[tặng anh Ysa Cosiem, người tuổi quá lục tuần vẫn còn say sưa học tiếng Cham]
Câu hỏi chả phải đùa tí nào, ngược lại – cực nghiêm trọng. Tại sao?
1. Thử đi vòng xa hơn với câu hỏi: Cham nghiên cứu để làm gì?
Tôi từng phê bình Hội Văn nghệ Dân gian trên vài diễn đàn, rằng các vị tiêu tiền nhân dân vào sưu tầm-nghiên cứu sử thi Tây Nguyên rồi in ra mấy chục cuốn sách dày cộm, xin hỏi chớ sau đó chúng đang ở đâu? Chúng có hiện diện trong tủ sách gia đình các dân tộc Êđê, Churu, Bana… không? Vậy thì sau khi các nghệ nhân khuất núi, làm sao thế hệ đi tới có thể kế thừa di sản kia? Văn hóa trở thành văn hóa chết rồi còn gì!
Nghiên cứu để làm gì? – Trưng thư viện cho người đến sau nghiên cứu làm luận văn, luận án dành cho giới nghiên cứu tiếp tục nghiên cứu!
Còn Cham, nếu ta nghiên cứu để có công trình, để có tấm bằng lận lưng, tiếng tăm đút túi… thì nghiên cứu kia có ơn ích gì không, nếu nó không dự cuộc vào mấy nỗi đời, nỗi Cham hiện đại?
2. Trở lại câu hỏi của chúng ta: Biết/ giỏi chữ Cham – tốt lắm, nhưng biết & giỏi đó để làm gì? Gom lại mấy hiện tượng hôm qua, tạm phân loại:
Ta giỏi chữ để lấy le, để khoe. Tâm lí này còn tệ hơn học từ chương; bởi từ chương ít ra là thuộc lòng sử sách; còn ở đây, ta chỉ giỏi có mỗi thứ là… chữ.
Khoe trống không mà chả có gì trong tay thì chán chết. Dấn thêm một nấc, để người thiên hạ biết ta giỏi chữ, không cách nào ngon hơn là viết cuốn Tự học, và soạn… Từ điển! Cái bệnh của thiên hạ là thích làm thầy đời – Mạnh Tử nói đố có sai.
Oách hơn nữa, để người đời lác mắt, ta phải làm khác Ban Biên soạn sách chữ Chăm, nơi tập hợp nhiều vị tài giỏi. Ta làm khác đi – nghĩa là ta cũng giỏi chán, có khi giỏi hơn.
Và dĩ nhiên, phải làm khác ông… Inrasara!
Đó là bệnh tuổi trẻ, tôi ở ngày xa xưa cũng mắc, rồi tôi nhanh chóng hiểu ra, và bái bai nó từ mười tám đôi mươi. Tại sao? Bởi nếu còn nuôi bệnh, thì nó lậm và thành thâm căn cố đế khó chữa trị.
Giỏi tiếng/ chữ Cham mà ta không khiêm tốn biết rằng nó chỉ là cái cần chứ không phải đủ, và ngôn ngữ chỉ là công cụ, là phương tiện chứ không là mục đích. Nữa, nếu ta giỏi tiếng/ chữ Cham mà ta mỗi ngày cứ nói độn, thì cái biết ấy thành cái biết-chết rồi còn gì…
3. Lạc qua bộ môn khác, và một cách dễ hiểu hơn, lần nữa thử đặt câu hỏi tương tự: Ta giỏi văn chương để làm gì?
Nổi tiếng rằng ta nhà thơ, nhà văn? Có nhãn mác để tán gái? Giật giải thưởng này nọ để được nổi tiếng hơn, và nhất là để “lưu danh thiên cổ”? – Nhảm!
Lại lôi bản thân tôi ra làm chứng: Khi đã “giỏi” văn chương Cham, và khi đã thành nhà văn, tôi còn phải làm gì?
– viết cuốn Văn học Cham – Khái luận Văn tuyển để trang bị kiến thức cơ bản về văn học dân tộc cho nhà văn Cham ở tương lai;
– như thế đã đủ chưa? – Tôi soạn Từ điển Cham như là sách công cụ cho người viết học ngữ và tra cứu;
– sau đó, tôi phải tạo lập đặc san Tagalau như là mảnh đất cho cỏ mọc;
– cuối cùng khi may mắn phát hiện nhân tố mới, tôi còn trách nhiệm dìu dắt, giới thiệu họ ra công chúng văn học cả nước nữa…
Bằng không nếu tôi giỏi văn chương chỉ để giỏi mỗi nó, thì tôi chỉ dừng lại ở… nhà văn, không hơn kém phân tấc.
Chỉ khi cái biết/ giỏi quá khứ nhấn về phục vụ cho đời sống đang diễn ra ở thì hiện tại, từ đó khai hướng cho tương lai thì cái biết/ giỏi kia mới thực sự Nhập cuộc về hướng MỞ.
Đồng ý với anh Inrasara, tuy nhiên theo tôi cái gì cũng có hai mặt của nó, chẳng hạn:
” Giật giải thưởng này nọ để được nổi tiếng hơn, và nhất là để “lưu danh thiên cổ”? – Nhảm! ”
Đấy cũng là một mục tiêu của tuổi trẻ, một mơ ước lớn lao của những bầu máu nóng, nếu lấy đó làm động lực và hình thành nên “nội năng” cũng xuất hiện nhiều người tài giỏi!
Rồi cũng sẽ đến thời điểm thay đổi nhận thức theo thời gian, tự mỗi cá nhân sẽ có nhận biết trong cuộc đời còn có những cái cao cả nữa mà chúng ta chưa thể xác quyết.
Kính!