[Châm ngôn hậu hiện đại: “Think globally, act locally”]
Sử gia Tạ Chí Đại Trường gọi tôi là “con người đa năng”, còn thi sĩ Phan Huyền Thư tặng tôi danh hiệu “học sĩ”. Không phải học giả, mà là học sĩ – tôi khoái nó phải biết.
24 năm nhập làng chữ nghĩa, ngoảnh lại, thấy mình đa năng thiệt chớ giỡn. Hết làm thơ viết văn đến nghiên cứu, hết phê bình, viết báo đến dịch thuật và cả diễn thuyết. Hết mình. Về nhiều đề tài thuộc vài lĩnh vực khác nhau.
Còn học sĩ, tôi là kẻ ham học, mê hiểu biết – thế thôi.
Chữ nghĩa, cái khoái chính của tôi là sáng tạo, chứ làm “nhà nghiên cứu văn hóa Cham hàng đầu”, “cây bút phê bình lỗi lạc”, “nhà phê bình chịu chơi nhất Việt Nam hiện nay” gì gì đều ở thế buộc, rủi ro mà thành – như tôi từng khai.
Thế buộc, muốn biết toàn cảnh văn học Cham, hỏi ai chả biết, tôi lao vào làm.
Lịch sử, đâu đâu cũng nói Cham giỏi ngành biển, vậy mà tìm cuốn sách về Hải sử và văn hóa biển Cham như thể tìm chim, thế là tôi phải mày mò.
Chuyện sát cạnh và cụ thể hơn: Để có cơ sở lên tiếng về Dự án Nhà máy ĐHN liên quan trực tiếp đến mảnh đất Po Riyak, mò tài liệu không thấy đâu, tôi mới cặm cụi đi, đọc, hỏi và viết.
Ta không chịu học, học từ abc, mà cứ ham nói, ham làm thầy. Cái bệnh của thiên hạ là thích làm thầy đời – Mạnh Tử từng đùa thế.
Bao nhiêu vùng đất mới chưa ai đặt chân tới, bao nhiêu vũng tối văn hóa Cham chưa được soi sáng, ta không chịu truy tìm, mà dựa hơi ăn theo chuyện người khác đã làm, không lo khai phá mà dễ dãi bước theo lối mòn của thiên hạ.
Đâu là công trình về âm nhạc Cham, để người đọc cầm nó lên có thể nhận diện toàn cảnh âm nhạc dân tộc? Các dấu vết Cham ở khu vực ngoại thành Thăng Long là đâu? Ngay văn học Cham đã được sưu tầm và công bố, ai là người chịu học tiếng Anh thật giỏi để có thể chuyển chúng sang Anh ngữ thật hay, bày nó ra cho thế giới thấy?
Mênh mông thiên địa!
Chối bỏ đường mòn, bạn cần nghĩ ra đề tài mới và khác. Không ngóng đợi đầu tư hay tài trợ, mà tập trung thời gian và công sức vào, thì nên chuyện.
Trong nghiên cứu, phát hiện đề tài là sáng tạo. Một sáng tạo không cần đến tài năng đặc biệt!
Cả đời sống Cham hiện đại nữa. Bao nhiêu mảnh đời với những thân phận và câu chuyện, đến hôm nay, tôi vẫn chưa thấy “nhà nghiên cứu” Cham nào chú ý đến nó, ghi nhận nó, và viết nó thành truyện. Dựng nó thành phim – thì càng chưa.
Cham đâu phải mỗi Akhar thrah hay Xakawi mà va quẹt, cãi cọ. Đâu phải cứ kiếp gà què quẩn quanh với phong tục tập quán, lễ nghi tôn giáo mà đè ra nghiên cứu! Nhai đi nhai lại mấy nỗi ấy khác gì ta chui đầu vào làm tín đồ của Chủ nghĩa Ao làng.
Hơn thế, tự khoanh góc nhỏ ao làng, mà ngồi.
Và tự sướng.