Một nhà thơ + nghiên cứu (2013) cáo giác: “Inrasara coi thường người đọc”. Hãy xem:
Tôi viết:
“Trong khi học sinh Trung học thời Tiền chiến đã [được chương trình Pháp chuẩn bị để] làm quen với thơ Lamartine, Musset, Rimbaud…; còn ở ta 20-30 năm qua, ngay sinh viên Ðại học khoa Văn vẫn còn xa lạ với các trào lưu lớn ĐANG DIỄN RA trên thế giới”.
Anh Chi bình: “Thưa nhà thơ Inrasarra, cháu tôi cùng một số bạn của cháu, đang học lớp 11, đã rất thích đọc qua bản dịch hoặc qua Anh ngữ các tác phẩm của Ca-muy (A. Camus), Tô-mát Man (Thomas Mann), Xtăng-đan (Stendahl), Các-pen-ti-ê (A. Carpentier), Mác-két (G. Marquez), Ya-xu-na-ri (Kawabata Yasunari), A-bê (Kobo Abe), Ô-e (Kenzaburo Oe), Mu-ra-ka-mi (Haruki Murakami)…, đó là những đại biểu lớn của những trào lưu văn chương lớn trên thế giới. Xin thật lòng nói với Inrasara rằng, cách phê bình của anh dễ khiến người đọc cảm thấy bị coi thường.”
Tôi viết một đằng: học sinh trung học thời Tiền chiến đã [được chương trình Pháp chuẩn bị] làm quen với thơ lãng mạn, nên họ dễ dàng tiếp cận với sáng tác lãng mạn Việt, khi phong trào Thơ Mới xuất hiện. Còn Anh Chi nói một nẻo: “cháu tôi đang học lớp 11 đã rất thích đọc” các tác phẩm…
Hoàn toàn khác.
– Thứ nhất, chuẩn bị ở trường học có chương trình với sự hướng dẫn của thầy giáo thì khác cả trời vực với “rất thích đọc” đơn lẻ. Cá nhân tôi đã đọc Gide, Sartre, Camus, Hemingway… ngay từ lớp 6, nhưng mãi tuổi 20 vào Sài Gòn, khi “tự đào tạo” về triết học và mĩ học hiện sinh, tôi mới yêu được Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền…
– Khác thứ hai là, thực tế học sinh Trung học Việt Nam hiện nay không biết tí ti về hậu hiện đại, thì chuyện họ không thể tiếp nhận sáng tác hậu hiện đại là điều không lạ.
Đó là lỗi của chương trình giáo dục, chứ đâu phải ở người đọc. Tôi nói lên sự thật đó, nhà này bảo tôi “coi thường người đọc”!
Ô là là…
Năm 2007, báo Lao Động còn giật tít: “Inrasara: Người đọc [thơ] cũng cần được đào tạo”. Rất rõ ràng và quyết liệt, vậy mà có ai bảo ông Sara coi thường người đọc bao giờ.
Thơ là vậy, chứ âm nhạc, làm gì ta thưởng thức nổi giao hưởng, khi người Việt Nam còn chưa được đào tạo căn bản về nhạc giao hưởng!