Năm 2014, tôi nổi hứng làm series bài TÔI, KẺ KỂ CHUYỆN với gần 200 Stt, gồm:
Cái Tôi đáng ghét, Tôi học, Tôi buôn bán, Tôi & Cham, Tôi & chữ Cham, Tôi & chính trị, Tôi kể chuyện Tagalau, Tôi & văn học Việt Nam, Tôi & bạn văn, vân vân. Các câu chuyện ấy đã nhận những phản hồi đáng kể, và thú vị phải biết.
Hôm nay tôi thử ngoảnh lại, với loạt bài CHAM STORYTELLER, như thể một rút gọn chúng, để làm bài học cho chính mình, và cho bạn FB muốn nghe chuyện.
Nhà văn là kẻ lưu trữ kí ức dân tộc, nắm giữ hồn cốt dân tộc, kể nó ra, và tùy môi trường – kể bằng nhiều thể cách và giọng điệu khác nhau.
Lưu trữ kí ức dân tộc, từ cổ, cận và hiện đại. Hắn buộc phải nắm bắt câu chuyện từ 4 khu vực:
– Lịch sử dân tộc: Hắn cần đọc tất cả những gì sử gia trên thế giới viết về Cham, đọc nhiều tác giả khác nhau để có thể đối sánh, tìm bằng chứng khoa học khả tín nhất, thuộc nằm lòng chúng, biến chúng thành câu chuyện của chính mình.
– Các văn bản Cham: Từ văn bia đến bản chép tay các loại, từ văn học cho đến bài tụng ca các lễ, từ sách dùng vào việc phù phép ma tà cho đến kinh kệ Halau janưng cả ba hệ… hắn cần nghiền nát chúng như tương.
– Câu chuyện dân gian: truyện cổ, truyền thuyết, giai thoại, tục ngữ, ca dao…
– Cuối cùng hắn phải đi sâu vào đời sống THỰC của thế giới THỰC Cham hôm nay. Khám phá các mảnh đời, phận người, tâm tư và lối nghĩ của càng nhiều sinh linh Cham càng tốt. Thuộc đủ thành phần, lứa tuổi, giai tầng.
Sau đó, hắn cần LẬP HỒ SƠ. Không lập hồ sơ, bạn dễ sơ sẩy, dễ đánh mất chi tiết tưởng vô thưởng vô phạt nhưng có vai trò rất quan yếu cho liên tưởng. Để làm gì?
Để ghi nhớ, và từ kí ức ấy – tìm sợi dây kết liên giữa các bộ phận, từ đó truy tìm nền tảng của nền tảng hồn cốt dân tộc.