Truyền thống, bản sắc & sáng tạo 07. VƯỢT BỎ TRUYỀN THỐNG

Ai đang đi kia?
Băng cánh đồng khô chân trần hối hả
Đội giành gốm to đi giữa trưa nắng hạ
Có kịp bữa cơm, đám con đói lao nhao?

Ai đang đi kia?
Gói khăn dằn lên lưng gùi qua đất Thượng
Chàm mình nghèo mà Thượng có giàu đâu
Nhưng đã đi thì phải quến nhau
Có kịp không, với vòng xoay công nợ
? (Inrasara, trường ca Quê Hương, 1984)

*
Thử tưởng tượng người Việt cứ vâng lời các cụ Nho học ôm khư khư Lục bát, Song thất lục bát với Hát nói hay Đường luật, thơ Việt hôm nay sẽ ra sao? – Chắc chắn sẽ không có “Một thời đại trong thi ca” với Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên…
Sau đó, cứ nghe theo Xuân Diệu, Tố Hữu quyết kiên trì loại thơ như Thơ Mới với Thơ Mới hậu kì, chắc chắn Việt Nam sẽ không có được Nguyễn Đình Thi, Trần Dần, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên…
Rồi các nhà thơ tự do mãi cấm cản, kì thị loại thơ khác thơ mình, thì có đâu nảy nòi phong trào Tân hình thức với Hậu hiện đại hay Thơ Trình diễn!
Thơ Việt dậm chân tại chỗ với “truyền thống” và “bản sắc” mà ưỡn ngực với đời.

Chuyển hệ qua Cham, nếu ta quyết ôm ghì bản sắc, ta sẽ được/ mất hay thành cái gì?
Hết Biyen, Tiaung, Mưmơng, Mưrai đến Patra, Wah Gaiy, Po Tang Ahauk… Hết Múa quạt, Đội lu đến Múa Carit hay Đạp lửa…
Áo thì Aw Dwa Baung sang Aw Bak Kwang
Gốm, sao cứ là Khang, Gauk, Glah… để sau đó đội dạo khắp làng thôn rao bán? Còn Thổ Cẩm ai lại bắt nhau mãi “buộc lưng” ngồi dệt từng sợi từng sợi để Đi Chru? Thế thôi ư?
Sao không gì khác, không gì hơn?

Tại sao không sáng tạo, không dám làm mới, làm khác “truyền thống-bản sắc”?
Amư Nhân là hay, nhưng tại sao không dám cắt đứt hẳn với thể điệu dân gian cũ? Ta cần vài nhạc sĩ thế hệ mới làm khác thế, và hơn thế.
Đặng Hùng là hay, là độc đáo. Ngoài trừ chuyện ông đặt tên cho nó là “Múa Cung đình Cham” [ông vẫn chưa chứng minh được liên quan giữa “múa cung đình Champa” và điệu múa do ông sáng tạo, ngoài trừ các thế tay chân ông mã hóa từ tượng, phù điêu cổ]; còn lại tôi chấp nhận tất ở Múa Apsara [chuyện y phục “hở hang”, “trần truồng” thường bị mang ra công kích, nếu nó “hở hang”, “trần truồng” thật thì Nhà nước này đã cấm nó từ khuya rồi, đâu cần Cham phải kêu!].
Còn thơ, lẽ nào bạn thơ Cham mãi quanh quẩn thể Ariya Đếm Chữ, đến Ariya Đếm Âm Tiết, hay Pauh Catwai? Không chịu “lai căng” thì ta lấy đâu thơ tự do, lấy đâu các thủ pháp hậu hiện đại? May, các bạn thơ Cham đã ý thức mạnh mẽ: dám cắt đứt với “truyền thống-bản sắc”, từ đó họ có những sáng tạo sáng giá, thời gian qua.
Dĩ nhiên, nếu các bạn viết bằng tiếng mẹ đẻ thì càng tốt hơn nữa.

Có ai còn muốn ôm khư khư bản sắc nữa không?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *