Thi sĩ là kẻ cư trú trong ngôn ngữ dân tộc

Đỗ Hương thực hiện

Được nhân khá nhiều giải thưởng văn học cả trong và ngoài nước, xin hỏi anh có tự đề ra cho bản thân những cái đích phải đến, khi phạm vào nghiệp văn?
Inrasara: Văn hóa Champa như cánh rừng hoang, dù hơn thế kỉ qua nhiều nhà khoa học đã nỗ lực khai phá nhưng nó cứ âm âm u u. Biết đâu là cùng kia chứ!
Chưa tới tuổi tam thập, tôi đã lượm nhặt được lượng khá lớn tư liệu văn chương và ngôn ngữ Chăm. Tôi đã gọi 2 ông bạn vừa tốt nghiệp đại học tới, đề nghị tặng họ tất cả: 1 về ngôn ngữ và 1 về văn chương, cả các bản phác thảo. Để rảnh rang cho sáng tạo. Rủi cho tôi: không ai nhận cả! Thế là tôi phải gồng mình ôm.
Với thi ca cũng vậy, tôi vào cuộc rất ngẫu nhiên, dù tôi làm thơ từ khá sớm. “Lỗi” hoàn toàn thuộc nhà thơ Nông Quốc Chấn! Chính ông tình cờ đọc thơ tôi, chọn 5 bài thơ chưa bao giờ đăng báo của tôi vào Tuyển tập văn học Dân tộc thiểu số Việt Nam (Nxb.Văn học, 1995), lo cho Tháp nắng ra đời, sau đó giới thiệu tôi vào Hội…
Rồi các giải thưởng tới, như bạn thấy đó!
Sau khi bị từ chối, tôi tự đặt ra cho mình mục tiêu: viết bộ Văn minh Champa khái luận, khoảng đâu 2-3000 trang. Hôm nay, văn chương với ngôn ngữ đã tạm ổn; các chương mục khác ôi thôi là mù mờ mênh mông. Ví dụ nhé: gần như tôi đã thu thập được hầu hết tư liệu âm nhạc Chăm, nhưng 10 năm nay vẫn bất lực nhìn nó nằm đấy: chưa tìm được nhạc sĩ tầm cỡ (say mê điên rồ tí!) chịu cộng tác làm, làm không lương – như tôi đã thế với văn học. Mà di sản âm nhạc Chăm nhỏ bé gì cho cam. Từ từ mà cày vậy thôi…

Khi đọc Lễ tẩy trần tháng Tư, người trong làng thơ cũng như độc giả yêu thơ đều có chung cảm nhận: tập thơ là sự thể nghiệm của thi ca trạng thái. Và vẻ như, ôm phủ Lễ tẩy trần tháng Tư không hẳn chỉ có những nhạc điệu, hồn Chăm mà còn lẩn khuất một niềm cô đơn tác giả? – Căn nguyên sâu xa của nỗi niềm ấy?
Inrasara: Bàn về thơ mình có cái gì đó hơi buồn cười.
Còn cô đơn của sáng tạo, ai mà chả! Tự do sáng tạo của nghệ sĩ và trách nhiệm công dân, cá nhân và cộng đồng, bản sắc dân tộc / tính hiện đại, ước mơ / hiện thực, trì nặng mặt đất và phiêu lãng bầu trời… Các phạm trù đối lập song hành tồn tại trong tâm hồn kẻ sáng tạo. Anh buộc cư trú thường trực trên lằn ranh đó, luôn chịu sự ma sát của chúng: đau đớn, chia xé, vụn vỡ… Với tôi, nỗi cô đơn hai lần hơn, bởi tôi viết bằng 2 thứ tiếng. Thi sĩ là kẻ cư trú trong ngôn ngữ dân tộc, nhưng hôm nay không nhiều người đọc thơ tiếng Chăm, thơ hiện đại Chăm thì càng ít hơn nữa…

Suy nghĩ của tác giả khi bắt gặp những lời bình, lời thẩm thơ: trong mạch, hồn thơ Inrasara vừa có men lạ, vừa chất chứa tâm tư của một thân phận “thiểu số giữa lòng thiểu số”. Còn những câu thơ thì không thật vần vè mà chòng chành chữ nghĩa, đôi khi bồng bềnh nhạc tính như một bài thánh ca?
Inrasara: Cư trú trên lằn ranh, thi sĩ rất dễ có nguy cơ bị đẩy vào mê hồn trận nguy hiểm. Anh luôn bị giằng xé, không có chọn lựa cho anh giữa dân tộc và hiện đại. Chọn “dân tộc”, anh từ chối bản chất phiêu lưu của sáng tạo, anh sẽ sa lầy trong nỗi ngây thơ, ngô nghê, bản năng, cảm tính…; chọn hiện đại, anh hỏng chân trong trừu tượng vô lối, hũ nút, bí hiểm, hình thức, hậu hiện đại học đòi … Theo tôi, phận nghệ sĩ sáng tạo luôn cầm bằng cô đơn và thiểu số, dù bất kì anh ở đâu trong tập thể lớn nhỏ nào, dù anh muốn hay không. Nó vừa thuộc phạm trù siêu hình vừa xã hội. Anh muốn thoát khỏi mọi buộc ràng văn hóa, xã hội, cộng đồng cùng trách nhiệm lớn bé… để thám hiểm những vùng đất lạ vừa như muốn lần tìm trở về, thở lại không khí quen thuộc của quê hương:
Đường trở về
Gian nan trăm lần hơn bước tha hương
Không chỉ đường trở về ta phải làm quen với khuôn mặt quê hương
Không chỉ bước tha hương ta phải yêu thương con đường-bóng tối

(Tháp nắng)
Nỗi giằng xé ấy có mặt thường trực, cả khi anh tưởng như đã dàn xếp được chúng (các cặp đối lập kia), hóa giải chúng: bất trắc khôn lường.

Thường trực trong thơ Inrasara là sự triết lí, gợi nhiều suy nghĩ về kiếp đá, kiếp người, điều này đã được tạo nênbởi ảnh hưởng bởi các bậc thi sĩ tiền bối, hay bắt nguồn từ chính những va đập của đời sống hôm nay?
Inrasara: Tôi nghĩ không ai có thể thoát hẳn khỏi quá khứ, có khi quá khứ đó kéo lê tận thuở tổ tiên ta còn tập đi bằng hai chân cơ! Riêng bản thân tôi, từ tam thập, luôn ở trong tâm điểm thời sự dân tộc: kinh tế-xã hội, sáng tác, nghiên cứu, chủ biên Tuyển tập duy nhất của Chăm…nên có thể nói thơ tôi nóng hổi hơi thở của cuộc sống hôm nay. Tôi nói trong nó, qua và cho nó.

Anh nghĩ sao khi những Tháp nắng, Ngụ ngôn viết cho mình, Lễ tẩy trần tháng Tư,…được chọn in riêng cho thiếu nhi: Inrasara, Thơ với tuổi thơ (Nxb.Kim Đồng)? Liệu các em có lĩnh hội được hết những ý nghĩa, nét đẹp?
Inrasara: Với thơ, nên tìm nét đẹp trước ý nghĩa. Và cũng không phải lo các em không tiếp nhận được nó. Trong chúng ta hỏi ai dám cho mình đã hiểu hết ý nghĩa của nhiều câu, đoạn thơ của thi sĩ cổ điển, cả Đông lẫn Tây? Cần là giáo dục, trang bị cho các em hệ thẩm mĩ mới, phương pháp tiếp nhận văn bản mới để các em đến thẳng với thơ hiện đại. Công chúng những năm bốn mươi không khó khăn lắm trong đón nhận Thơ Mới, bởi trước đó họ đã được làm quen điều đó ngay thuở trung học rồi (sáng tác thuộc Trường Lãng mạn và Tượng trưng được dạy trong chương trình Pháp thời ấy), trong khi thơ hiện đại mãi hôm nay vẫn còn xa lạ với sinh viên khoa văn chương Đại học ta! Nên, việc độc giả dị ứng với thơ cách tân hôm nay không là điều lạ.

Giống như một “nhà khảo cổ”, qua hơn 20 năm cần mẫn sưu tập những trường ca chép tay, những câu ca dao, tục ngữ của dân tộc rồi khảo đính sang tiếng Việt, đã khi nào anh chợt cảm thấy bồn chồn, nản lòng?
Inrasara: Không hề, dù tôi biết những nỗ lực ấy ngày càng lộ rõ hơn nỗi bấp bênh: chắc gì thế hệ đi tới quan tâm tới nó! Nhất là ngôn ngữ. Mỗi tháng nhân loại mất đi 2 ngôn ngữ; trong 400 năm qua hơn 1000 ngôn ngữ loài người bốc khói! Với một cụm di tích, một nền văn chương cổ …, người ta có thể phục chế, sưu tầm, dịch thuật để người đời sau thưởng lãm, nghiên cứu. Nhưng hỏi nếu ngôn ngữ sống của một dân tộc mất đi, chúng ta hành xử như thế nào? Bất khả, phải không? Ngôn ngữ dân tộc tồn tại và phát triển qua sáng tác văn chương, nhưng hôm nay có mấy ai / còn ai làm thơ, viết văn bằng tiếng Chăm?

Qua những sáng tác thơ, văn xuôi, các tập phê bình tiểu luận, cũng như Từ điển Chăm – Việt , anh đã giúp bạn đọc thêm vốn hiểu biết văn hóa, văn học Chăm. Vậy trong khôn cùng huyền diệu tâm hồn Chăm, điều gì với anh là ý nghĩa và thiêng liêng hơn cả?
Inrasara: Câu hỏi này tôi đã trả lời ở trên rồi: ngôn ngữ sống.

Nếu so với lịch sử và kiến trúc Chăm từ lâu vẫn được nghiên cứu bài bản, công phu thì văn học Chăm (ngoài trừ số rất ít tác giả, trong đó có Inrasara tâm huyết gắn bó), xem ra văn chương tại xứ sở của những ngọn tháp và vũ điệu Apsara … vẫn còn hoang hóa. Nên chăng văn hóa Chăm cần một sự quan tâm và đầu tư ở tầm cao hơn?
Inrasara: Đúng. Ban biên soạn sách chữ Chăm tỉnh Ninh Thuận thành lập 25 năm nay đã có những thành tựu lớn trong việc dạy và học tiếng Chăm trong các trường tiểu học có con em Chăm học. Nhưng sau đó, sách báo đâu cho các em, để có cơ hội trau dồi văn chương-chữ nghĩa? Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm tại Ninh Thuận hoạt động 12 năm nay được Nhà nước quan tâm đầu tư “đúng mức”, nhưng tại sao mãi hôm nay vẫn chưa có được tập san của mình, chứ chưa nói đến xuất bản công trình chất lượng?! Vướng mắc ở đâu?
Trở lại câu đầu tiên: Văn hóa Chăm vẫn còn là cánh rừng hoang…

*
Báo Lao động, 7.01.2004

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *