Làm sao có thể giải phóng tâm hồn khỏi mọi chấp nê vụn vặt? Câu hỏi tưởng bé nhỏ nhưng khá to cồ, trong cuộc người xào xáo đầy bất trắc của hôm nay. Làm thế nào có thể đi vào chợ đời mà có thể thõng tay không thủ thế?
Con người là dòng sông dơ bẩn, phải là biển cả bao la mới có thể dung chứa những dòng sông dơ bẩn kia mà không tự làm ô uế mình, Nietzsche nói thế.
Thật lố bịch cho kẻ nào tự nhận là biển cả giữa cõi nhân gian mênh mông chật chội này. Nếu thế hắn là, hoặc thánh nhân hoặc thằng khờ. Con người hỉ nộ ái ố urang bihuh bihah biha bihi, đủ cả. Thế mới là con người. Nhưng con người vẫn có thể vươn vượt để thoát khỏi chúng bằng tinh thần phá chấp vô phân biệt với thái độ buông xả.
Tôi hiếm khi dùng chữ “đoàn kết”, càng không hô hào Cham đoàn kết. Đoàn kết được hiểu lâu nay là: Ai không theo ta, ai có suy nghĩ khác ta là kẻ ấy thiếu đoàn kết. Đó là chưa nói đến người chống lại ta.
Điều tôi nhấn mạnh là: giải sân hận. Tôi lấy tác phẩm nổi tiếng nhất trong truyền thống văn học Cham: Ariya Glang Anak để minh định tinh thần này.
Rằng, khi tâm hồn ta còn trì nặng nỗi oán trách nhỏ bé, suy nghĩ nhỏ bé, không biết cảm thông và tha thứ, hay khi ta còn nuôi ý định âm u triệt tiêu ai đó, là ta chưa hiểu tinh thần Glang Anak. Khi ta chưa mở lòng ppalai tung tian với con người hèn yếu xung quanh, là ta chưa thể sẵn sàng đón nhận thông điệp Glang Anak.
Như thế, khi mỗi sinh linh Cham đã giải sân hận ngay thẳm sâu tâm hồn mình thì dù “mất đoàn kết” tới đâu, Cham cũng sống tốt lành, và hứa hẹn làm nên việc.