật Cây Xương Rồng, 2015, tôi có tập thơ thuần tiếng Cham: Thơ Ba Anh Em.
Tôi viết bằng cảm quan khác, cách biểu hiện khác, nhất là hầu hết bằng thể thơ tự do, nghĩa là khác hẳn với truyền thống thơ Cham.
Kết.
Trong một cộng đồng, ba bộ phận cùng tồn tại. Xét xem bộ ba ấy có ý đồ triệt hạ nhau hay đối kháng để phát triển – ta có thể dự tri tương lai một dân tộc [hay một nền văn học] tươi sáng hay mờ mịt. Tất cả tùy ở tâm cảm cộng đồng ứng xử với bộ ba ấy. Nếu ở đó, kẻ sáng tạo biết tôn trọng người bảo tồn, ngược lại phía giữ truyền thống biết trân quý kẻ dám đi tìm cái mới, thì dân tộc đó được phúc lớn.