VỀ CHỦ NGHĨA AO LÀNG.04- KHI CHAM RA BIỂN LỚN

[Châm ngôn hậu hiện đại: “Think globally, act locally”]

1. Người Việt có khả năng toán học.
Lê Bá Khánh Trình và Ngô Bảo Châu là minh chứng. Thế rồi, hai nhân tài trẻ tuổi ấy đi qua hai ngả rẽ cuộc đời.
Khánh Trình bảo vệ xong luận án tiến sĩ, trở về Việt Nam; từ chối lời mời của Viện Toán bởi điều kiện làm việc, đi lại xa xôi, anh chọn làm giảng viên ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM. Khánh Trình say mê với việc TRUYỀN KIẾN THỨC toán học cho các thế hệ học sinh (VnExpress, 2017).
Đại học Việt Nam – như ta biết, khó thể có phát kiến lớn ở đó. Dẫu sao đó là một chọn lựa. Ta tôn trọng chọn lựa ấy.
Ngô Bảo Châu làm một chọn lựa khác: Đi ra biển lớn KHAI PHÁ. Và anh lớn.

2. Người Việt cũng có khả năng suy tư triết học.
Trần Đức Thảo là một trong những. Thế nhưng thay vì ở lại tiếp tục con đường triết học, song hành với người cùng thế hệ ngoài đó, ông đã có chọn lựa riêng: “Trở về nước tham gia kháng chiến”, bên cạnh giúp Việt minh hiểu đúng chủ nghĩa Marx (!).
Và ông sa lầy, rồi bị nạn. Cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Bùi Văn Nam Sơn có cái nhìn công tâm và sòng phẳng về ông:
“… do bối cảnh đặc thù, Trần Đức Thảo không còn thấy những chân trời của cụ. Cụ không còn mở cửa đối thoại mà tự giao cho mình trách nhiệm phòng vệ: bảo vệ cái có sẵn, cái gì xa lạ là bác bỏ thay vì tiếp thu cái mới để có thể phê phán hay không đồng ý nhưng sẽ phát triển. Mà điều này không đúng với tinh thần của một triết gia. Triết gia là phải tranh luận để tiếp tục, để mở thêm những chân trời chứ không phải để khép lại các chân trời. Không ai dám phủ nhận chất lượng triết học của bản thân Trần Đức Thảo, nhưng đáng tiếc, có thể nói Trần Đức Thảo là TÙ NHÂN CỦA BẢN THÂN.

3. Người Việt cũng có khả năng… văn học.
Ra biển lớn, chưa đầy nửa thế kỉ, cộng đồng Việt hải ngoại lộ bày bao nhiêu khuôn mặt văn học sáng giá. Hàng loạt tên tuổi viết song ngữ xuất hiện: Đinh Linh, Nguyễn Quí Đức, Đỗ Kh… Nhà văn đoạt giải thưởng quốc tế uy tín cũng không thiếu.
Monique Trương. The Book of Salt giành Giải thưởng “Barbara Gittings Book Award in Literature” của Hiệp hội Thư viện Hoa Kì và Giải PEN/ Robert W. Bingham năm 2004.
We Should Never Meet, tác phẩm đầu tay của Aime Phan đoạt giải Sách Quý của Kiryama Prize đồng lúc vào chung khảo giải Văn chương Mỹ gốc Á năm 2005.
Nam Lê sinh ở Sài Gòn và lớn lên ở Úc, hai lần nhận Giải thưởng Văn học Anh Dylan Thomas danh giá. Lần thứ hai dành cho tập truyên ngắn: The Boat.
Uyên Nicole Dương với cuốn tiểu thuyết đa văn hóa Mimi and Her Mirror đoạt giải nhất cuộc thi Giải thưởng sách Quốc tế International Book Awards 2012.
Mới nhất, Nguyễn Thanh Việt nhà văn Mỹ gốc Việt đầu tiên đoạt giải Pulitzer cho cuốn tiểu thuyết đầu tay: The Sympathizer.

4. Ra BIỂN LỚN, có sinh linh Cham nào nung nấu ý định kể câu chuyện Cham cho thế giới không?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *