Câu chuyện Huyền Trân công chúa vào Champa đầu tk XIV dựng nên mấy lớp huyền thoại hao tốn giấy mực, để mãi hôm nay nó vẫn còn chìm trong vùng mờ lịch sử.
1. Phản biện sai
Vụ này có một vị Cham phản biện, rằng người Cham theo chế độ gia đình mẫu hệ, tài sản [đất đai] có thuộc Chế Mân đâu mà ông mang 2 Châu ra đổi lấy Huyền Trân?
Lỗi xuất phát từ chưa hiểu sâu văn hóa Cham. Tục ngữ Cham nói rõ:
Likei di bang mưsuh, kamei di bang mưnưk: Đàn ông cho chiến đấu, đàn bà cho sinh nở [hay: Đàn ông cai quản xã hội, đàn bà quản lí gia đình]. Đàn ông toàn quyền về xã hội, vậy chuyện cắt đất nếu có là thuộc quyền ông.
2. Phàn biện 50-50. Các câu hỏi đặt ra:
– Huyền Trân có phải bị buộc lên giàn hỏa thiêu không? Vua Pô Rômê (1627-1651) mất, bà vợ cả là người Cham không chịu lên giàn lửa, bà vợ kế người Êđê mới lên. Sự thể cho ta biết, lên hay không là TỰ NGUYỆN.
– Còn nếu buộc phải thế, Champa có dễ bị đánh lừa để mất phẩm vật quý giá nhất dành cho buổi hỏa thiêu không?
– Và khi biết mình bị lừa, hải quân Champa được xem là hùng mạnh nhất khu vực, có dễ dãi bỏ qua không?
Ừa, cũng được đi…
3. Phản biện đúng [từ ngay lòng Sử Việt để phản biện]
Thời hiện đại, sinh linh Cham [nhất là chức sắc tôn giáo Bà-la-môn] từ ngày mất đến ngày thiêu có thể kéo dài, nhưng tuyệt không quá 1 tháng.
Xưa, phong tục Cham nhà vua mất để tang đúng một tuần là phải làm lễ thiêu(*). Chế Mân mất tháng 5, mà mãi non nửa năm sau Trần Khắc Chung mới qua đón Huyền Trân.
Nếu buộc lên giàn hỏa, HUYỀN TRÂN ĐÃ RA TRO RỒI, còn đâu để Khắc Chung đón, để mà than thở nỉ non đêm vắn tình dài cho bia miệng người đời khắc ghi!
Kết. Tác giả ĐVSKTT không nắm được “cái vi tế” đó của văn hóa Cham, nên đã tưởng tượng trật, qua đó dựng nên cái huyền thoại… hão huyền.
______
(*) Lê Thành Khôi, Lịch sử Việt Nam, Từ nguồn gốc đến giữa thế kỉ XX, NXB Thế giới, 2014, tr. 122)
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, tập II (1971, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 102-103) chép: “tháng 6-1306, gả công chúa Huyền-trân cho vua nước Chiêm-thành. Tháng 1-1307, đổi hai châu Ô Lý làm châu Thuận và châu Hóa – tháng 5-1307, vua Chiêm-thành là Chế Mân chết – tháng 10, sai nhập nội hành khiển thượng thư tả bộc xạ Trần Khắc Chung và an phủ Đặng Văn sang Chiêm-thành đón công chúa Huyền-trân và thế tử Đa-da về”.
24. HUYỀN THOẠI HUYỀN TRÂN & LỖI PHẢN BIỆN [2]
Bởi đây là series “TẬP” phản biện, nên ta cố gắng đi đến tận cùng sự vụ, để tháo gỡ vấn đề.
“Em tập phản biện-23” nhận được nhiều phản hồi, trong đó có vài còm đi hơi xa trung tâm vấn đề đang bàn. Riêng ý kiến của bạn FB Di Vo Vo là rất đáng nói lại. Bạn viết (27-9-2018, tôi có chỉnh lỗi kĩ thuật):
“Ông chú có coi phim Outlander chưa (Anh với Scotland) ☺ em thấy giống Việt với Chăm (suy nghĩ của e thôi- Scotland tươi sáng hơn Chăm).”
Câu văn trên phạm 3 lỗi:
1. So sánh Anh – Scotland với Việt – Cham.
Anh “chiếm” Scotland, nước này vẫn còn, và hiện nay vẫn phát triển; Đại Việt chiếm Champa, thì Cham mất hẳn, thành “dân tộc thiểu số” của Việt Nam.
Anh với Scotland “giống” Việt với Cham, là phạm lỗi ngụy biện SO SÁNH ẨU.
2. “Scotland tươi sáng hơn Chăm”. Tôi chưa xem phim, nên không biết “tươi sáng hơn” ở phần nào, tổng thể hay chi tiết [tôi hỏi, bạn không trả lời]. Ở Stt này tôi chỉ giới hạn trong 1 phạm vi rất hẹp: “Huyền thoại Huyền Trân”, và giải minh mang TÍNH KHOA HỌC, rằng tác giả ĐVSKTT – vì không hiểu một khía cạnh vi tế của văn hóa Cham, nên “sáng tạo” sai.
– Sai này ảnh hưởng đến văn giới [ít nhất 3 tiểu thuyết dựa trên huyền thoại này mà hư cấu], chưa nói ảnh hưởng đến lối nghĩ của giới trẻ.
– Nhất là sai đó TẠO CÁI NHÌN TIÊU CỰC VỀ PHÍA CHAM, “bên thua cuộc”.
“Scotland tươi sáng hơn Chăm”, phạm lỗi ngụy biện KHÁI QUÁT VỘI VÃ.
3. “… tươi sáng hơn Chăm”. Đâu là Cham ở đây? – Bà con “Cham” sẽ hỏi thế.
Stt là “của” Inrasara. Giải huyền thoại này là của tôi. Như tôi thường nói, tôi không là ĐẠI BIỂU cộng đồng Cham. Đồng hóa cách nghĩ của Inrasara với Cham, là sai.
Nếu bạn viết “Những người làm phim Outlander Scotland tươi sáng hơn Inrasara ở Stt này”, thì được.
“Scotland tươi sáng hơn Chăm” còn PHẠM LỖI ĐỒNG HÓA cá nhân với cộng đồng.
Chúng ta còn cần phải học nhiều, và học tập nhau, là vậy.