[14. về tinh thần dân tộc hẹp hòi]
1. Năm 2012, ở buổi thuyết trình tại Đồng Nai [Hội đồng LLPB VHNT Trung ương tổ chức], giờ giải lao, một “học viên” qua tôi: “Anh Sara có thấy gợn gì không?”, giọng tỏ vẻ cảm thông, ái ngại. Tôi nói:
– Không đâu, bạn à. Sara muốn thế mà…
Sự thể như vầy. Ba ngày, năm vị toàn giáo sư, tiến sĩ & Inrasara được mời “dạy” 300 học viên gồm giảng viên ĐH, nhà báo gạo cội, cán bộ Tuyên giáo các tỉnh thành thuộc khu vực phía Nam. Trong khi các vị khác giảng bài, xong, cho địa chỉ email: “Anh chị thắc mắc cứ gửi câu hỏi đến tôi”, như thể dân hỏi bộ trưởng trả lời ấy…
Thì tôi, theo thói tật cũ, chơi trò cá biệt: Nửa thời gian thuyết, nửa còn lại dành cho trao đổi. Thế là cả dây nhợ câu hỏi dồn tới, lạc đề có, đâm thọc có… Dưới hội trường không ít ánh mắt ái ngại cho tôi. Tôi chả ngán, tuần tự nhi tiến…
2. Các “thầy” cứ sợ sai, tôi thì không.
Con người bất toàn, bất toàn nên cây bút chì mới cần cục gôm ở đằng đuôi! Vậy mà ta cứ sợ bị quê, nhất là trước đàn em, trước sinh viên.
Sai, ta nhận sai, rồi cảm ơn và xin lỗi – là xong.
Thuyết trình, tôi luôn chọn đề tài mới, hay đề tài cũ nhưng cách nhìn mới, giải pháp mới. Chơi kiểu đó mà không cho thính giả “nói lại”, ức chết đi được. Cho họ nói, bên cạnh giải được “ẩn ức kia, phần tôi cũng sáng ra vài khía cạnh của vấn đề qua câu hỏi.
Lợi đủ đường. Tiếc là mãi hôm nay VN [chính thống] vẫn chưa có diễn đàn đúng nghĩa.
3. Câu chuyện
Chủ đề bài thuyết trình: “Văn học DTTS và văn học ngoại vi làm giàu sang nền văn học đa dân tộc Việt Nam”. Khởi đầu, tôi nói:
– VN giàu và đẹp, từ hệ sinh thái cho đến văn hóa. Đất nước VN hiện đại hình thành từ hai quốc gia: Đại Việt, Champa và một phần Thủy Chân Lạp cùng 54 dân tộc với các nền văn hóa và ngôn ngữ khác nhau. Đó chính là giàu và đẹp của VN hiếm quốc gia nào có được…
Ngay vào giờ trao đổi, một học viên bật dậy không chịu cái cụm từ “hình thành từ” này. Tôi nói:
– Đó chỉ là phần lung khởi, đề nghị các bạn đặt câu hỏi nhấn vào chủ đề…
Cuối giờ, như vẫn còn ức, một cánh tay khác giơ lên:
– Thuyết trình viên lảng tránh câu hỏi… Giáo trình chúng tôi học không thấy có “Việt Nam hiện đại hình thành từ hai quốc gia…”. Đề nghị trao đổi ý này cho ra lẽ. Nếu thuyết trình viên đúng, thì Ban Tuyên giáo cần chỉnh sửa giáo án…
Hơi bị ghê! Với tôi, vụ này dễ ợt như ăn ớt. Tuy thế, sợ tôi “lạc đề”, ông Hồng Vinh vội vã chạy lên mi-cờ-rô, nháy mắt. Tôi chào hội trường, bước xuống, nghe loáng thoáng phía sau giọng của ngài chủ tịch:
– Bài thuyết trình của Inrasara hấp dẫn… anh nói được những điều cần nói… rất tốt… tôi đề nghị các đồng chí nghỉ ở đây…
Và tôi cũng nghỉ từ đó. Hội đồng không còn mặn mà mời “ngài cá biệt” nói chuyện lần nào nữa…
[15, về tầm nhìn hẹp]
Thế giới mở, còn ta cứ chơi trò hẹp hòi…
1. Từ phía Việt
Ở “Em tập phản biện-14”, thái độ né tránh mệnh đề “Đất nước Việt Nam hiện đại giàu và đẹp hình thành từ hai quốc gia: Đại Việt, Champa và một phần Thủy Chân Lạp”, thì rõ rồi. Phần cá nhân, nhà thơ ĐH là tiêu biểu, với phát ngôn kiểu:
“… ba lần trao giải cao cho Inrasara là Hội Nhà văn VN tát vào Đại Việt ông cha ta! (…) dân tộc quanh năm suốt tháng Nhà nước phải trợ cấp lương thực nhu yếu phẩm”.
Nếu vế dưới, do đố kị cá nhân thành lây lan sang phân biệt đối xử dân tộc tệ hại; thì vế trên, bởi thiếu cái nhìn toàn cảnh với sợ hãi vu vơ, ta làm KHUYẾT ĐI BẢN SẮC DÂN TỘC, từ đó gây TỔN HẠI CHO ĐẤT NƯỚC ở tương lai xa.
Suy nghĩ kiểu đó thì còn kì vọng gì ở nỗi “thoát Trung”?
2. Đâu là bản sắc Việt Nam? [Việt Nam, chớ không riêng gì Việt]
Câu hỏi đầu tiên là: Người Việt có gì để hãnh diện với thế giới? Xin để lửng câu trả lời…
Câu hỏi tiếp theo: Việt Nam mất gì, nếu không cộng thêm bản sắc các dân tộc thiểu số ở phía Bắc, bản sắc cộng đồng sắc tộc người Tây Nguyên, văn hóa Khmer Nam bộ và nhất là bản sắc Cham và văn minh Champa?
Hỏi, là đã trả lời rồi.
3. Từ phía Cham
(Ở đây, tạm đơn cử 1 ý “nhỏ” ra phân tích – cho Cham, và cả cho Việt Nam)
Ở “Em tập phản biện.8”, nhà thơ CML còm hỏi tôi: “Sao chuyện Cham không lo, mà đi lo chuyện Yuon?”. Thắc mắc này cần nhận câu hỏi ngược lại:
– Tại sao không đòi hỏi ai khác, mà là Inrasara?
Cộng đồng cần đến chính kiến của nhân vật NỔI TIẾNG! Bởi chỉ có tiếng nói của họ mới gây chú ý, từ đó tạo ảnh hưởng lên công luận.
– Nổi tiếng Ở ĐÂU? – phải là câu hỏi tiếp theo.
Nếu ta chỉ nổi tiếng trong cộng đồng nhỏ bé thì chả tới đâu cả, tiếng nói cất lên dễ lạc lõng và chìm nghỉm. Muốn tiếng nói tác động lớn hơn, sinh linh Cham cần nổi tiếng ở phạm vi rộng lớn hơn, cả nước Việt Nam, nếu được – thế giới.
Giả dụ, trước sự cố nào đó, nếu một Chế Linh hay Từ Công Phụng lên tiếng, thì sức tác động của nó khác hẳn một sinh linh Cham nào đó. Không phải vì họ giỏi hơn, mà tên tuổi họ được thế giới ngoài Cham biết đến nhiều hơn.
Thực tế hai nhân vật ấy hiếm khi lên tiếng, Inrasara ngược lại…
4. Trường hợp Inrasara
Không giả vờ khiêm tốn, tôi nổi tiếng, thì rõ rồi.
Thế nhưng, nếu tôi thuần NGHIÊN CỨU văn hóa Cham, cái tiếng ấy chỉ dừng lại làng palei, cùng lắm nó “lây lan” sang tỉnh, thành Việt Nam xíu. Chỉ khi tôi xen vào, mở ra với cả nước: SÁNG TÁC, PHÊ BÌNH, THUYẾT TRÌNH… thì tên tuổi Inrasara mới được biết đến ở phạm vi rộng lớn hơn: Việt Nam, và phần nào đó – khu vực.
Và nhất là, khi tôi làm KHÁ mấy món tưởng chả có gì liên can đến Cham kia, tiếng nói tôi mới có được trọng lượng đáng kể.
Thắc mắc của CML là TỰ MÂU THUẪN, như rắn quay lại cắn đuôi rắn(*).
Các bạn Cham còn muốn tôi NGỒI NHÀ nữa không?
______
(*) Nếu tôi không “lo” cho cả Yuon, thì Yuon (số đông) sẽ không chú ý đến tiếng nói của tôi khi tôi “lo” cho Cham (số ít), từ đó sự ủng hộ từ số đông giảm đi rất nhiều.
[16, từ tầm nhìn hẹp đến lối nhìn mở]
Ở trang cuối của tập cuối: Trò Chuyện Triết Học (2017), khi được đề nghị chọn tiêu ngữ cho giáo dục ở Xã hội tri thức, Bùi Văn Nam Sơn đã chọn 3 chữ: TỰ DO – NHÂN ÁI – HỘI NHẬP. Đây không là khẩu hiệu chính trị hời hợt, mà là tiêu ngữ đề nghị của người dành cả đời đọc và suy nghiệm triết học.
Tự do là tiềm lực phê phán và khai phóng của chủ thể.
Thiếu nó, cá nhân chỉ còn là sinh thể yếu đuối làm con cừu đi theo bầy đàn, hoặc hổng chân giữa hư vô chủ nghĩa các loại. Tôi phải là một sinh linh tự do khỏi mọi buộc ràng, mọi phe phái, mọi tín điều tôn giáo hay ý hệ chính trị… để có thể nhận mặt và phản biện mọi vấn đề cộng đồng. Để sống, hân hưởng đời sống và sáng tạo.
Nhân ái là mệnh lệnh của thời đại tàn bạo.
Hiểu quá khứ, mà không để gánh nặng quá khứ đè lên tâm hồn. Bằng tinh thần giải sân hận, ta nhẹ nhõm lên đường khai phá vùng đất mới ở & cho tương lai. Ta công bằng với ta, cả công bằng với cái KHÁC ta.
Hội nhập là tất yếu lịch sử trong thời đại toàn cầu hóa.
Ta là Cham, ta hiểu ta và hiểu thế giới không chỉ có ta. Ta cần cất lên tiếng nói Cham, bên cạnh ta biết ta đang sống trong đất nước Việt Nam giữa thế giới đang là một Làng toàn cầu.
Giáo dục VN không dạy cho thê hệ trẻ tự biết mình. VN không muốn BIẾT ĐẦY ĐỦ mình(1), VN cũng không muốn biết người nữa!(2). Từ đó, biết bao tâm hồn lớn mắc kẹt giữa “đi không nỡ, ở không đành”. Tại sao? Ai mà chẳng yêu quê hương, nhưng lẽ nào cứ phó mặc cho tài năng ta teo tóp trong môi trường ấy! Tội hôn?
Bị quăng ném vào nền giáo dục đó, Cham có thể làm được gì? Câu trả lời là: không gì là không thể! Bởi, luôn có một lối nhỏ để đi…
Mãi ôm mang tinh thần dân tộc đóng với lối nhìn cạn và tầm nghĩ hẹp, ta tự bó tay và tự nhốt trong lồng Cham. Để mãi mãi: Nước non Chàm chẳng bao giờ tiêu diệt/ Tháng ngày qua vẫn sống với trăng mờ (Chế Lan Viên).
_____
(1) “Không biết đầy đủ về mình”, nên mới có vụ học viên nảy ra câu hỏi cắc cớ quyết liệt đó, nên có vụ nhà thơ ĐH không thuộc bài lịch sử địa dư đất nước mà lòi ra lối nghĩ trời ơi đó. Chỉ là 2 ví dụ.
(2) Ý Nguyễn Hưng Quốc, FB 21-9-2018: TẦM NGHĨ HẸP
“Năm 1968, trong một chuyến đi thăm Hà Nội ngắn ngủi với tư cách là một “trí thức tiến bộ” của Mỹ, Susan Sontag nhận ra ngay là người VN ít có thói quen tư duy trên một tầm địa lý rộng. Mọi nhận định và mọi sự so sánh đều chỉ giới hạn trong phạm vi VN mà thôi.
David G. Marr, một chuyên gia về sử VN hiện đại cũng nhận ra một điều là người VN thường rất ít bận tâm đến lịch sử các nước khác. Số lượng các bài viết về lịch sử nước ngoài xuất bản tại VN rất hiếm hoi và phần lớn chỉ có tính chất lược thuật chứ không hề là kết quả của một công trình nghiên cứu do chính mình thực hiện.
Một tầm nhìn hẹp như thế là một trở ngại chính để giới trí thức tiếp cận với xu hướng toàn cầu hoá và giới làm chính trị thì khó thích nghi với cái gọi là địa chính trị (geopolitics) vốn là một trong những đặc điểm nổi bật nhất trong các quan hệ quốc tế hiện nay.”