[Đào tạo văn hóa Sợ cho tuổi trẻ hôm nay, chắc chắn chúng ta sẽ gặt hái thế hệ công dân Hèn ngày mai]
Giải thoát sợ hãi phải khởi từ nhà trường.
Nhà trường hôm nay thế nào? Vụ Trường THCS Mai Thúc Loan đang làm điển hình. Hơn 30 giáo viên im lặng, như chưa hề có việc gì xảy ra. Tại sao? Bởi nó không là việc của mình. Mình vô sự!
Hai kiểu học qua kinh nghiệm của tôi.
- Trước tiên là ông thầy Đệ Lục [2 tuần dạy thay thầy Trần Hữu Ngũ] cho bài văn nghị luận. Cả lớp điểm trung bình 12, thậm chí có đứa 15, riêng tôi: 05/20! Còn đỡ, ông phê mực đỏ chóe: “Chép theo sách”, mới ớn.
Bạn Xoài ngồi chung bàn xúi tôi: Mi khiếu nại đi. Suýt tôi nghe lời bạn, nhưng không, tôi nói: “Ông thầy ngu, miễn!” Học sinh giỏi văn nhất lại bị điểm thấp nhất lớp. Ông cứ nghĩ học sinh Cham không thể làm văn tiếng Việt hay được, mới ẹ!
- Thầy Việt cộng chơi kiểu khác. Lớp 12, tôi sinh linh Cham duy nhất của lớp văn duy nhất Trường THPT Nguyễn Trãi, Ninh Thuận. Thầy Huyền dạy văn là chủ nhiệm, hiền tính lành người. Hôm đó có một ông thầy “khác” ra vẻ uyên bác, dự giờ.
Thầy Huyền giảng “Hổ nhớ rừng”, xong, tôi ý kiến: Thầy vẫn chưa phân tích được diễn biến tâm lí của hổ, đại khái thế. Thầy hứa nghiên cứu thêm. Tôi liếc thấy ông thầy dự giờ khá bực. Kệ!
Tháng sau, ông “khác” này dạy thay thầy Huyền, ông giảng cái gì đó về Bác Hồ, và ra câu hỏi độc. Ông hứa trước tập thể sẽ cho 3 điểm 10 đứa nào trả lời được. Vài bạn thử sức đều no, phiên tôi đứng lên, ông im lặng giây lâu, rồi: “khá lắm”. Giải lao, đám bạn xúm lại coi sổ điểm – chỉ có mỗi điểm 10! Thầy bà chơi vậy hỏi có kì hôn?
Tôi nhớ mãi ông thầy này đã “dạy” đám trẻ chúng tôi, khi mấy đứa không thuộc bài, nguyên văn: “Tôi nói là nói cho ấm thân cô cậu thôi nhé”. Cái “lí tưởng” CS kiểu vậy đấy!
- Lên ĐH, ông giáo sư phát ngôn chống Khổng theo kiểu: “Phụ nhân nan hóa… ai đẻ ra Khổng Tử… ai đẻ”. Tôi cãi: “Thưa thầy, triết học và chuyện đẻ là hai phạm trù khác nhau ạ”. Tôi ngán thầy bà, rồi chán trường lớp từ đó.
Chán nhà trường XHCN tới đâu, định mệnh cứ đẩy tôi rơi vào vòng xoáy của nó. Hồi làm Từ điển ở ĐH Tổng hợp TPHCM, giờ giải lao tôi hay ra ghế đá sát giảng đường, ngồi hút thuốc. Ngồi và nghe ông giáo sư giảng triết học Hiện sinh cho sinh viên với những: Chấm xuống dòng, hai la mã, gạch đầu dòng…
Sau đó, ông tặng tôi cuốn giáo trình: Triết Học Phương Tây Hiện Đại!
- Thầy Phạm Đăng Phụng thuở tôi lớp Đệ Tam, thì khác. Với tôi, thầy là ân nhân. Chính thầy gợi ý cho tôi về nghiên cứu văn học Cham, qua câu nói khá vu vơ: “Chả hiểu sao người Cham không làm được văn học sử dân tộc mình”.
Còn dạy, thầy cực lập dị, không theo sách giáo khoa, mà soạn “giáo trình” riêng, bảo đám học sinh nộp tiền mua bản quay roneo của thầy. Rẻ, mà hiệu quả cực kì. Lần thầy cho bài tập, tụi tôi cứ theo “giáo trình” kia mà làm, điểm 15-18 đồng đều. Chẳng những thầy không vui, mà còn la: “Mấy đứa cứ sợ mất điểm, làm bài chả mống nào dám trật cái dấu chấm dấu phẩy, hỏi chứ đời nào tiến bộ được”. Vậy thôi, mà tôi “đốn ngộ”! Tôi làm khác đời, từ đó.
Năm kia, tôi và Nguyễn Thị Quý tìm đến nhà thăm thầy gần nhà tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, sau đó 3 tháng, thầy mất.
Kết.
– Thầy phải biết dạy trò LÀM KHÁC mình (chuyện văn mẫu giết chết sáng tạo là một…);
– Biết dạy trò DÁM CÃI lại mình (XHCN, thạc sĩ vẫn còn sợ… tiến sĩ);
– Từ đó công dân mới KHÔNG HÈN.
Mình có thể cho qua nếu bản thân bị thiệt, chứ khi người bên cạnh bị oan khuất, ta phải lên tiếng [Như ở Stt này, Sara có thể cho qua về điểm 5, chớ tôi “cãi” tới bến khi chân lí (chuyện Khổng Tử) bị xâm phạm!].
+ Ví dụ khác: Cá nhân tôi bị viết xuyên tạc, tôi dễ dàng sapa; nhưng khi họ tấn công tôi mà ảnh hưởng đến BÊN THỨ BA, tôi không thể im lặng, là thế.