Sử gia hay nhà nghiên cứu, ở cách thế nào đó, cũng là kẻ kể chuyện. Thường để đảm bảo tính nghiêm ngặt của khoa học, họ tránh tối đa giọng chủ quan. Văn phong càng khách quan càng tốt, càng trung tính sự thuyết phục càng cao. Nhưng rồi mấy khách quan với trung tính kia vẫn cứ là câu chuyện của họ: Hi[/er] story.
Nhà văn ngược lại, đầy chủ quan. Đa phong cách, đa giọng điệu, thậm chí đa thể loại. Với Cham thì càng…
Chuyện lịch sử…
Nhân vật Pô Rômê ám ảnh tôi kì lạ.
Tôi có bài thơ ngắn về ông; dịch 2 Damnưy giai thoại về ông sang tiếng Việt; nhân vật ấy còn chiếm trọn chương tiểu thuyết Chân Dung Cát; sau cùng tôi dành cho Pô Rômê nguyên phần [I] của Luận: “Đặt Nền Triết Học Đạo AHIÊR-AWAL”
Về văn học, hai tác phẩm cố điển có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao: Ariya Glang Anak, hay Poh Catôi thường xuyên trở đi trở lại trong câu chữ của tôi thuộc đủ thể loại: Thơ, tiểu thuyết, chuyên luận, thuyết trình, trích đoạn cho tiểu luận văn chương…
Thời hiện đại…
Chuyện Ông Phok Dhar Cơk, ông họ nội tôi, nhà Yogi cuối cùng của Cham. Tôi có 3 bài thơ về ông; nửa chương trong tiểu thuyết Chân Dung Cát là dành cho ông; không dừng ở đó, tôi còn phân tích nhân vật kì dị này qua các mảnh tiểu luận nữa. Tất cả để người đọc tiếp cận được tinh thần ông, nhà Yogi bị “ăn chữ” bị “chữ ăn” thành tẩu hỏa nhập ma, không thể hòa nhập vào xã hội Cham hiện đại.
Hay nhân vật vô danh như anh họ tôi Hàm Bộ, cũng lác đác có mặt trong chữ nghĩa tôi.
Thể loại đã vậy, cách thể hiện và giọng điệu thì càng. Giọng điệu từ nghiêm cẩn đến đáo để hay bỡn cợt; cách biểu hiện từ tổng thể đến chi tiết mang tính phân mảnh; phong cách từ cổ điển đến hiện đại và cả hậu hiện đại.
Tại sao? Tôi muốn độc giả tiếp nhận một sự thể, sự kiện, nhân vật [vô danh hay nổi tiếng] từ nhiều góc độ và hình tướng khác nhau, qua đó hi vọng bật ra những nét thật đặc thù của cá thể trong bản đồ tổng thể tâm hồn con người và tinh thần văn hóa Cham.
Ý hướng là vậy, còn nó có đạt hay không, và đạt tới đâu, tùy Bà Trời.